Tuần qua, đã có hơn chục nghìn người tị nạn từ châu Phi mạo hiểm vượt “biển chết” Địa Trung Hải vào Italy, trong đó gần 800 người đã phải bỏ mạng khi chưa tới bờ. Trước đó, cũng đã xảy ra hai vụ đắm tàu tị nạn trên Địa Trung Hải, khiến cho hơn 400 người mất tích. Mỗi ngày, tàu tuần duyên Italy và các tàu vận tải cứu vớt từ 500 đến 1000 người tị nạn đang lênh đênh trong Địa Trung Hải trên những con thuyền cũ nát tồi tàn.
Những người tị nạn chen chúc nhau lênh đênh ở "biển chết" Địa Trung Hải trên những con thuyền cũ nát tồi tàn. |
Một vấn đề nghiêm trọng đặt ra với Liên minh châu Âu lúc này là các cuộc xung đột triền miên ở Trung Đông và châu Phi đang khiến dòng người tị nạn đổ vào châu Âu ngày càng đông mà điểm đến chủ yếu là Italy. Lợi dụng tình hình hỗn loạn ở Libya, những đường dây “buôn người” vượt biển càng hoạt động ráo riết hơn.
Hiện tượng vượt biên bùng nổ có thể được giải thích qua hai nguyên nhân. Một mặt là do các cuộc khủng hoảng khu vực, đặc biệt là ở Trung Đông và Libya, đã khiến lượng người chạy trốn chiến tranh ngày càng nhiều. Mặt khác, do châu Âu cho phép tuần duyên và cứu trợ tới tận vùng biển giáp ranh với Libya.
Báo Pháp Le Figaro coi vụ chìm tàu tị nạn hôm 19/4 là “sự thất bại của châu Âu”. Trong vòng 16 tháng gần đây, các cuộc xung đột ở Trung Đông và châu Phi đã làm chết 5.500. Đó là chưa kể 1.650 người bị thiệt mạng khi vượt biển và khoảng 280.000 người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu trong năm 2014.
Bị giằng xé giữa trách nhiệm cứu người vượt biên gặp nạn và nghĩa vụ bảo vệ biên giới, Liên minh châu Âu chỉ lượn lờ ngoài biển Malta và Libya mà không được ủy quyền cứu giúp nạn nhân hoặc buộc họ chuyển hướng quay về.
Châu Âu muốn Liên Hợp Quốc ủy quyền để tuần tra bên ngoài bờ biển Libya để đẩy lùi làn sóng nhập cư bất hợp pháp và bắt những kẻ tổ chức vượt biên trái phép. Sau đó, Liên minh châu Âu cũng cần xem xét lại các nguyên tắc tị nạn và tự do đi lại trong EU, để có thể đáp ứng về mặt chính trị và nhân đạo trước những thách thức của tình trạng nhập cư.