Sáng 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Một trong những nội dung đáng chú ý, báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ tiếp tục đề nghị xin lùi thời hạn trình Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án Luật. Thời điểm đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội.
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ |
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng thời hạn đề xuất lùi của Chính phủ chưa cụ thể, trong khi đây là dự luật rất cấp thiết, phải ban hành sớm. "Dự án luật đã được đưa vào chương trình từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, tháng 5/2019, sau đó phải điều chỉnh nhiều lần. Lần này là đề nghị điều chỉnh thứ tư", ông Tùng nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, lý do Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình là đợi Hội nghị Trung ương 5 xem xét tổng kết Nghị quyết 19, song đây không phải là vấn đề mới. Quốc hội khi xem xét đưa dự án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã cân nhắc. Do đó, các cơ quan của Quốc hội đề nghị chỉ nên lùi một kỳ, Chính phủ phải trình Quốc hội cho ý kiến về dự luật này tại kỳ họp thứ 4 vào cuối năm 2022, và vẫn xem xét, thông qua theo quy trình 3 kỳ họpnhư Quốc hội đã quyết định.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra |
Ông Tùng lưu ý, những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể thực hiện thí điểm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với đề nghị của Chính phủ về lùi thời hạn trình dự án Luật đất đai sửa đổi, song chỉ nên lùi một kỳ họp, trình xin ý kiến Quốc hội vào kỳ họp thứ 4. Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 19 của Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Sau kỳ họp thứ nhất, Đảng đoàn Quốc hội cũng đã làm việc với Bộ Tài nguyên Môi trường.
Giải trình sau đó, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ đã hoàn thiện các dự thảo, tờ trình, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 cũng như đánh giá tác động các chính sách.
Tuy nhiên, việc chỉnh sửa các chính sách liên quan đến Đất đai phải có nghị quyết của Trung ương làm cơ sở chính trị, làm căn cứ quan trọng để lấy ý kiến, thẩm định trình Quốc hội. Chính phủ sẽ trình dự thảo luật vào kỳ họp tháng 10/2022, sau Hội nghị Trung ương vào tháng 5/2022. Vì vậy dù đã được lùi nhiều lần nhưng dự luật này vẫn "không thể không lùi".
|
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân làm rõ đề xuất về việc lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) |
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí lùi thời hạn trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) một kỳ họp, từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 và xem xét vào kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về quy hoạch quản lý, sử dụng không gian ngầm và trên không; vấn đề sử dụng đa mục đích; xây dựng hệ thống thông tin đất đai theo mô hình tập trung, thống nhất, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Dự luật cũng quy định rõ các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, sử dụng đất có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh; kiểm soát chặt chẽ và công khai trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị đưa 15 dự án luật vào Chương trình năm 2023.
Tại Kỳ họp thứ 5, dự kiến trình Quốc hội thông qua 09 dự án, là các dự án đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.
Trình Quốc hội cho ý kiến 04 dự án: Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Phát triển công nghiệp. Tại Kỳ họp thứ 6, trình Quốc hội thông qua 4 dự án đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Đồng thời trình cho ý kiến 2 dự án: Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Về đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2022, Chính phủ đề nghị điều chỉnh 15 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết (trong đó: tại kỳ họp thứ 3 đề nghị đổi tên 1 dự án, bổ sung 4 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, lùi thời gian trình 1 dự án; tại kỳ họp thứ 4 đề nghị bổ sung 9 dự án).
Tại Kỳ họp thứ 3, đề nghị bổ sung vào Chương trình 3 dự án, dự thảo để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Đề nghị bổ sung vào Chương trình cho ý kiến 03 dự án, gồm: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đặc biệt, Chính phủ đã đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án Luật.
Tại Kỳ họp thứ 4, đề nghị bổ sung dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 01 kỳ họp.
Bổ sung vào Chương trình cho ý kiến đối với 08 dự án, gồm: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hàng loạt cán bộ bị khởi tố vì sai phạm đất đai: