Một phần rừng Amazon bị đốt cháy bởi những người khai thác gỗ và nông dân ở Novo Airao, bang Amazonas, Brazil ngày 21/8/2019. Ảnh: Reuters. |
Vào giữa tháng 6/2018, các đám cháy rừng đã bùng phát ở một số vùng Đông Siberia đã đánh dấu mốc năm tồi tệ nhất trong lịch sử cháy rừng tại Nga. Khói từ những ngọn lửa này đã bao trùm các vùng rộng lớn trên lãnh thổ Nga, bao gồm các thành phố lớn như Novosibirsk, thậm chí vượt Thái Bình Dương vào Mỹ.
Một trận cháy rừng ở Quần đảo Canary đã buộc hơn 8.000 người phải sơ tán. Cuối tuần qua, những đám cháy mới đã bùng cháy ở bang Alaska và trở thành mùa cháy kéo dài bất thường của nước Mỹ trong vòng nhiều năm trở lại đây.
Bang California, nơi vừa trải qua đợt cháy rừng tàn phá nhất trong năm 2018, đang có một năm yên bình hơn hơn nhiều, mặc dù tiềm năng cho một đám cháy lớn vẫn còn.
Cùng với đó, chính phủ Đan Mạch đã phải cử lính cứu hỏa tới Greenland để chiến đấu với một đám cháy lan nhanh đến gần khu vực có người ở. Nếu không được dập tắt, các quan chức lo lắng ngọn lửa sẽ bùng cháy suốt mùa đông, tiếp tục đẩy mạnh quá trình băng tan khổng lồ mà Greenland đã trải qua trong năm nay giữa mùa nắng nóng kỷ lục.
Nhưng có lẽ đáng báo động hơn nữa là những vụ cháy rừng Amazon - khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Là một khu vực có lượng mưa lớn nhất trên thế giới và gần như không bao giờ xảy ra cháy rừng, nhưng những vệt lửa lớn đã phát triển dữ dội đến nỗi từng đợt khói đen đã bao phủ toàn bộ bầu trời São Paulo, thành phố lớn nhất Brazil.
Theo số liệu chính thức của chính phủ Brazil, gần 73.000 đám cháy rừng đã được ghi nhận ở nước này trong 8 tháng đầu năm nay, con số cao nhất kể từ năm 2013, và hầu hết xảy ra ở rừng Amazon. So với cùng kỳ năm ngoái, cháy rừng Amazon từ đầu năm đến nay tăng 83%.
Nhiều vụ cháy rừng được cho là bắt nguồn từ sự nóng lên và khô hạn chưa từng thấy ở nhiều nơi trên thế giới trong năm nay. Hà Lan, Đức và Bỉ lập kỷ lục nhiệt độ. Paris ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay, 108,6 độ F.
Một số vùng của Ba Lan, Cộng hòa Séc và Tây Ban Nha cũng trải qua nhiệt độ cao chưa từng thấy. Nước Mỹ đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục khi nhiệt độ tăng cao bất thường lên tới 37- 43 độ C, đỉnh điểm là ở bờ Đông và miền Trung Tây nước này.
Một phần rừng tại Alaska bị cháy. Ảnh: CNN |
Vì vậy, không có gì quá ngạc nhiên khi nhiều khu vực đang cháy hiện đang trải qua đợt nắng nóng cực độ vào tháng trước: Bang Alaska và Quần đảo Canary cũng đã phải đối phó với hạn hán nghiêm trọng trong năm nay. Vào tháng 5, Alaska đã báo cáo tình trạng hạn hán. Đây cũng lần đầu tiên tiểu bang này phải phát thông báo hạn hán nghiêm trọng.
Và trong trường hợp của Amazon, đây là một dấu hiệu không thể nhầm lẫn về cách con người đang tàn phá môi trường một cách dữ dội.
Theo nhiều nhà môi trường học cho rằng, tình trạng cháy rừng diễn biến phức tạp hiện nay phần lớn là do con người, mà trong đó Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro phải nhận trách nhiệm hàng đầu. Ông Alberto Setzer, nhà khoa học của Viện nghiên cứu không gian quốc gia (INPE) cho biết, thời tiết vùng Amazon năm 2019 không quá khắt nghiệt. Tuy nhiên mùa khô đã tạo điều kiện để người dân dùng lửa trong sản xuất, dẫn đến cháy rừng.
"Trong nhiều hệ sinh thái, cháy rừng là một hiện tượng tự nhiên và thiết yếu. Chúng dọn sạch những thứ bị mục nát, phục hồi chất dinh dưỡng cho đất và thậm chí giúp cây nảy mầm. Nhưng trong những năm gần đây, con người đã khiến cho sự tàn phá từ các vụ cháy rừng trở nên tồi tệ hơn", chuyên gia này cho biết.
Việc ngăn chặn các đám cháy tự nhiên đã cho phép thực vật khô không bị tiêu hủy. Hoạt động của con người đang làm thay đổi khí hậu, điều này buộc một số khu rừng hứng chịu sự nóng lên và rơi vào tình trạng khô hạn. Các hoạt động xây dựng được tiến hành gần các khu vực dễ cháy. Và một số hoạt động như đốt rừng, rơi đường dây diện... có thể đã làm bùng phát các đám cháy và làm ngọn lửa bùng phát dữ dội.
Lập trường ủng hộ doanh nghiệp của ông Bolsonaro có thể đã thúc đẩy các nhà khai thác gỗ, nông dân và thợ mỏ giành quyền kiểm soát rừng Amazon, ông Carlos Rittl, thư ký điều hành của tổ chức phi lợi nhuận môi trường Observatorio do Clima, cho biết.
Vào tháng 7, tổ chức Greenpeace đã gọi Tổng thống Bolsonaro và chính phủ của ông là mối đe dọa đối với trạng thái cân bằng khí hậu và cảnh báo rằng về lâu dài, các chính sách của Brasil sẽ chịu chi phí lớn cho nền kinh tế đất nước.
Bụi khói do cháy rừng bao phủ thành phố Sao Paolo, Brazil vào thứ Hai vừa qua. |
Cháy rừng tại Amazon sẽ gây những hậu quả rất lớn đối với phần còn lại của thế giới. Rừng nhiệt đới Amazon tạo ra lượng oxy khổng lồ. Thảm thực vật tại đây chứa hàng tỷ tấn carbon có thể oxy hóa thành các khí độc hại.
Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu hồi đầu tháng này đã báo cáo rằng các khu vực bảo tồn như rừng nhiệt đới Amazon sẽ không thể thiếu trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Nhưng với tốc độ cháy rừng và phá rừng hiện nay, thế giới đang nhanh chóng "phi nước đại" theo hướng sai lầm.