Chồng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh sở hữu khối tài sản thế nào?

Chồng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh sở hữu khối tài sản thế nào?

Cùng với đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam, khối tài sản của chồng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cũng ghi nhận tăng mạnh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận diễn biến tích cực trong phiên giao dịch ngày 14/11. Kết phiên, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 9,66 điểm để đóng cửa ở mức 1.109,73 điểm. Sàn HoSE có 365 cổ phiếu tăng, cao gấp đôi so với 171 cổ phiếu giảm. Thanh khoản thị trường TP HCM đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tăng hơn 1.100 tỷ đồng so với phiên trước.

Chỉ số HNX-Index cũng tăng 1,32 điểm để đóng cửa ở mức 227,43 điểm. Chỉ số Upcom-Index ghi nhận mức tăng 0,67 điểm để đóng cửa ở mức 86,65 điểm.

Trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức tăng gần 10 điểm so với phiên liền trước, mã cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội ghi nhận mức tăng 400đ/cổ phiếu, tương đương mức tăng 3,62%. Với mức tăng này, SHB cũng là một trong những mã cổ phiếu tăng mạnh nhất trong rổ chỉ số VN30 trong phiên giao dịch ngày 14/11. Không chỉ tăng mạnh về thị giá, cổ phiếu SHB cũng được các nhà đầu tư giao dịch sôi động khi có 32,216 triệu cổ phiếu được sang tay.

Khối tài sản chồng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh đang nắm giữ có giá trị hơn 1.000 tỷ đồng

Với đà tăng của cổ phiếu SHB trong phiên giao dịch ngày 14/11, khối tài sản trên sàn chứng khoán của chồng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, ông Đỗ Vinh Quang ghi nhận tăng thêm hơn 36 tỷ đồng khi thiếu gia sinh năm 1995 đang trực tiếp nắm giữ gần 91 triệu cổ phiếu SHB, tương đương 2,9% vốn ngân hàng.

Dù không giữ vị trí lãnh đạo tại ngân hàng, tuy nhiên số cổ phiếu SHB do chồng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh nắm giữ vượt cả ông Hiển (nắm giữ 84,3 triệu cổ phiếu) và anh trai Đỗ Quang Vinh (nắm giữ 796.375 cổ phiếu) và là cổ đông cá nhân nắm giữ số cổ phiếu lớn nhất tại SHB. Tính theo giá thị trường, thiếu gia 28 tuổi đang sở hữu khối tài sản có giá trị hơn 1.040 tỷ đồng.

Sau phiên tăng mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 15/11, chuyên gia của chứng khoán Vietcap dự báo VN-Index sẽ tiếp tục thử thách ngưỡng kháng cự MA200 tại vùng 1.115 điểm. Nếu lực mua đủ mạnh để duy trì đà tăng, giúp chỉ số đóng cửa trên ngưỡng cản này, VN-Index sẽ phát tín hiệu quay trở lại khu vực thị trường tăng giá với kháng cự tiếp theo là đường MA50 ngày đang nằm tại vùng 1.135-1.140 điểm. Ngược lại, nếu không thể vượt qua MA200, VN-Index nhiều khả năng sẽ thoái lui về vùng hỗ trợ MA10, MA20 ở khu vực 1.080-1.085 điểm.

Chuyên gia của công ty chứng khoán SSI cho rằng dù thị trường ghi nhận sự đảo chiều sau kỳ điều chỉnh vừa qua, nhưng chỉ số VNIndex vẫn bị cản trở bởi ngưỡng 1.115. Các chỉ báo kỹ thuật như RSI và ADX duy trì tín hiệu trung tính. Như vậy, nhịp tăng thiếu sức mạnh cần thiết khiến chỉ số VNIndex có rủi ro giảm điểm trở lại và dự kiến dao động trong biên độ 1.094 - 1.112.

Chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định dự kiến diễn biến giằng co thăm dò sẽ tiếp tục tiếp diễn khi bước vào phiên giao dịch mới (15/11). Tuy nhiên, áp lực cung từ vùng MA(200), vùng quanh 1.115 điểm, vẫn đang hiện hữu và có thể gây rủi ro suy yếu cho thị trường.

Nhà đầu tư nên chậm lại để quan sát trạng thái cung cầu, tạm thời không nên mua đuổi theo các cổ phiếu đã tăng giá mạnh. Hiện tại, có thể tranh thủ khả năng tăng điểm của thị trường để chốt lời hoặc cơ cấu lại danh mục.

Lạc quan hơn, chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) nhận định thị trường có thể sẽ tiếp tục tăng trong phiên giao dịch 15/11, nhưng chỉ số VN-Index vẫn có thể còn giằng co quanh đường trung bình 200 phiên. Đồng thời, điểm tích cực là đồ thị giá của chỉ số VNMidcaps có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên Yuanta kỳ vọng dòng tiền ngắn hạn có thể sẽ tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu này trong vài phiên tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn lạc quan với diễn biến thị trường hiện tại.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mua mới.