Được coi là các đại danh thắng của mảnh đất đại ngàn, ba hồ nước này là địa điểm mà du khách không thể bỏ qua trên hành trình khám phá Tây Nguyên.
Quốc Lê
Xem toàn bộ ảnh
1. Nằm bên thị trấn Liên Sơn, thuộc huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, hồ Lắk là một trong những thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất của Tây Nguyên.
Hồ nằm ở độ cao 500m so với mực nước biển, có diện tích rộng trên 5 km², được thông với sông Krông Ana. Đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ hai Việt Nam sau Hồ Ba Bể. Không chỉ rộng lớn, hồ Lắk còn là hồ tự nhiên có độ sâu lớn nhất Việt Nam.
Bên hồ Lắk có nhiều buôn làng của người dân tộc M’Nông, nơi lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của Tây Nguyên. Các buôn làng quanh hồ còn là nơi bảo tồn một quần thể voi nhà quan trọng của Việt Nam. Voi thường được thả cho kiếm ăn ở bờ hồ, nơi có thảm thực vật phong phú.
Ngày nay, cơ sở hạ tầng du lịch quanh hồ đã được đầu tư phát triển để đáp ứng nhu cầu tham quan, lưu trú của du khách trong và ngoài nước.
2. Nằm ở Tây Bắc thành phố Pleiku, hồ T’Nưng còn được gọi là Biển Hồ, là một điểm đến hấp dẫn của tỉnh Gia Lai cũng như toàn khu vực Tây Nguyên.
Hồ nước tự nhiên này gắn với truyền thuyết được lưu truyền hàng trăm năm qua của người dân tộc Gia Rai. Theo đó, hồ hình thành từ một thảm họa khủng khiếp do Giàng (Ông Trời) giáng xuống, khiến cho cả một buôn làng sầm uất bị nhấn chìm dưới biển nước.
Theo các nhà khoa học, hồ T’Nưng chính là miệng núi lửa đã ngừng hoạt động. Hồ có hình bầu dục, diện tích mặt nước lên tới 228 ha, có thể lan rộng ra trên 400 ha vào mùa mưa. Bờ hồ chính là miệng núi lửa nhô cao cho nên đứng từ vị trí nào của bờ hồ cũng có thể trông thấy rõ lòng hồ.
Trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng du lịch quanh hồ T’Nưng đã được đầu tư, nâng cấp, khiến hồ nước huyền thoại này thu hút ngày một đông du khách đến tham quan, khám phá.
3. Nằm ở trung tâm Đà Lạt, hồ Xuân Hương được coi là một biểu tượng của thành phố nằm trên cao nguyên Lâm Viên.
Đây là một hồ nước nhân tạo, hình thành đầu thế kỷ 20 nhờ những con đập ngăn dòng suối Cam Ly. Ban đầu hồ được người Pháp gọi là Grand Lac (hồ Lớn). Tên gọi hồ Xuân Hương chính thức được sử dụng từ năm 1953.
Hồ có chu vi chừng 5 km, rộng 25 ha, có hình trăng lưỡi liềm kéo dài hơn 2 km đi qua nhiều địa danh du lịch của thành phố Đà Lạt như Vườn hoa thành phố, Công viên Yersin, Đồi Cù, Quảng trường Lâm Viên...
Bờ hồ là địa điểm thu hút nhiều du khách dạo bộ, đạp xe hoặc du ngoạn bằng xe ngựa khi có kỳ nghỉ ở thành phố Đà Lạt.
Mời quý độc giả xem video: Non nước hữu tình Chùa Tam Chúc | VTV24.