Hương thở dài thườn thượt, ngao ngán nói: “Cho mày đấy, ôm về mài cái sạch đó ra mà hưởng”.
Huyền, em gái Hương, sinh viên năm cuối, nói ông Tuấn (chồng Hương) mà đi thi “sạch” chắc đạt giải quán quân. Huyền cho rằng Tuấn sạch một cách… đam mê lẫn u mê, sạch đến mức mang biệt danh là Tuấn “vô trùng”. Có lẽ với anh, sạch là cứu cánh, là lẽ sống. Anh đã, đang và sẽ sạch đến… hơi thở cuối cùng.
Hồi mới yêu, đi dạo công viên, chẳng còn chiếc ghế đá nào trống, Hương rủ anh ngồi trên cỏ. Anh nói đừng em, bụi bám trên cỏ nhiều lắm. Lại có kiến. Kiến mà cắn thì sinh ghẻ đó em. Hương cảm động vì nghĩ rằng người yêu bảo vệ, chăm chút cho mình, lo từ hạt bụi trở đi.
Ảnh minh họa. |
Một lần cả hai vào quán nước. Chị chủ quán đặt lên bàn hai ly cam vắt. Cái ống hút và cái muỗng đã được cho vào ly nhưng Tuấn lấy ra, nói chị ơi, chị làm ơn nhúng nước sôi giùm nhé. Hương có chút ngờ ngợ về kiểu sạch hổng giống ai này. Nhưng anh chàng Tuấn đẹp trai, nước da trắng hồng như con gái, ăn mặc sạch sẽ thơm tho đã choán hết tâm hồn cô. Những rung động đầu đời khiến Hương thấy Tuấn sáng ngời, đẹp toàn diện. Yêu mà!
Lấy về... tắt thở
Khi thành vợ rồi, Hương mới thấm thía “hội chứng sạch” của chồng. Cầm bộ đồ đi làm Hương vừa ủi xong, Tuấn nói em nghĩ sao mà không ủi luôn áo lót, quần lót cho anh? Hương ngạc nhiên pha chút chưng hửng, nói ủi thì ủi nhưng trong lòng hơi ấm ức. Tuấn lệnh thêm, nói em ủi cả đồ “bi ra ma” (pijama) nữa nhé. Nhớ xịt nước hoa trước khi mắc vào tủ. Lập trình là vậy. Cứ thế mà làm.
Mỗi lần nhờ Tuấn ôm con là Hương thấy gai con mắt. Người anh cứng đơ như khúc gỗ. Anh lót ba cái khăn lông dưới mông con bé, nói lỡ nó tè khỏi thấm xuống bàn tay. Con bé đòi cầm đồ chơi, anh không cho, nói dơ dơ dơ! Con bé nhiễu vài giọt nước miếng lên tay, anh thả ngay xuống giường, mặt mày nhăn nhó, cái tay sạch bợ cái tay “dơ” chạy ra vòi nước.
Có người nói, đối với Tuấn, anh em trong cơ quan đều… bẩn. Thật vậy. Ai vô tình khẽ chạm vào áo ổng là ổng lấy tay búng búng. Thấy bắt ghét nên không ai muốn gần. Sếp của Tuấn kể, một lần ra Trung công tác, cả đoàn vào quán ăn don vì nghe nói “gái còn son không bằng tô don Quảng Ngãi”. Ai cũng xì xụp trông rất ngon. Đang ăn bỗng Tuấn đẩy tô don ra xa, gọi tô khác. Chủ quán hỏi sao, Tuấn nói có một con ruồi vừa bay trên mặt tô. Ai dám chắc nó đã không “bỏ bom” vào đấy?
Đang tiếp khách, nhác thấy ti vi, đầu máy dính chút bụi, Tuấn đứng dậy lấy chổi lông gà quét qua quét lại khiến khách tự ái bỏ về.
Hương bán tạp hóa. Tuấn dán ngoài cửa dòng chữ thật to: “Không đi dép vào quán”. Quán ế khách, Hương gỡ chữ xuống liền bị Tuấn phùng mang trợn mắt, nói cô muốn rước vi trùng vào nhà à?
Đi làm, trước khi mặc đồ, Tuấn giũ áo quần phành phạch như người ta giũ chiếu khi giặt ở bờ sông, sau đó là khẩu trang kín mít, đeo kính râm đen thui. Mỗi tuần Tuấn bấm móng tay, móng chân ba lần, nói đó là ổ vi khuẩn, phải triệt phá.
Một người bạn đùa, hỏi ông Tuấn có sạch sẽ mỗi khi “giường chiếu” với mày không? Hương nói có. Ổng không bao giờ có khúc dạo đầu, nhắm mắt nhắm mũi cho xong rồi vào nhà tắm dội nước ào ào. Khổ lắm! Tao cảm thấy mình bị xúc phạm.
Tới thăm chị lần nào Huyền cũng tìm cách “gây” với Tuấn, nói anh sạch một cách rất… dơ, sạch một cách bệnh hoạn. Anh sạch mà ai cũng muốn né thì sạch để làm gì? Sạch kiểu này, chắc có ngày chị Hương cho anh… sạch sành sanh quá.
Tuấn nghiêm giọng, nói sạch thuộc phạm trù văn hóa. Với lại tui sạch cho chị cô chứ không phải cho cô, đừng xía vô.