Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Được biết những vi phạm của nguyên Bộ trưởng Hoàng có liên quan đến “khu đất vàng” số 2 - 4 - 6 đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM)
Ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương. (Ảnh: Tiền Phong). |
Theo tìm hiểu của PV, “khu đất vàng” trên rộng đến 6.000m2, với 4 mặt tiền đường Hai Bà Trưng, Đông Du, Thi Sách, Công Trường Mê Linh (cạnh bên phố đi bộ Nguyễn Huệ). Ban đầu khu đất do Tổng Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) trực tiếp sử dụng theo diện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của quyết định 09/2007/QĐ-TTg ban hành ngày 19/2/2007.
Năm 2004, Sabeco xin chủ trương đầu tư xây dựng nhà cao tầng tại khu đất, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã có văn bản đồng ý.
Năm 2006, UBND TP HCM có quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời cho các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công nghiệp đang sử dụng đất để sản xuất kinh doanh trên địa bàn, trong đó có nhà, đất tại địa chỉ nói trên do Sabeco "là đơn vị sử dụng".
Nhận được văn bản đề nghị của UBND TP HCM về việc Sabeco "xin chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng cao ốc phức hợp 45 tầng bao gồm khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị và cao ốc văn phòng cho thuê", Bộ Tài chính có văn bản trả lời cho phép chuyển mục đích sử dụng khu đất để xây dựng cao ốc phức hợp cùng các hạng mục nói trên.
Khu đất vàng được giao cho Sabeco. (Ảnh: Người Đưa Tin). |
Tài chính cũng yêu cầu giá đất khi được UBND TP HCM cho phép Sabeco chuyển mục đích sử dụng đất "là giá sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại điểm c, khoản 4, điều 6 của quyết định 09/2007/QĐ-TTg".
Đến ngày 3/2/2007, Hội đồng quản trị của Sabeco thống nhất chủ trương thay thế đối tác đầu tư và thành lập Công ty cổ phần bất động sản Sabeco (Sabeco Land) để thực hiện dự án trên. Tuy nhiên, trong vòng 6 năm do triển khai dự án chậm tiến độ nên Bộ Công thương đã có văn bản nêu ý kiến và giải thể Sabeco Land. Đến tháng 10/2014, Sabeco Land dừng hoạt động…
Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, vào tháng 2/2015 dự án sau đó được tái khởi động thông qua việc thành lập Công ty cổ phần đầu tư Sabeco Pearl (gọi tắt Sabeco Pearl).
Lúc này, Sabeco chỉ còn sở hữu 26% vốn tại liên doanh thực hiện dự án, bao gồm: 18% vốn đều lệ bằng tiền mặt và 8% giá trị được hưởng lợi thế từ khu đất. Đồng thời, Sabeco sẽ nhận kết quả kinh doanh tương ứng với số vốn góp bằng 26% vốn điều lệ.
Căn cứ để Sabeco tham gia thành lập Sabeco Pearl được đơn vị này khẳng định "tuân thủ theo chỉ đạo của Bộ Công thương, không vi phạm Luật đất đai 2013, không vi phạm nghị định 94/NĐ-CP về đầu tư ngoài ngành".
3 cổ đông sáng lập Sabeco Pearl chia nhau số vốn điều lệ còn lại - tương ứng 74% là Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An (25,5%), Công ty CP Đầu tư Mê Linh (25,5%), Công ty CP Attland (23%)... Các cổ đông này có trách nhiệm góp vốn bằng tiền mặt và nộp tiền sử dụng khu đất khoảng 1.236 tỷ đồng.
Tháng 6/2016, Sabeco đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu trong Sabeco Pearl cho Công ty CP Attland theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá bán 13.347 đồng/cổ phiếu và chỉ thu về được 195 tỷ đồng, mức giá "siêu rẻ" so với giá trị thực của khu đất vàng (theo nhận định khi ấy là 1 tỷ đồng/m2).
Từ đó, “khu đất vàng” đường Hai Bà Trưng chính thức không còn hình bóng của Tổng Công ty Sabeco (giai đoạn là TCT Nhà nước, thuộc quản lý của bộ Công thương).