Biến đất vườn thành… đất trồng cây lâu năm
Trong suốt thời gian qua, gia đình bà Đinh Thị Tuyến (SN 1949) và con trai Lềnh Văn Hồng (xã Vạn Yên, Vân Đồn, Quảng Ninh) liên tục có đơn gửi các cấp chính quyền huyện Vân Đồn đề nghị làm sáng tỏ vụ việc biến diện tích đất vườn của mẹ con bà thành đất trồng cây lâu năm.
Theo phản ánh của bà Tuyến, gia đình bà đang là chủ sử dụng, sở hữu toàn bộ diện tích đất và tài sản tại thửa đất số 143, 150 C tại địa chỉ thôn Đài Mõ (xã Vạn Yên, Vân Đồn, Quảng Ninh). Nguồn gốc thửa đất này là do gia đình các cụ nhà bà Tuyến khai hoang, phục hóa, cải tạo từ trước năm 1954 và sinh sống qua các đời từ đó đến nay. Nguồn gốc đất của gia đình bà Tuyến đã được ông Chu Thanh Bình, nguyên chủ tịch xã Vạn Yên (từ năm 1965 đến 1990) xác nhận là đất vườn.
Đơn khiếu nại của gia đình bà Tuyến. |
Thế nhưng, trong 3 lần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) vào các năm 2002, 2008 và 2010 thì UBND huyện Vân Đồn đã không căn cứ vào nguồn gốc đất của gia đình bà Tuyến để cấp, không đánh giá đúng diện tích đất thực tế và xác định sai mục đích sử dụng đất (đất vườn thành đất trông cây lâu năm).
“Trong cả 3 lần cấp giấy CNQSDĐ cho gia đình tôi, UBND huyện Vân Đồn chỉ công nhận một phần diện tích đất của gia đình tôi là đất ở, còn lại đều xác định là đất trồng cây lâu năm. Do không hiểu biết luật đất đai nên khi nhận giấy CNQSDĐ, gia đình tôi không kiểm tra thông tin ghi trên giấy nên không biết việc làm của UBND huyện Vân Đồn là sai quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi”, bà Tuyến cho biết.
Anh Lềnh Quang Hồng, con trai bà Tuyến, người được bà Tuyến làm thủ tục tách một phần diện tích đất cho và được UBND xã Vạn Yên, UBND huyện Vân Đồn xem xét giải quyết vào năm 2009. Tuy nhiên, cũng như bố mẹ đẻ của mình, miếng đất 960m2 của anh Hồng được cấp giấy CNQSDĐ số 472, thửa đất 143A tại thôn Đài Mỏ, xã Vạn Yên cũng bị ghi từ đất vườn thành đất trồng cây lâu năm với thời hạn sử dụng 50 năm.
Thu hơn 100 triệu chuyển đổi 200m2 đất vườn sang đất ở rồi thản nhiên thu hồi
Không chỉ biến diện tích đất vườn trên thành đất trồng cây lâu năm, theo phản ánh của anh Hồng, dù đã bỏ ra số tiền 114 triệu đồng để chuyển đổi mục đích sử dụng 200m2 đất sang đất ở nhưng đã hơn 2 năm qua, UBND huyện Vân Đồn vẫn chưa cấp sổ đỏ cho gia đình anh.
“Ngày 25/10/2009 tôi đã làm đơn xin đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất. Theo đó, tôi xin chuyển 400m2 trong số 960m2 từ đất vườn sang đất ở theo đúng quy định của pháp luật và nguồn gốc đất của gia đình. UBND huyện Vân Đồn đã cho phép gia đình tôi chuyển mục đích sử dụng 200m2 đất vườn thành đất ở. Gia đình tôi phải nộp tiền chênh lệch giữa hai loại đất là 571.000/m2 với tổng số tiền cho 200m2 là 114 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 năm kể từ ngày gia đình tôi thực hiện xong nghĩa vụ tài chính với nhà nước nhưng vẫn chưa được cấp đổi giấy CNQSDĐ”, anh Hồng phản ánh.
Diện tích đất vườn bị hô biến thành đất trồng cây lâu năm. Trong đó có một phần diện tích đất đang chờ xét duyệt cấp GCNQSDĐ nhưng vẫn bị thu hồi. |
Cũng theo anh Hồng, tháng 6/2013, gia đình anh nhận được quyết định thu hồi đất số 502/QĐ- UBND ngày 26/3/2013 của UBND huyện Vân Đồn. Theo đó huyện Vân Đồn đã thu hồi hơn 200m2 đất của gia đình anh để phục vụ cho dự án mở rộng đường 334 lần 3. Trong diện tích 200 m2 mà gia đình anh Hồng bị thu hồi thì có một phần diện tích đất đã chuyển mục đích sử dụng đất và đã được UBND huyện Vân Đồn xét duyệt.
“Khi tôi chưa được cấp đổi giấy CNQSDĐ, UBND huyện Vân Đồn đã thu hồi số diện tích trên. Việc UBND huyện Vân Đồn thu hồi 208m2 của gia đình tôi có nguồn gốc đất vườn từ thời các cụ trước năm 1954, áp dụng giá bồi thường là 34.000 đồng/m2 là trái quy định của pháp luật, vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi”, anh Hồng phản ánh.
Chính quyền UBND huyện Vân Đồn nói gì?
Để làm rõ vấn đề trên, PV Kiến Thức đã có buổi làm việc với ông Phạm Ngọc Huân, Chánh VP UBND huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Nói về trường hợp nhà bà Tuyến và ông Hồng, bản thân ông Huân cho rằng, việc khiếu nại của người dân là có cơ sở pháp luật.
“Hiện nay, đất của các hộ dân ở các xã và ngay thị trấn đều ở lâu do các cụ để lại. Theo luật đất đai sửa đổi năm 2003 thì đất ở được cấp 400m2 đất ở xã và 200m2 đất ở thị trấn nên gia đình nhà người ta phải được cấp ít nhất là 400m2 đất ở. Hồ sơ phải ở thuộc địa, sai từ cấp xã, khi người ta lập hồ sơ thì có cả hội đồng xét duyệt, gồm cả ông trưởng thôn, các đoàn thể. Ký xong, xét duyệt xong thì mới chuyển hồ sơ lên phòng tài nguyên môi trường huyện”, ông Huân cho biết.
Ô
ng Phạm Ngọc Huân, Chánh VP UBND huyện Vân Đồn, Quảng Ninh trao đổi với PV Kiến Thức.
|
Ông Huân nói thêm: “Vấn đề là bây giờ nhầm lẫn và sai sót ở đâu thì thuộc thẩm quyền của các ông cấp đất. Ở đây, gia đình đã nộp tiền để chuyển 208m2 sang đất ở thì gia đình người ta phải được cấp đúng 208m2 đất ở. Khi đền bù giải phóng mặt bằng thì phải đền bù cho người ta theo đơn giá nhà nước quy định về đất ở. Như vậy, gia đình người ta làm đơn kiến nghị là có cơ sở. Tuy nhiên, có thể việc cấp giấy CNQSDĐ bị ngừng là do quy hoạch”, ông Huân cho biết.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Phó chủ tịch UBND xã Vạn Yên, ông Chu Văn Bắc cho biết: "Nguồn gốc đất của gia đình bà Tuyến, ông Hồng có từ những năm 80 trở về trước. Theo quy định thì gia đình người ta được cấp 400m2 đất ở. Tất cả thủ tục thì xã đã làm đầy đủ và xong hết, còn chuyển lên huyện thế nào thì xã không biết. Tôi nghe nói, việc dừng cấp sổ đỏ vì khu đất nằm trong quy hoạch".
PV Kiến Thức tiếp tục cập nhật thông tin liên quan đến vụ việc này…
Cưỡng chế đất khi chưa giải quyết đơn thư khiếu nại:
Theo phản ánh của gia đình bà Tuyến, anh Hồng, mặc dù chưa giải quyết khiếu nại của người dân về nguồn gốc đất và việc chậm cấp GCNQSDĐ, tuy nhiên UBND huyện Vân Đồn đã đưa ra quyết định thu hồi và phương án đền bù đất khi thực hiện mở rộng nâng cấp QL 334. Cùng với đó, khi chưa giải quyết đơn khiếu nại của người dân với các quyết định thu hồi đất, UBND huyện Vân Đồn đã ra quyết định cưỡng chế.
Cụ thể, năm 2013, QL 334 được mở rộng và nâng cấp lần thứ 3, một phần diện tích đất của gia đình bà Tuyến, anh Hồng nằm trong diện phải thu hồi và giải phóng mặt bằng. Tháng 6/2013, cả bà Tuyến và anh Hồng đều nhận quyết định thu hồi đất và phương án đền bù giải phóng mặt bằng của UBND huyện Vân Đồn và trung tâm phát triển quỹ đất thuộc UBND huyện Vân Đồn. Hai gia đình đã không đồng ý với quyết định thu hồi và phương án bồi thường mà UBND huyện này đưa ra, đồng thời làm đơn gửi tới UBND huyện Vân Đồn và các ban ngành có liên quan xem xét lại nguồn gốc đất cũng như giá bồi thường.
Tuy nhiên, hơn một năm qua, dù chưa giải quyết đơn khiếu nại nhưng ngày 7/11/2014, gia đình bà Tuyến nhận được quyết định số 2130/QĐ – UBND, gia đình anh Hồng nhận được quyết định số 2131/QĐ – UBND của UBND huyện Vân Đồn cùng về việc cưỡng chế thu hồi đất.
Ngày 20/11/2014, bà Tuyến làm đơn khiếu nại đối với quyết định thu hồi đất số 512/ QĐ – UBND huyện và quyết định cưỡng chế thu hồi đất số 2130/QĐ – UBND của UBND huyện Vân Đồn. Ngày 21/11/2014, gia đình anh Hồng làm đơn khiếu nại đối với quyết định thu hồi đất số 512/ QĐ – UBND huyện và quyết định cưỡng chế thu hồi đất số 2131/QĐ – UBND của UBND huyện Vân Đồn. Tuy nhiên, khi nhận đơn, UBND huyện Vân Đồn không trả lời bằng văn bản. Đến ngày 25/11/2014, UBND huyện Vân Đồn phối hợp với UBND xã Vạn Yên tiến hành cưỡng chế thu hồi đất của bà Tuyến, anh Hồng.
“Về nguyên tắc, sau khi có đơn khiếu nại của công dân thì người đại diện cơ quan nhà nước trả lời công dân bằng văn bản, như vậy UBND huyện Vân Đồn đã làm sai quy trình, quy định của pháp luật nhà nước, vội vã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi”, bà Tuyến và anh Hồng cùng bức xúc.