Đoạn video thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trên nền tảng mạng xã hội, ghi hình tại một quầy hàng bán món đậu phụ "mọc lông" trên đường phố ở một huyện nhỏ tại Trung Quốc.
Dù cửa tiệm không biển quảng cáo, chỉ có quầy hàng nhỏ sơ sài nhưng thực khách xếp thành hàng dài cả mét, đứng vòng trong vòng ngoài chờ đến lượt để mua.
|
Món đậu phụ mọc lông như nấm mốc (Ảnh cắt từ clip). |
Vừa thoăn thoắt gạt từng tảng đậu phụ ra khỏi tấm mẹt, trộn thêm các gia vị cho vừa miệng, cô bán hàng vừa tranh thủ hỏi chuyện thực khách xem họ muốn ăn cay vừa hay cay nhiều để nêm nếm phù hợp. Trong khi đó, dù phải chờ lâu nhưng nhiều người vẫn kiên nhẫn đợi đến lượt.
|
Đây là món ăn đường phố được người dân địa phương ưa thích (Ảnh cắt từ clip). |
Đoạn video khiến người xem không khỏi thắc mắc đây là món gì mà có sức hấp dẫn đến vậy?
Nhưng với những người yêu mến ẩm thực Trung Hoa có thể dễ dàng nhận ra đó là món đậu phụ lông - đặc sản nổi tiếng ở Huy Châu, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Tuy là món khoái khẩu của người dân địa phương nhưng nó khiến khách nước ngoài dè chừng vì trông như bị mốc.
Bề ngoài của miếng đậu được phủ một lớp lông tơ dày, dài, trắng và mềm mịn như nấm mốc mọc ở các món ăn bị hư hỏng, thiu thối. Thậm chí, món ăn này có mùi khó ngửi không kém gì đậu phụ thối. Do quá trình lên men đậu phụ, protein thực vật được chuyển hóa thành axit amin tạo thành lớp lông tơ trắng mịn như nấm mốc.
|
Người dân An Huy đã sáng tạo món "đậu phụ mọc lông" theo phương pháp truyền thống và lưu giữ công thức qua nhiều thế hệ (Ảnh: News). |
Trông có vẻ đơn giản nhưng quá trình làm ra từng tảng đậu phụ lông đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu. Từng công đoạn đều đòi hỏi thao tác cẩn thận bởi sơ suất nhỏ cũng có thể làm hỏng cả mẻ.
Đầu tiên là công đoạn chọn lọc và rửa hạt đậu nành. Sau đó, ngâm đậu trong nước sạch khoảng nửa ngày cho nở ra rồi đem xay nhuyễn với tỉ lệ 2 phần nước và một phần đậu.
Bước tiếp theo là lọc bỏ bã đậu, lấy phần sữa đun sôi rồi để nguội. Hỗn hợp sữa đậu sau đó được trộn cùng nước đậu, để chua 3 ngày trước khi cho vào khuôn ép. Đậu phụ sau khi thành hình được cắt thành những miếng nhỏ, xếp ra khuôn.
Người ta sẽ cấy nấm mốc vào các miếng đậu, sau đó phơi chúng ở ngoài trời trong khu vực lạnh và khô với nhiệt độ dao động khoảng từ 15 - 23 độ C. Quá trình tạo lớp lông tơ cho đậu cũng không hề dễ dàng, ngoài phụ thuộc vào tay nghề lâu năm và kinh nghiệm của người thợ thì còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như thời gian, nhiệt độ, độ ẩm nền.
|
Đậu phụ lông được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn (Ảnh: Kola). |
Mùa hè, thời gian làm đậu phụ lông khá nhanh, chỉ khoảng 3 ngày. Nhưng vào mùa đông, phải mất gần 1 tuần mới làm lớp lông mọc lên, phủ đều khắp bề mặt đậu. Sau đó, người ta phơi đậu ra nắng rồi ngâm trong hạt dầu cải để bảo quản món ăn được lâu hơn.
Tuy hình thức dễ khiến thực khách lo ngại nhưng đậu phụ lông là món ăn giàu dinh dưỡng, có lợi cho sự hấp thụ của cơ thể. Đặc biệt, lớp lông bên ngoài cũng làm cho món ăn thơm ngon, giòn xốp hơn khi chế biến.
Đậu phụ lông thường được người dân chế biến thành các món ăn nổi tiếng như đậu phụ om thịt, đậu chiên giòn... với hương vị lạ miệng, hấp dẫn. Thời điểm lý tưởng nhất để thưởng thức món ăn này là vào mùa đông.
Các nhà hàng tại Trung Quốc thường chế biến đậu phụ lông thành các món đơn giản để giữ trọn hương vị như đậu phụ chiên, đậu phụ om. Một số quán vỉa hè có cách sáng tạo hơn, bán đậu phụ lông theo vỉ, xắt nhỏ, trộn bột ớt, muối và rưới chút rượu trắng rồi mang ra phục vụ thực khách.