Từ những thương gia kim cương, nhà sản xuất ô tô cao cấp cho đến công ty bảo hiểm, hiện đang tổ chức hội chợ nghệ thuật, các cuộc triển lãm nghệ thuật và phòng trưng bày tranh để thu hút các khách hàng giàu có đến đầu tư vào nghệ thuật.
“Kinh doanh ngày nay đang hướng tới những cách thức rất thú vị. Những cách thức mà có thể tiếp cận được những khách hàng thuộc tầng lớp thượng lưu”, người đứng đầu nhà đấu giá nghệ thuật lớn nhất thế giới Christie's ở Ấn Độ, Sanjay Sharma cho biết.
Ảnh minh hoạ. |
Ví dụ như hãng xe hơi hạng sang của Đức - BMW đã cung cấp 40 chiếc xe hơi cao cấp cho các nhà sưu tầm nghệ thuật ở Hội chợ Nghệ thuật Ấn Độ vào cuối tháng 1/2015. Những nhà sưu tầm nghệ thuật này là những người có nhiều tiền và có khả năng thẩm mỹ cao. Đương nhiên, họ sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho những chiếc siêu xe này.
Công ty bảo hiểm đa quốc gia Tata AIG vừa tài trợ cho một sự kiện mang tên gọi “Tuần Nghệ thuật” ở Mumbai.
Tại đây, Ronald Fiamma, người đứng đầu toàn cầu về những bộ sưu tập tư nhân tại AIG cho biết: “Ấn Độ là một thị trường phát triển đối với chúng tôi và chúng tôi đang tìm cách tiếp cận những khách hàng mới tham gia vào các sự kiện nghệ thuật”.
Thêm vào đó, ông cho biết, công ty này đã thu hút được hàng trăm khách hàng giàu có tham gia đầu tư. Đặc biệt, trước mỗi buổi bán đấu giá khoảng 3-4 ngày, có khoảng hơn 2.000 người đến xem. Phiên bản Hội chợ Nghệ thuật Ấn Độ lần thứ 7 năm nay đã có rất nhiều nhà tài trợ, như: BMW, hãng đồng hồ Panerai, Pernord Ricard và Yes Bank.
Neha Kirpal, người sáng lập và giám đốc của Hội chợ Nghệ thuật Ấn Độ, cho biết rằng thị phần tài trợ trong tổng doanh thu của sự kiện này đang tăng lên hàng năm. Con số này đã tăng đến 35% so với khoảng 20% của khoảng hai năm trước đây.
Ngoài ra, các thương hiệu nổi tiếng khác như: Porsche, Nirav Modi cũng đang hợp tác với phòng trưng bày để truyền bá kiến thức và nhận thức về nghệ thuật đến với nhiều khách hàng mới.