Chiêu thức lừa mới trên Facebook, 10 người đọc 9 người mắc bẫy

Bẫy lừa trên Facebook thể hiện dưới hình thức khá ngọt ngào nên 10 người đọc 9 người mắc bẫy dưới hình thức tặng quà, tri ân như: “Tri ân khách hàng nhân ngày sinh nhật”, hay thậm chí cả việc “Tạo công đức nhân dịp sư thầy sắp nhập thất tu hành”…

Chiêu thức "miễn phí" và hành trình "sập bẫy"
Có lẽ, không có hành trình lừa đảo nào lại dễ lấy lòng tin của người ta đến vậy. Một thông báo được phát lên tường cá nhân của người dùng Facebook. Để có được thông báo này, "người bán hàng online" sẽ tạo một hộp box tự động chứa các thông tin. Bằng một khoản chi trả quảng cáo, các kênh bán hàng này sẽ được nhận một danh sách khách hàng phù hợp.
Thông thường, những "kênh bán hàng" sẽ dụ "con mồi" bằng hàng loạt các lời mời mọc mà những người dùng thiếu hiểu biết về công nghệ sẽ dễ dàng tin ngay. Các lời mời sẽ tùy thuộc vào dạng hàng được rao bán nhưng thông thường sẽ là "tri ân khách hàng", "khách hàng thân thiết" hay thậm chí chỉ là "lựa chọn ngẫu nhiên".
Chieu thuc lua moi tren Facebook, 10 nguoi doc 9 nguoi mac bay
 Chỉ cần nhấn nút là nhận ngay "quà free", đây là chiêu tiếp cận quen thuộc.
Nhưng đó chưa phải là lý do lớn nhất khiến người mua hàng dính bẫy, mà lý do chính lại nằm ở sự "miễn phí" một cách đầy "ngẫu nhiên" mà người sử dụng "được" nhận. Nhiều người khi chưa kịp hiểu tại sao mình nhận được box thông tin thì đã vội vàng ấn vào vì thấy chỉ có một số lượng quà nhất định mà thôi. Và đó cũng chính là nguyên nhân mà nhiều người sử dụng mạng xã hội bị "dính bẫy".
Hàng loạt câu hỏi tự động được gửi đến người dùng với những lời thuyết phục vô cùng hấp dẫn và đương nhiên tất cả vẫn là miễn phí. Từ vòng phong thủy, mỹ phẩm, tai nghe, thực phẩm chức năng đều được tặng miễn phí. Người sử dụng vô tư xác nhận đầy đủ thông tin cá nhân và thậm chí cảm ơn cả người gửi tin nhắn.
Hàng tặng không bán nhưng vẫn phải trả phí gấp 10 lần giá thực
3 đến 5 ngày sau, nhân viên giao hàng sẽ gọi điện xác nhận về đơn hàng. Nhưng điểm chung của những "quà tặng" này là muốn nhận được hàng, người nhận sẽ phải chi trả một khoản phí đảm bảo như bảo hiểm cho mặt hàng "có giá trị".
Chieu thuc lua moi tren Facebook, 10 nguoi doc 9 nguoi mac bay-Hinh-2
Những chiếc vòng phong thủy là món quà "đặc sản" ở các trang hàng tặng quà miễn phí. 
Nguyễn Quỳnh Anh (sinh viên năm thứ hai, Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: "Em là một người rất sùng văn hóa tín ngưỡng. Do đó, khi biết mình được nhận một chiếc vòng tay do các sư thầy tận Tây Tạng trì chú miễn phí thì em sẵn sàng chịu trả phí thỉnh. Em đã phải trả khoảng gần 250.000 đồng để nhận được một mẫu vòng như vậy".
Tuy nhiên, khi hỏi về thông tin cụ thể nơi tạo ra chiếc vòng này thì ngay chính bản thân Quỳnh Anh cũng không xác định được. Khi tham khảo tại thị trường, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi biết chiếc vòng Quỳnh Anh nhận được có giá chỉ 25.000 đồng. Nhưng để có "món quà miễn phí", Quỳnh Anh đã phải trả số tiền gấp 10 lần chi phí thực.
Để tăng thêm phần tin tưởng, các đối tượng thường thêm tính tâm linh vào những mặt hàng của mình. Thủ thuật thông thường nhất có thể được kể đến là việc "trì chú" (là hình thức tụng niệm của các vị sư vào các đồ vật để thêm tính linh nghiệm).
Với những người có niềm tin đặc biệt về tâm linh thì chắc chắn sẽ không ngại bỏ một khoản tiền gấp hàng chục lần giá trị thật của món hàng để "đảm bảo" cho chính niềm tin của mình. Tuy nhiên, người dùng không có cách nào để có thể xác định được có thật những món hàng nhận được được trì chú hay không.
Với những mặt hàng khác, nhiều khi vì quá sùng tín hoặc cả nể công giao hàng của nhân viên mà người dùng Facebook phải miễn cưỡng nhận "quà tặng miễn phí".
Lộng hành do đâu
Chỉ với một vài thủ thuật đơn giản, một "lệ phí" quảng cáo siêu rẻ và những "chiêu thức" phù phép về tâm linh, những đối tượng bán hàng online thoải mái làm giàu mà không hề lo ngại bất kể vấn đề gì.
Điều đáng ngạc nhiên là ngoài những tin nhắn được cài đặt để trả lời tự động thì mặc nhiên không có một thông tin liên hệ cụ thể nào. Gọi điện về hàng chục cơ sở được gắn tên tặng "quà tri ân miễn phí", chúng tôi đều nhận được thông tin họ không hề tổ chức đợt tri ân nào như vậy. Cá biệt, còn có trường hợp tạo luôn cả tên cơ sở và địa chỉ giả. 
Người được "tặng quà" khi phát hiện nghi vấn cũng không thể nào phản hồi với bên cung cấp quà cho mình. Và khi phát hiện bị lừa thì cũng chỉ biết tặc lưỡi cho qua vì tất cả đều đã được hợp thức hóa bằng sự "thuận mua vừa bán". Khách hàng đã xác nhận về thỏa thuận đồng ý mua và trả phí giao hàng trong chuỗi tin nhắn tự động. Tiền đã mất, mà sản phẩm thì không dám sử dụng.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Quy, chuyên kinh doanh mặt hàng phong thủy trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), cho biết: "Những người kinh doanh mặt hàng này đều lấy từ 1 nguồn, ngay cả những lời quảng cáo những chép ra từ một nguồn đó mà thôi".
Chuyên gia phong thủy Phùng Văn Khánh (Trung tâm phong thủy Phùng Khánh, phố Lê Duẩn, Hà Nội) cho biết: "Người ta sẽ tìm đến những vật dụng như trang sức phong thủy để củng cố niềm tin như một phép "thắng lợi" tinh thần. Nhưng không nên quá mù quáng, không thể cứ sở hữu một chiếc vòng mà được bình an, may mắn, làm ăn phát đạt được. Nếu chỉ đeo vòng mà mọi mong muốn đều đạt được thì chúng ta không cần làm gì khác ngoài việc đi mua vòng về đeo.
Những người đó bán vật phẩm phong thủy được trì chú mỗi ngày thì sư nào, thầy nào có nhiều thời gian chỉ đi phục vụ cho họ được, trong khi trì chú chỉ có thể thực hiện trên từng chiếc và phải có chủ sử dụng cụ thể".
Công nghệ phát triển khiến cuộc sống của con người hạnh phúc, tiện lợi hơn, tuy nhiên cũng đi kèm nhiều hệ lụy. Một trong số đó là việc hàng loạt chiêu thức lừa đảo mới được ra đời. Điều này không chỉ đòi hỏi người dùng mạng xã hội phải tỉnh táo hơn nữa mà các cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc sớm để ngăn chặn những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Bí mật bên trong đường dây lừa đảo qua thư trị giá triệu đô

Các quan chức từng nhấn mạnh, không trò lừa đảo nào có thể diễn ra mà không có sự trợ giúp trong quá trình chuyển tiền từ nạn nhân đến thủ phạm.

Tất nhiên, không phải ai sử dụng dịch vụ xử lý thanh toán đều nhằm mục đích lừa đảo. Một số công ty sử dụng dịch vụ này để tiếp cận với hệ thống ngân hàng dễ hơn, giảm chi phí và tăng tiếp cận toàn cầu. Tuy nhiên, những ưu điểm này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bất hợp pháp.
Để giúp bảo vệ hoạt động khỏi sự giám sát của chính quyền, những kẻ lừa đảo cần một cách để xử lý các khoản thanh toán mà không để lại dấu vết cũng như đặc điểm dễ phát hiện. Nhiều ngân hàng sẽ phong tỏa tài khoản hoặc khiếu nại với chính quyền nếu phát hiện hoạt động đáng ngờ. Vì vậy, những kẻ lừa đảo tìm đến những công ty dịch vụ thanh toán như PacNet Services.
PacNet quan hệ với nhiều ngân hàng trên toàn thế giới và có thể thiết lập tài khoản cho các khách hàng ở những nước mà họ hoạt động - bằng các loại tiền tệ khác nhau. Điều này giúp kẻ xấu dễ tiếp cận các nạn nhân cũng như tài khoản ngân hàng tại nhiều quốc gia.
Bi mat ben trong duong day lua dao qua thu tri gia trieu do
Văn phòng của PacNet tại thành phố Vancouver, Canada. Ảnh: CNN. 
Cách thức lừa đảo của chúng là nói với một bà lão mắc bệnh Alzheimer rằng bà đã giành một giải thưởng trị giá 1 triệu USD và tất cả những gì mà bà cần làm là gửi 20 USD để xác nhận giải thưởng. Bức thư có vẻ chính thức nên bà ký séc và gửi 20 USD.
Những khoản thanh toán như vậy thường gửi tới PacNet. Sau đó, doanh nghiệp gửi tiền vào tài khoản dưới tên công ty và hưởng hoa hồng. PacNet tiếp tục giữ khoản tiền sau khi trừ phần trăm cho đến khi gửi nó vào tài khoản ngân hàng của khách hàng.
Lừa đảo đằng sau lừa đảo
Cái tên PacNet xuất hiện khi các nhà điều tra tìm hiểu mạng lưới đằng sau chiêu trò lừa đảo qua thư trị giá 200 triệu USD, tập trung vào một người Pháp tên là Maria Duval. Chương trình này gửi đi hàng triệu bức thư hứa hẹn với các nạn nhân rằng rằng khả năng tâm linh và những dự đoán từ Duval là bí quyết đổi đời. Tất cả những gì mà họ cần làm là gửi tiền.
Trò lừa đảo của Duval kết thúc tại Mỹ vào đầu năm nay. Giới chức đang tiến hành một cuộc điều tra hình sự.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, trong vụ này, PacNet thu về rất nhiều khoản thanh toán và vẫn tiếp tục bất chấp một "cảnh báo rõ ràng" từ Bộ trưởng Tư pháp bang North Dakota.
Tuy nhiên, những bức thư của Duval mới chỉ là trò khởi đầu.
Được thành lập cách đây hơn 20 năm, PacNet hoạt động trên một cao ốc khó xác định tại trung tâm thành phố Vancouver, Canada. Doanh nghiệp tuyên bố là một trong những công ty xử lý thanh toán hàng đầu của ngành công nghiệp này.
Trong bức thư gửi từ luật sư của doanh nghiệp, PacNet tuyên bố danh sách khách hàng của công ty gồm các trường học, nhà xuất bản, tổ chức từ thiện cũng như công ty tiếp thị quảng cáo và bán hàng hóa, dịch vụ quốc tế.
Tuy nhiên, trong cuộc điều tra "đế chế" Duval kéo dài hàng tháng, CNN phát hiện trò lừa đằng sau trò lừa.
Nhiều tài liệu ghi lại các trò gian dối sử dụng dịch vụ của PacNet. Một số là tác phẩm của những kẻ từng bị chính quyền sờ gáy nhiều lần. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn một mực khẳng định thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn lừa đảo.
Bi mat ben trong duong day lua dao qua thu tri gia trieu do-Hinh-2
Con trai của một nạn nhân trong trò lừa đảo qua thư. Ảnh: CNN. 
Kẻ lừa đảo của thành phố tội ác
Glen Burke, một kẻ lừa đảo tại thành phố Las Vegas, từng là mục tiêu của hoạt động thực thi pháp luật trong 2 thập kỷ và bị cấm vĩnh viễn quảng cáo hàng hóa hoặc dịch vụ qua điện thoại vào năm 1998.
Năm 2013, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) kiện Burke với cáo buộc vi phạm lệnh cấm. PacNet đã xử lý thanh toán cho các chương trình của hắn.
Trong một tuyên bố vào năm 2013, nhà sáng lập PacNet Rosanne Day thừa nhận doanh nghiệp xử lý gần 18 triệu USD “thay mặt cho Glen Burke” từ năm 2007.
Báo cáo tài chính của PacNet đệ lên với tư cách bằng chứng cho thấy tại một thời điểm doanh nghiệp được trả hoa hồng là 3,5%, nếu xử lý 18 triệu USD, doanh nghiệp thu về 600.000 USD tiền hoa hồng.
Trong vụ án của FTC, cơ quan chức năng đóng cửa 2 chương trình lừa đảo, bị cáo buộc do Burke điều hành – một qua thư, một qua điện thoại. Các tài liệu của tòa gồm những bức thư mà Burke và cộng sự thảo luận biện pháp tránh chính quyền Mỹ và nói đùa về thời gian ở tù. Và trong những bức thư tịch thu từ văn phòng của Burke, những nạn nhân trong tình trạng eo hẹp về tài chính van xin trả lại số tiền đã hứa hẹn.
Trong khi Burke tuyên bố hắn chỉ là một nhà tư vấn cho các chương trình lừa đảo, PacNet nói doanh nghiệp “đã giải ngân nguồn vốn theo hướng dẫn” từ Burke.
Chính phủ liên bang phán quyết Burke là kẻ cần phải xử lý. Người đàn ông này bị phạt 20 triệu USD vì tội lừa đảo. Burke đang kháng cáo. Luật sư của Burke khẳng định chính quyền đã sai. Thân chủ của ông không phải là người phụ trách chính.
Trong khi đó, luật sư của PacNet cho biết doanh nghiệp đã tăng cường chương trình tuân thủ sau vụ án của Burke bằng cách thêm vào các biện pháp kiểm soát.
Gần đây, Burke phải chịu thêm hình phạt khi hắn và một người bị cáo buộc là đồng mưu bị truy tố về 24 tội danh lừa đảo qua thư và các tội danh khác. Hắn bị bắt bởi các thanh tra bưu chính và hiện bị giam bởi Cảnh sát Tư pháp Mỹ.
Nhân tố quyết định
Vụ án của Burke không phải là lần đầu tiên tên của PacNet nổi lên trong hồ sơ gian lận của chính phủ.
Năm 2002, quan chức Mỹ từng tịch thu hàng trăm nghìn USD từ tài khoản của PacNet. Số tiền bất hợp pháp này đến từ những bức thư mời quay xổ số. Trong vụ án, chính phủ không cấu thành tội danh hoặc bằng chứng về hành vi sai trái của PacNet. Công ty đồng ý mất 360.000 USD và cam kết sẽ không bao giờ tạo điều kiện thanh toán cho loại lừa đảo này một lần nữa.
Tuy nhiên, chỉ 5 năm sau, chính quyền Australia phát hiện PacNet xử lý thanh toán cho 37 trò rút thăm trúng thưởng khác nhau và những trò gian lận về xổ số. PacNet hợp tác với cuộc điều tra và đồng ý hoàn lại 300.000 AUD cho các nạn nhân.
Vào thời điểm đó, các quan chức nhấn mạnh rằng không trò gian lận nào có thể diễn ra mà không có sự trợ giúp trong quá trình chuyển tiền từ nạn nhân đến thủ phạm.
“Nếu tất cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển giao tuân thủ các quy tắc, chú ý tới những mối nguy hại tiềm năng và sau đó từ chối dịch vụ, mạch máu của những trò gian lận sẽ bị cắt", cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Australia nói.
Nhiều năm qua, PacNet đã cung cấp những "mạch máu" này. Sử dụng dịch vụ, những kẻ lừa đảo đã lừa hàng triệu người.
Tất cả nạn nhân không còn một xu dính túi.
>>> Mời quý độc giả xem video Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (nguồn THVL):

Nghe cuộc điện thoại, cụ bà mất gần 1,8 tỷ đồng

Dù thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại không mới và được cơ quan chức năng liên tục cảnh báo nhưng vẫn có nhiều nạn nhân sập bẫy bọn lừa đảo.
 

Sáng 14/12, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết đang thụ lý điều tra vụ lừa đảo qua điện thoại vừa mới xảy ra trên địa bàn Q. Bình Thạnh với số tiền bị chiếm đoạt gần 1,8 tỷ đồng.

Tin mới