Theo Heritage Daily, một nghiên cứu về thực hành nông nghiệp và chế độ ăn của những người sống ở Syria cổ đại đã đem về kết quả bất ngờ, cho thấy một số người đang ăn kiêng theo phương pháp rất "hot" có thể chỉ đơn giản là ăn theo kiểu... thời đại đồ đồng.
Một nhà khảo cổ đang tiến hành công việc từ di tích Tell Tweini - Ảnh: PLOS ONE |
Bài công bố trên tạp chí PLOS Onecho biết các nhà khảo cổ từ Đại học Leuven (Bỉ) và Đại học Tübingen (Đức) đã kiểm tra các dấu vết thực phẩm từ Tell Tweini, một khu định cư cổ xưa gần thành phố ven biển Jableh của Syria.
Kết quả cho thấy vào giai đoạn giữa thời đại đồ đồng trong khu vực (năm 2000 đến 1600 trước Công nguyên), người dân ở đây đã ăn theo kiểu Địa Trung Hải.
Điều này được thể hiện qua dấu vết phổ biến của ngũ cốc, nho, ô liu, một lượng nhỏ thịt và sữa, cũng như các món khác liên quan đến chế độ ăn Địa Trung Hải.
Chế độ ăn Địa Trung Hải được ca ngợi là chìa khóa giúp người dân Tây Ban Nha, Ý... có tuổi thọ hàng đầu thế giới và vài năm gần đây được các nghiên cứu y học khuyến nghị như một kiểu ăn kiêng ngon, rất tốt cho sức khỏe.
Dần dần, kiểu ăn này ngày một trở nên "hot", được nhiều người áp dụng như cách ăn kiêng thời thượng nhằm giữ dáng, cải thiện chuyển hóa...
Thế nhưng, phát hiện bất ngờ từ Syria cho thấy kiểu ăn này dường như đã là một truyền thống lâu đời của người dân trên cả một khu vực rộng lớn, chứ không chỉ các quốc gia phương Tây ven bờ Địa Trung Hải như ngày nay.
Dấu vết của các bữa ăn cổ đại đã được xác định thông qua đồng vị ổn định trong di tích của con người, động vật và thực vật.
Cũng như thời hiện đại, chế độ ăn này làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, hội chứng chuyển hóa, tiểu đường, một số bệnh ung thư, trầm cảm và mang lại chức năng thể chất và tinh thần tốt hơn, có thể góp phần không nhỏ vào một nền văn minh từng rất rực rỡ trong khu vực.
Ngoài chế độ ăn, phương pháp này còn giúp hiểu rõ hơn về sự xuất hiện của các truyền thống văn hóa và cách mà các truyền thống này gắn kết với môi trường, xã hội thời kỳ đó.