Tận dụng cho em đỡ tốn tiền mua
Trong góc của gian phòng khoảng 20m2 nhà anh Trần Văn Đức, ngụ tại phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TPHCM lỉnh kỉnh đồ chơi của trẻ. Những con búp bê đã rơi rụng lông mi, mình mẩy lấm lem, những chiếc xe ô tô nhựa mất mui, bể vỡ, những bộ xếp hình các con chữ đã bong tróc lớp sơn... được dồn gọn vào vài chiếc thùng giấy. Anh Đức khệ nệ bê ra: "Đấy có những món đồ chơi suốt từ năm thằng cu Mạnh còn đi mẫu giáo, nay nó học lớp 10 rồi mà vẫn còn. Tôi cũng bận rộn suốt nên cứ tống vào thùng bỏ kho, có thời gian nhớ ra thì đem lựa cho tụi trẻ con nhà cô, chú nó chơi".
Còn chị Hà Minh Hằng ngụ tại phường 6, quận Gò Vấp, TPHCM cho biết, đồ chơi của trẻ nhà chị vừa qua phải dồn vào bao tải mới hết, đem cho trẻ hàng xóm. "Có những món chúng quăng quật dăm bữa rồi bỏ tủ. Ở mỗi độ tuổi, trẻ lại thích món đồ chơi mới phù hợp, nên tận dụng cho bé chuyền tay nhau chơi thì cha mẹ đỡ tốn tiền mua", chị Hằng nói.
Đống đồ chơi của con anh Đức (quận 12, TPHCM) lưu trong kho đã lâu, nay mang ra lựa cho con nhà cô, chú. |
Đồ chơi tự phân hủy gây độc hại
PGS.TS Hồ Sơn Lâm, Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho rằng, tất cả các loại đồ chơi bằng vật liệu nhựa, vải, bông, da, kim loại... về nguyên tắc phải sản xuất theo những quy định nghiêm ngặt. Nhưng thực tế thì không kiểm soát được. Các vật liệu là nhựa, cao su hay vải thường có thêm một số chất màu để cho đẹp và đa dạng về màu sắc. Khi xem xét về vật liệu, cần chú ý có hai nguồn phơi nhiễm: Thứ nhất là vật liệu gì làm nên đồ chơi là nhựa, hợp kim, cao su, gỗ, vải sợi. Thứ hai là chất màu phủ lên các vật liệu đó là chất gì.
Mối nguy hiểm của nguồn phơi nhiễm từ vật liệu chủ yếu là các kim loại nặng có trong thành phần vật liệu (trừ gỗ). Các chất chì, coban hay các kim loại khác có thể gây độc. Tuy nhiên, sự phơi nhiễm này thường phải xảy ra trong một thời gian khá dài nên khó có thể xác định được nguồn gốc gây nên triệu chứng cho người dùng.
Những món đồ chơi cũ, lấm lem, sứt vỡ nhưng rửa qua nước sạch lại đem cho trẻ chơi tiếp. |
Các chất màu trang trí đồ chơi thường là các hợp chất vô cơ và hữu cơ tạo các màu khác nhau: Oxit sắt tạo màu nâu đỏ, oxit titan tạo màu trắng, oxit niken tạo màu xanh. Các hợp chất hữu cơ thường là các hợp chất azo, các phức kim loại và hữu cơ. Sự phơi nhiễm của các chất màu thường có nồng độ lớn, đi qua đường ruột hoặc phổi gây bệnh cấp hoặc mạn tính.
Vật liệu cũng như lớp sơn phủ bên ngoài hoặc trộn vào trong sản phẩm đều có một giới hạn thời gian. Đến một lúc nào đó, do tác động của nhiệt độ, ánh sáng, không khí, sự va đập, các hóa chất tẩy rửa, vật liệu bắt đầu phân hủy. Giai đoạn này là giai đoạn dễ phơi nhiễm vì các hạt vật liệu phân hủy có thể đi qua tay rồi vào mắt, miệng, mũi của trẻ em, gây nên các bệnh về đường hô hấp, phổi, bệnh về mắt...
Các nhà khoa học cũng cảnh báo, một nguồn phơi nhiễm khác không do bản chất của vật liệu hay lớp sơn phủ đồ chơi mà là sự lắng đọng, tích tụ của vi khuẩn trên bề mặt của đồ chơi. Thường thì những đồ chơi tập thể, dùng liên tục, nếu không được chùi rửa, sát trùng rất có thể xảy ra hiện tượng vi khuẩn từ người này lây sang người khác bằng tay, trẻ cắn, ngậm hoặc vi khuẩn từ môi trường. Vì vậy, cần phải định kỳ lau chùi, sát trùng bằng các chất tẩy rửa được phép dùng, nếu không sẽ lại xảy ra phơi nhiễm hóa chất.
Vật liệu polymer hoặc cao su, đều có thời gian lão hóa, cơ lý giảm sẽ dễ vỡ, gãy. Khi trẻ em sử dụng nếu cho vào miệng ngậm thì nguy hiểm có thể mắc dị vật trong hô hấp. Tuy nhiên, sợ nhất vẫn là hóa chất phụ gia có trong lớp sơn đồ chơi. Nếu như ngay từ ban đầu đồ chơi đã nhiễm hóa chất có kim loại độc hại như chì sơn màu trên bề mặt thì đến khi sản phẩm lão hóa những kim loại độc không tan, không mất đi mà bám theo. Tốt nhất, không cho trẻ sử dụng những đồ chơi đã mua quá lâu, và đã bắt đầu có dấu hiệu phân hủy.
PGS.TS Hà Thúc Huy (Phòng Thí nghiệm polymer, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM)