Ngày 3.4, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 7 tháng 4.2018 có 6 gian hàng do 13 hộ trồng loại sâm này tại địa phương.
“Phiên chợ lần này có trên 2.500 lượt người đến tham quan, mua sắm, với doanh thu khoảng 4,9 tỷ đồng. Trong đó, mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 64kg, thu về gần 4,7 tỷ đồng” - ông Bửu cho biết.
Ngoài các gian hàng sâm Ngọc Linh ra, còn có hơn 30 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Quảng Nam, như các loại cây dược liệu, quế Trà My, rượu ba kích, rượu đẳng sâm,...
Được biết, sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamensis Haet Grushv. thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae). Ngoài ra, còn có một số tên gọi khác là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con hay cây thuốc dấu của đồng bào dân tộc sống xung quanh chân núi Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh là cây dược liệu được cho là chỉ có ở Quảng Nam và Kon Tum. |
Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất thế giới hiện nay, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ. Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể, hỗ trợ phòng bệnh ung thư,... Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà một số loại sâm khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường,...
Tháng 9.2015, Chính phủ đã phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000ha, mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 1.500 tỷ, còn lại huy động xã hội hóa.