Chen nhau ở công viên nước, dễ mắc nhiều bệnh hãi hùng
(Kiến Thức) - Những người chen nhau tắm miễn phí ở Công viên nước Hồ Tây vừa rồi không chỉ đối mặt với nguy cơ bệnh truyền nhiễm mà còn có thể bị đột quỵ.
Mi Trần - Thu Minh
Xem toàn bộ ảnh
Sự kiện hàng vạn người chen lấn, trèo hàng rào để tắm miễn phí ở công viên nước Hồ Tây ngày 19/4 vừa rồi không chỉ gióng lên hồi chuông về văn hóa ứng xử, mà còn dẫn đến nguy cơ bệnh tật cho rất nhiều người do tắm chung với mật độ dày đặc.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có quy định rất chặt chẽ về mật độ người ở bể bơi. Mật độ này phụ thuộc chủ yếu vào diện tích, sức chứa và khả năng đáp ứng của bể. Tuy nhiên, con số chuẩn là 1 người/m2 ở khu vực nước nông (độ sâu dưới 1,0 m) và 1 người/2m2 ở khu vực nước sâu (độ sâu từ 1,0m trở lên).
Nếu bể bơi quá tải, chuyện vệ sinh và chất lượng nước cũng bị ảnh hưởng. Theo bác sĩ da liễu Võ Mỹ Hoa, việc chen nhau ở công viên nước như sự kiện gây sốt mạng vừa rồi, hay tắm ở bể bơi quá đông người sẽ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, da liễu và sinh dục.
Viêm nang lông, tổ đỉa, viêm da do vi khuẩn... là những bệnh cực kỳ dễ mắc khi bể bơi quá đông. Các vi khuẩn sống trong nước bể bơi như vi khuẩn gram âm, trực khuẩn mủ xanh hoặc vi khuẩn do khách bơi đem tới đều có thể tấn công người lành. sau đó gây bệnh. Chúng có thể làm da bạn xuất hiện nhiều nốt viêm, sưng nề, sau đó tạo mủ, gây tổn thương sâu nghiêm trọng.
Ngoài ra, qua nguồn nước bể bơi có quá nhiều người chen chúc, bạn dễ dàng nhiễm nấm như hắc lào, nấm móng, nấm kẽ chân, nấm tóc... Những bệnh này sẽ xuất hiện sau khi nhiễm 5 - 7 ngày với các biểu hiện ngứa, viêm loét tại các vị trí tổn thương: kẽ chân, móng tay chân, chân tóc.
Đó là chưa kể nguy cơ nổi mẩn ngứa, viêm da dị ứng do hóa chất khử khuẩn hay làm sạch nước hồ bơi vốn được cho vào nước với nồng độ cao khi đông người.
Luôn có tình trạng người đi bơi, đi tắm khạc nhổ, tiểu tiện ra bể, và tình trạng này càng tăng ở những bể bơi quá tải, từ đó phát tán các mầm bệnh truyền nhiễm, không chỉ ngoài da. Nhưng ngay cả nếu không ai khạc nhổ hay tiểu tiện, nguy cơ bạn lây bệnh đường sinh dục từ hồ bơi vẫn hiện diện, nếu có người mắc bệnh này đến tắm. Không chỉ ngứa ngáy khó chịu, loại bệnh này còn có thể làm hỏng cơ quan sinh sản.
Người đi bơi dễ uống phải nước bể và mắc bệnh đường tiêu hóa khi bể quá đông người. Khuẩn Ecoli truyền nhiễm rất nhanh, gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, sốt nhẹ. Ở một số người, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi và người già, khuẩn E.coli có thể gây biến chứng nghiêm trọng như hội chứng tan máu, suy thận cấp, gây sung huyết, hủy hoại niêm mạc ruột.
Mắt cũng là cơ quan bị đe dọa. Ngoài nguy cơ đau mắt do viêm nhiễm thông thường, nếu trong bể có người mắc bệnh đường sinh dục do khuẩn Chlamydia Trachomatis, những người khác rất dễ bị viêm kết mạc có mủ, ảnh hưởng nhiều tới thị lực.
Ngoài ra, khi cật lực chen chúc nhau dưới nắng gắt như trong ngày mở cửa miễn phí tại công viên nước Hồ Tây vừa rồi, mọi người sẽ rất dễ bị cảm nắng, say nắng, choáng ngất. Những người bị hen hoặc có vấn đề về đường hô hấp, huyết áp cao, huyết áp thấp và các bệnh tim mạch có thể đột quỵ vì không chịu nổi áp lực bởi đám đông và sự hỗn loạn. Ảnh: Zing.
Với nam giới, nguồn nước bị ô nhiễm cũng có thể dẫn đến bệnh nhiễm trùng bàng quang gây ra các biến chứng như tiểu buốt, đi tiểu ra máu và ảnh hưởng chức năng sinh sản.