Nhân vật trong bài viết này là anh Nguyễn Văn Cường, hiện đã 1 vợ và 2 con. Từ quê lên Hà Nội lập nghiệp, 2 vợ chồng anh đều làm công chức nhà nước. Lương công chức chỉ đủ để trang trải cuộc sống gia đình, tằn tiện lắm thì mỗi tháng bỏ ra được một vài triệu.
Anh lấy vợ năm 2008 và hai vợ chồng thuê phòng trọ để ở. Anh nhớ như in phòng trọ ọp ẹp, nhỏ xíu, chỉ gần 20m 2 cho tất cả mọi sinh hoạt ăn, ngủ, tắm giặt. Còn vệ sinh thì phải đi ở ngoài. Giá thuê nhà trọ ngày đó là 500.000 đồng. Lương của cả 2 vợ chồng tôi khi đó được gần 10 triệu/tháng.
Và hành trình mua nhà, mưu cầu 1 tổ ấm thực sự của vợ chồng anh mở đầu từ đây!
Anh Nguyễn Văn Cường, nhân vật chính của câu chuyện |
Từ cái nhà trọ không có nhà vệ sinh đến… mảnh đất may mắn
Những ngày chưa có con nhỏ, 2 vợ chồng trẻ ở căn phòng thuê thì cũng không sao. Cả ngày đi làm, phòng trọ chỉ để ngủ buổi tối và sinh hoạt 2 ngày cuối tuần.
Đến năm 2009, vợ chồng tôi sinh con đầu lòng. Bà nội, bà ngoại thay phiên nhau xuống trông con giúp chúng tôi. Hoặc có những lúc con ốm, cả 2 bà xuống chăm cháu. Căn phòng gần 20m 2 quá chật chội với 2 chiếc giường, 5 con người cùng nằm chung 2 chiếc xe máy.
Vừa thương vợ thương con tôi nhẩm lại số tiền tích cóp dành dụm của 2 vợ chồng sau hơn 1 năm lấy nhau. Cả tiền mừng cưới, cả tiền chắt bóp, vỏn vẹn 70 triệu.
70 triệu thì mua nhà Hà Nội ở đâu được? Nếu mua thì phải vay, mà lương 2 vợ chồng không biết trả tới bao giờ. Tôi nghĩ có khi chỉ tìm nhà trọ khác rộng hơn để thuê thôi. Ngày chủ nhật được nghỉ, tôi lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm Hà Nội, rồi ra ngoại thành từ Đông Anh, Từ Liêm, Hoài Đức để xem thực tế giá nhà đất người ta rao bán thế nào. Nhà nào cũng 500 triệu trở lên.
Căn nhà hiện tại của tôi ở Yên Nghĩa (Hà Đông). |
Tôi mò vào xã Xuân Phương (huyện Từ Liêm cũ, nay là phường Xuân Phương, quận Bắc Từ Liêm) vì nghĩ trong đó giá nhà sẽ rẻ. Nếu không mua được thì thuê trong này cũng rẻ hơn ngoài phố.
Sau này tôi vẫn gọi cái ngày tôi lang thang trong làng Xuân Phương ấy chính là cái "duyên đất" của mình. Tôi gặp mảnh đất hơn 30m2 ở thôn Ngọc Mạch, Xuân Phương. Không phải đất dự án mà là đất thổ cư của người dân trong thôn. Giá rao bán là 470 triệu.
Về nhà tôi bàn với vợ, vợ tôi ngạc nhiên, lo lắng bởi lấy đâu ra tiền mua nhưng tôi động viên vợ cố gắng vay mượn họ hàng ở quê. Mua được rồi, sang tên sổ đỏ rồi thì thế chấp vào ngân hàng, trả cho họ hàng, sau đó mình trả ngân hàng theo từng năm.
Hôm sau tôi vào lại Xuân Phương, sau khi thỏa thuận, giá chính thức của mảnh đất 30m2 là 450 triệu. Tôi đặt cọc 10 triệu rồi tức tốc về quê đặt vấn đề vay tiền với bố mẹ hai bên, họ hàng nội ngoại. Thật may, vợ chồng tôi được mọi người quý mến, người có nhiều thì cho vay 50 triệu, người có ít nhưng sẵn sàng cho chúng tôi mượn 10 triệu mà không phải lãi lời gì.
Căn nhà có khoảnh sân nhỏ để trồng hoa. |
Chỉ sau vài ngày, cả vay mượn lẫn số tiền vợ chồng tôi có từ trước tôi gom được 300 triệu chẵn trả cho chủ và đợi sau khi có sổ đỏ sẽ trả nốt 150 triệu.
Vừa được "trả chậm", đất lại tăng giá gấp đôi
Trong khi tôi đang lo lắng về chuyện lấy đầu ra 150 triệu nữa để trả khi có sổ đỏ thì may cho tôi, không may cho chủ cũ của mảnh đất, sổ đỏ tách khó khăn, mất 1 năm trời. Năm 2010, đúng lúc có sổ đỏ, cũng vừa hay đất khu Ngọc Mạch bỗng lên giá vù vù.
Mảnh đất của tôi có người trả 1 tỷ. Tôi đồng ý bán vì tính toán nếu xây nhà lên trên mảnh đất này thì vừa xa lại không chắc đã đủ tiền xây.
Sau khi trả cho chủ cũ 180 triệu (tôi trả thêm 30 triệu bởi họ xót vì đất lên khi vừa bán xong), tôi cầm tiền triệu đi mua căn nhà 16m2, 2 tầng ở Đội Cấn (Ba Đình) để tiện việc đi làm. Căn nhà có giá 850 triệu, sửa sang thêm 30 triệu nữa là 880 triệu.
Tiền ít mà vẫn quyết tâm mua nhà to
Ở Đội Cấn, vợ chồng tôi yên tâm sinh thêm đứa thứ 2. Từ 2010- 2015, vợ chồng tôi trả hết nợ cho nội ngoại hai bên, anh em họ hàng đã giúp vợ chồng tôi vay năm 2009.
Sống ở Đội Cấn, vợ chồng tôi tiện đi làm gần nhưng khi thêm thành viên, căn nhà 16m2 lại trở nên chật chội. Con cái thường xuyên ốm đau, do chật chội. Vợ tôi vẫn mơ có nhà vừa đủ có hàng rào để trồng hoa…
Tôi quyết tâm đổi nhà lần 2.
Năm 2011 sốt đất, tôi định bán 2 tỷ, có người trả 1,5 tỷ rồi lại thôi. Giá nhà thời điểm 2015 xuống thấp, tôi quyết định hạ xuống hết cỡ: 1 tỷ 090 triệu. và hướng ra ngoại thành ở. Vì tôi cho rằng khi đất xuống, ngoại thành sẽ giảm sâu hơn…
Tôi xuống Hà Đông tìm nhà để mua. Khu vực Yên Nghĩa tuy khiến vợ chồng tôi đi làm xa hơn nhưng vợ chồng tôi thích không gian nhà rộng, có một khoảng sân nhỏ, trồng hoa, cây cảnh. Nhờ có người tìm giúp, tôi tìm được căn nhà hiện tại.
Ông chủ đòi 1 tỷ 600 triệu đồng. Thời điểm sốt đất, căn nhà này có giá hơn 3 tỉ đồng với 105m2 đất, nhà 2 tầng, có sân, hành lang rất đẹp. Mặc cả mãi ông chủ bớt 50 chục triệu.
Tôi thích rồi, nhưng nhà mình có mỗi 1,1 tỷ thì tính sao. Người giới thiệu bật bật đèn xanh, ông chủ là người kinh doanh đất nhưng hay giúp người mua nhà, nói khó ông ấy sẽ cho chịu vài tháng. Trong đầu nhẩm tính phương án "lấy nhà về cắm sổ ngân hàng để trả".
Tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, mỗi người cứ cố gắng, đặt ra mục tiêu và nỗ lực thực hiện mục tiêu đó thì chắc chắn khó khăn nào cũng sẽ vượt qua. |
Cuối cùng ông chủ cho nợ 430 triệu đồng, lúc đầu nói là cho chịu 3 tháng. Mỗi lần vay mượn, chơi phường họ góp tiền với cơ quan, bạn bè, bán đất ở quê tôi đưa cho ông khi thì 20 triệu, khi thì 30 triệu, lúc 100 triệu. Sau, ông chủ gia hạn cho tôi nợ 1 năm rưỡi. Hơn 1 năm, cuối cùng, vay mượn thêm họ hàng ở quê, tôi cùng cũng trả hết số nợ cho ông chủ đất cũ.
Sướng cái là ông chủ hỗ trợ từ A đến Z, từ lắp điện đến cho hẳn cái ban thờ đẹp đẽ uy nghi... Ngôi nhà 2 tầng, có sân, có chỗ trồng hoa. Dù ai đó chê xa nhưng đây là điều mơ ước của vợ chồng tôi nhiều năm.
Từ ngày ở căn nhà này, con cái tôi khỏe mạnh và học hành tốt hơn. Các cháu được hít thở không khí trong lành, được chạy nhảy trong không gian rộng.
Tôi nghĩ, để mua nhà ngoài chuyện may mắn cũng cần biết tính toán phù hợp túi tiền của mình, biết thời điểm và vị trí hướng đến và cũng cần phải có một quyết tâm rất cao.
Thực ra, việc có căn nhà như ngày hôm nay nó là một quá trình đầy may mắn của gia đình tôi, mà gia đình tôi vẫn thường gọi đó là “chuyện cổ tích mua nhà”.