Chi hơn 3,8 triệu/lớp để di dời điều hòa, hiệu trưởng nói gì?
Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về khoản thu chi phí di dời và lắp điều hòa ở Trường tiểu học Nghi Đức (Nghệ An). Nhiều phụ huynh cho rằng chi phí này quá cao.
Thanh Hà
Liên quan đến việc Trường Tiểu học Nghi Đức (xã Nghi Đức, TP Vinh, Nghệ An) chi hơn 3,8 triệu đồng/lớp để di dời điều hòa sang phòng học mới, bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng Phòng GD&ĐT TP Vinh cho biết, Phòng đã nhận được báo cáo của nhà trường. Tuy nhiên, về giá cả, kinh phí tháo lắp điều hòa thì đơn vị chưa kiểm tra.
Trường tiểu học Nghi Đức, nơi xảy ra sự việc xôn xao mấy ngày qua về việc trường chi hơn 3,8 triệu/lớp để di dời điều hòa.
"Tôi cũng nói với Hiệu trưởng nhà trường làm như thế là chưa đúng. Thứ nhất là mình phải xin chủ trương trước. Tiền lắp đó mình phải báo cáo với UBND xã, nếu không bố trí được nguồn thì phải xin Phòng. Phải xin trước mới làm, chứ không tiền trảm hậu tấu như thế”, bà Thảo nói.
Trưởng Phòng GD&ĐT chỉ đạo Trường Tiểu học Nghi Đức nếu tiếp tục vận động được phụ huynh thì triển khai. Nếu phụ huynh không đồng tình thì nhà trường phải tiết kiệm nguồn, bố trí nguồn khác để trả tiền lắp điều hòa cho nhà thầu. Năm nay trả chưa đủ thì phải xin nợ, trả dần mỗi năm.
Còn vấn đề nhà trường tiếp nhận tài trợ điều hòa, Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh yêu cầu phải thực hiện theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Khi phụ huynh cho, tặng điều hòa thì phải bàn giao để nhà trường tiếp nhận. 5 năm sau, khi học sinh tốt nghiệp, nhà trường sử dụng, quản lý tiếp như thế nào phải nói để phụ huynh rõ.
Bảng báo giá di dời điều hòa ở Trường tiểu học Nghi Đức gây xôn xao mạng xã hội.
Trước đó, ngày 13/10, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, Trường Tiểu học Nghi Đức thông báo một số khoản thu, trong đó có chi phí dời và lắp điều hòa của 8 lớp từ phòng học cũ sang phòng học mới.
Chi phí dây điện 3 pha 740.000 đồng; công tháo 300.000 đồng; vệ sinh 400.000 đồng; lắp 800.000 đồng; ống đồng 1.060.000 đồng; ống nước 100.000 đồng… Tổng 3.872.500 đồng/lớp.
Trước bảng kê mà nhà trường đưa ra, nhiều phụ huynh tỏ ra không đồng tình, cho rằng số tiền di dời điều hòa như vậy là cao hơn so với thị trường. Ngoài ra, lúc di dời nhà trường cũng không hỏi ý kiến phụ huynh trước khi thực hiện.
Bà Lâm Thị Thúy Hòa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Đức cho biết, dãy phòng học cũ của nhà trường vừa qua bị xuống cấp, ẩm mốc, tường bị bong tróc. Vì thế, nhà trường “mượn” nhà thầu dãy nhà 3 tầng đang xây dựng để sử dụng kịp năm học mới, mặc dù công trình chưa được bàn giao.
Ngày 25/7, nhà trường họp với Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tại cuộc họp này trường đặt vấn đề dời toàn bộ điều hòa các phòng hành chính và điều hòa của 8 lớp học cũ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng di dời toàn bộ tivi và đường dây mạng internet.
Điều hòa sau khi di dời, lắp đặt tại dãy phòng học mới.
Theo bà Hòa, để hoạt động dạy và học của nhà trường đi vào quy củ và nề nếp, nhà trường buộc phải “mạnh dạn” đưa hệ thống mạng vào làm trước. Khi lắp đường dây mạng, nhà trường hạch toán và di chuyển luôn 16 điều hòa của 8 lớp sang phòng học mới. Bảng giá chi phí di dời do nhà thầu đưa ra.
Bà Hòa giải thích, nếu sử dụng 16 điều hòa phòng học và điều hòa của 5 phòng hành chính đường dây điện sẽ không đủ tải. Chính vì thế, phải làm một đường điện 3 pha riêng cho điều hòa từ lớp học ra ngoài cột điện trước cổng trường.
Số tiền hơn 3,8 triệu đồng là tổng chi phí để di dời 2 điều hòa/lớp (tương đương hơn 1,9 triệu đồng/điều hòa). Trước khi nhà thầu di dời điều hòa, bản thân bà Hòa có tham khảo giá cả ngoài thị trường.
Tại cuộc họp ngày 13/10, nhà trường cho biết sẽ hỗ trợ mỗi lớp 1,3 triệu đồng; phụ huynh chỉ phải đóng hơn 2,5 triệu đồng còn lại.
Nữ hiệu trưởng thừa nhận “thiếu sót” là lúc triển khai chỉ hội ý với Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường (3 thành viên) mà không trao đổi với tất cả các lớp vì thời gian gấp rút. Việc làm của mình xuất phát từ nhu cầu thực tế trước thềm năm học.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cô giáo xin tiền phụ huynh mua laptop cho rằng là điều bình thường:
Quảng Ngãi: Lập đoàn thanh tra lạm thu của các cơ sở giáo dục
Quảng Ngãi thành lập đoàn đi thanh tra, kiểm tra tình hình thu, chi đầu năm tại các cơ sở giáo dục để chấn chỉnh tình trạng lạm thu vào đầu năm học mới.
Chiều 4/10, ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị thành lập đoàn đi thanh tra, kiểm tra tình hình thu, chi đầu năm tại các cơ sở giáo dục để chấn chỉnh tình trạng lạm thu vào đầu năm học mới.
Quảng Ngãi thành lập đoàn đi thanh tra, kiểm tra tình hình thu, chi đầu năm tại các cơ sở giáo dục. Ảnh minh họa
Ông Thái cho hay, đơn vị đã có văn bản gửi các UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc Sở về hướng dẫn thực hiện các khoản thu tại các cơ sở giáo dục công lập trong tỉnh năm học 2022 -2023.
Sở GD&ĐT TP.HCM xin lỗi phụ huynh vì để xảy ra lạm thu
“Chúng tôi nói rất nhiều, tuy nhiên vẫn có những sơ suất. Chúng tôi trân trọng gửi lời xin lỗi tới phụ huynh” - ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM nói.
Tại cuộc họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch Covid và các vấn đề kinh tế xã hội diễn ra chiều nay (6/10), ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng, Sở GD-ĐT thông tin về những phản ánh liên quan tới việc lạm thu đầu năm.
Theo ông Minh, trong những ngày gần đây, Sở GD&ĐT TP.HCM cảm thấy rất buồn vì có những sự việc về lạm thu gây hoang mang tới phụ huynh và học sinh, đặc biệt sau khi khi đọc báo và các ý kiến bình luận trên mạng.
Ông Minh cho biết trong suốt thời gian qua, việc tài trợ của các phụ huynh, mạnh thường quân đã giúp ngành giáo dục có thêm cơ sở vật chất để phục vụ giảng dạy. Tất cả các trường tiểu học, THCS đều có sự vận động các mạnh thường quân tài trợ cơ sở vật chất giúp thành phố đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, thành phố đã đáp ứng cơ bản về vật chất, ngành giáo dục đã ban hành nhiều văn bản về vấn đề thu chi đầu năm.
"Ngay sáng nay, Sở GD&ĐT TP HCM đã tiếp tục yêu cầu các trường học chấn chỉnh việc thu chi không đúng quy định" - ông Minh cho biết.
"Có lẽ khi triển khai nội dung này, một số hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm chưa nói rõ cho phụ huynh hiểu. Ngoài ra, có nhiều khoản thu hộ, chi hộ giáo viên cũng chưa nói rõ cho phụ huynh nắm. Sở GD&ĐT cũng đã có văn bản nghiêm khắc phê bình đối với Trường THPT Tây Thạnh và các đơn vị trường học để xảy ra tình trạng thu chi không đúng quy định.
Chúng tôi nói rất nhiều, tuy nhiên vẫn có những sơ suất. Chúng tôi trân trọng gửi lời xin lỗi tới phụ huynh” - ông Minh nói.
Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP HCM nhấn mạnh hội phụ huynh chỉ có một quỹ duy nhất là hoạt động của hội và không được đại diện cho nhà trường vận động các nội dung tài trợ khác. Các trường học phải minh bạch, công khai tới phụ huynh về các khoản thu. Trong thời gian tới, ngành giáo dục thành phố sẽ tiến hành rà soát và kiểm tra, sai tới đâu xử tới đó.
"Các trường nào lạm thu Sở sẽ xử lý triệt để, vì đây là các hành vi tiêu cực làm ảnh hưởng đến ngành" - ông Minh nhấn mạnh.
“Chúng ta không lấy con cái ra để bao biện, khi nhiều hội phụ huynh gây quỹ lớp với một danh sách dài các khoản chi. Về phía thầy cô giáo chúng tôi, lời chúc của các em học sinh đã là niềm vinh hạnh" - ông Minh bày tỏ. Trước chất vấn của PV VietNamNet về vấn nạn lạm thu quỹ của hội phụ huynh học sinh đã diễn ra nhiều năm nhưng Sở GD&ĐT chưa có giải pháp hiệu quả, ông Hồ Tấn Minh cho rằng việc thu quỹ lớp hay quỹ trường nếu muốn làm, nhà trường phải xây dựng kế hoạch trình lên cấp trên, được duyệt thì mới thực hiện.
"Có một số đơn vị trường chưa làm đúng việc công khai, trên tinh thần tự nguyện như yêu cầu của Sở. Sở đã ra nhiều văn bản phê bình những trường có sai sót này. Giám đốc Sở cũng chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu. Chắc chắn trong vòng hai tuần tới, chúng tôi sẽ rà soát kỹ, xử lý nghiêm, sai là phê bình và các trường phải sửa chữa" - ông Minh khẳng định.