Thành phố Hà Nội dự kiến sẽ “bán” dữ liệu dân cư để thu về khoảng 300 tỷ mỗi năm. Chuyện tưởng như đùa hóa ra thành thật khi tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội sáng 2/7, đích thân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất Chính phủ cho TP Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác.
Ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, với việc “ thu giá” dữ liệu dân cư mỗi năm TP Hà Nội dự kiến thu trên 300 tỷ đồng. Để thực hiện thu giá dịch vụ “dữ liệu dân cư”, Chủ tịch TP Hà Nội còn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ban, ngành tháo gỡ các thủ tục, quy trình về thuê các dịch vụ công nghệ thông tin như đường truyền, phần mềm dịch vụ công trực tuyến…
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ. |
Tuy nhiên, đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ngay lập tức bị người dân phản ứng bởi thông tin dữ liệu dân cư nhằm để cơ quan chức năng phục vụ công tác quản lý chứ không phải để bán để thu về hàng trăm tỷ mỗi năm. Các cơ quan công quyền chỉ được sử dụng nó trong chức năng của mình chứ không phải mang ra để kinh doanh.
Luật căn cước công dân có hiệu lực từ tháng 1/2016 quy định, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nói cách khác, cơ sở dữ liệu dân cư là việc cập nhật thông tin chứng minh thư của người dân vào trong hệ thống để phục vụ cho yêu cầu quản lý, bảo đảm trật tự an ninh, an toàn trong xã hội.
Cũng theo luật trên, việc xây dựng dữ liệu dân cư được giao cho Bộ Công an. Bên cạnh đó, luật Tổ chức chính quyền địa phương thì việc tổ chức quản lý dân cư được giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành.
Theo như đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cơ sở dữ liệu dân cư mà Hà Nội định thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác là 7 thông tin trong chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu và thông tin trong hộ khẩu.
Bởi theo lý giải của Chủ tịch UBND TP Hà Nội từ trước đến nay, thông tin chứng minh thư chỉ lưu trong phòng quản lý hành chính, nhưng tới đây sẽ lưu trữ thông tin vào trong một hệ thống. Thông tin này không chỉ dùng trong ngành công an mà chia sẻ cho các ngành như ngân hàng, đơn vị hành chính, đơn vị công chứng…
Tuy nhiên, những lý giải trên chưa khiến người dân hết băn khoăn, lo lắng rằng việc chia sẻ 7 thông tin trong chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu và thông tin trong hộ khẩu có vi phạm quyền riêng tư của công dân, có gây phiền hà cho người dân khi những đơn vị, doanh nghiệp trả phí để sử dụng vào mục đích riêng của họ.
Nhiều người dân cho rằng, hiện các quy định về bảo vệ bí mật cá nhân khá đầy đủ được quy định chặt chẽ theo điều 21 - Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình” và “Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn” và trong Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 5 Luật Căn cước công dân năm 2014 cũng quy định rất cụ thể về quyền của công dân.
Theo đó, trong trường hợp cá nhân không đồng ý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác sử dụng, công khai thông tin liên quan đến “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân” thì cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được quyền thực hiện. Một số cơ quan chức năng được quyền “khai thác” thông tin cá nhân của công dân để phục vụ mục đích quản lý hoặc xử lý vi phạm pháp luật của công dân nhưng cũng không có nghĩa là được mang những thông tin ấy đi chia sẻ để thu giá.
Người dân cũng băn khoăn, việc chia sẻ dữ liệu dân cư sẽ được thực hiện như thế nào và cơ sở nào để định giá dịch vụ từ việc chia sẻ thông tin này và quan trọng hơn số tiền thu được sẽ được sử dụng vào việc gì và việc ấy có lợi như thế nào với người dân – những người bị chia sẻ thông tin của họ.
Quan trọng hơn, ngay các ngành ngân hàng, công chứng và một số lĩnh vực khác khi trả phí để sử dụng dữ liệu dân cư có làm lộ lọt thông tin ra ngoài cho các đơn vị khác khiến các đối tượng xấu lợi dụng sử dụng trái pháp luật gây ảnh hưởng cho người dân. Ai sẽ đảm bảo những việc như thế này không xảy ra?
Dù sau khi đưa ra đề xuất, Hà Nội vẫn khẳng định, việc chia sẻ dữ liệu dân cư để thực hiện thu giá dịch vụ là đúng luật và giúp mang lại lợi ích rất lớn cho người dân nhưng những ý kiến của người dân cũng đáng để Hà Nội tham khảo để thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo quyền riêng tư của công dân.