Chủ cơ sở mầm non bạo hành trẻ ở Đà Nẵng: 'Tôi sai rồi'!

“Khi tôi đến nơi, bà Hồng đã khóc và nói: "Tôi xin lỗi anh Công. Tôi sai rồi!". Bà này không hề chối cãi hành vi sai trái của mình”, Phó Chủ tịch UBND phường Chính Gián kể lại vụ bạo hành trẻ ở nhóm lớp mẹ Mười.

Hơn 200 cơ sở mầm non trên địa bàn quận Thanh Khê (Đà Nẵng) được triệu tập vào chiều 23/5 để nhắc nhở, chấn chỉnh sau vụ bạo hành trẻ em ở nhóm lớp mẹ Mười.
Tại buổi gặp, ông Ngô Chính Công, Phó chủ tịch UBND phường Chính Gián đã thông tin các nội dung liên quan đến vụ bạo hành xảy ra tại nhóm lớp mẹ Mười do bà Đinh Thị Hồng (làm chủ) cho các cơ sở và nhóm lớp nghe.
Các giáo viên, chủ cơ sở của 200 cơ sở mầm non trên địa bàn quận Thanh Khê có mặt tại buổi làm việc.
 Các giáo viên, chủ cơ sở của 200 cơ sở mầm non trên địa bàn quận Thanh Khê có mặt tại buổi làm việc.
Ông Công cho biết: lúc 11h trưa ngày 21/5 sau khi vụ việc được đưa lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận, chính quyền phường Chính Gián và công an phường có mặt tại cơ sở mẹ Mười ngay lập tức. Đồng thời yêu cầu Công an xác minh nguồn gốc các video clip đăng tải trên mạng xã hội.
“Khi tôi đến nơi, bà Hồng đã khóc và nói: "Em xin lỗi anh Công. Em sai rồi! Chị này không hề chối cãi hành vi sai trái của mình” ông Công cho biết.
Công an phường sau đó được yêu cầu lập 2 nhóm: một đến cơ sở mẹ Mười để giữ gìn trật tự, nhóm còn lại tiến hành xác minh danh tính cũng như nội dung các hình ảnh trên mạng. Đến 1h trưa cùng ngày, phường đã bước đầu thông tin nhanh vụ việc cho báo chí. Đầu giờ chiều ra quyết định đóng cửa nhóm trẻ. Cơ quan công an triệu tập bà Hồng làm việc theo thẩm quyền.
Trên địa bàn phường Chính Gián có 12 nhóm lớp, ông Công cho biết phường thường xuyên đi kiểm tra đột xuất, trong đó có nhiều lần kết hợp với phòng giáo dục tuy nhiên không phát hiện vụ bạo hành trẻ em nào. Các cơ sở đều có cam kết với phường 8 điều, trong đó điều đầu tiên tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em. Bản cam kết này được dán ở nơi dễ nhìn thấy nhất của cơ sở và có số điện thoại của phó chủ tịch UBND phường phụ trách lĩnh vực và cán bộ phụ trách văn hóa.
Theo ông Công, chắc chắn bà Hồng sẽ phải chịu tội trước pháp luật và không ai thể gánh tội thay. Tuy nhiên theo ông Công lỗi xảy ra bạo hành là của cả xã hội và phải có sự nhìn nhận lại.
“Hiện nay, một số giáo viên tốt nghiệp mầm non ra, lý thuyết đầy đủ nhưng kỹ năng không có, không biết cách chăm sóc trẻ, cho trẻ ăn… Đó là lỗi của ngành giáo dục. Trách nhiệm địa phương chúng tôi không chối, nhưng nếu có đề xuất chúng tôi đề xuất việc tăng cường giáo dục đối với giáo viên” ông Công nói.
Ngoài ra theo ông Công còn có lỗi của gia đình, lúc nào cũng kỳ vọng gửi con vào là ăn nhiều ngủ nhiều, tăng cân. Ngay trường hợp bé bị bạo hành, bà Hồng có nói với tôi: “Phụ huynh có nhờ ép cho con ăn. Nhưng ép kiểu đó là không đúng rồi”
Ông Công cho hay, một trong hai bé bị bạo hành gia đình sống ở quân Sơn Trà nhưng vì tin tưởng nhóm trẻ này mới gửi con ở đây. Trước đó, 2 người anh chị khác của bé này cũng đã được gửi trẻ tại nhóm trẻ này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê kiến nghị: UBND quận chỉ đạo UBND các phường cân nhắc việc xét duyệt hồ sơ cấp phép hoạt đối với các cơ sở mới xin thành lập. Chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở đã được cấp phép thành lập và chưa được cấp phép để phụ huynh có lựa chon. Tăng cường kiểm tra các nhóm lớp độc lập tư thục trên địa bàn, đặc biệt là các nhóm lớp dưới 7 trẻ…
Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết sự việc vừa qua là rất đáng buồn và không thể lường trước được. Việc này xuất phát từ cái tâm của chủ các cơ sở và đội ngũ giáo viên.
“Đội ngũ giáo viên yêu nghề, có kỹ năng mới không có những hành vi mà cả xã hội lên án. Lĩnh vực này, nghề này nhìn ngoài thì đơn giản nhẹ nhàng nhưng phải có kỹ năng và phải có sự chịu khó, kiên nhẫn và phải có tâm. Liệu ngoài cơ sở mẹ Mười này còn có cơ sở nào bạo hành nữa không ?” ông Tĩnh đặt câu hỏi.
Ông Tĩnh đề nghị, các cơ sở mầm non tư thục phải tiến hành lặp đặt camera giám sát tại cơ sở và kết nối di động với phụ huynh để giám sát quá trình chăm sóc trẻ. “Các chủ cơ sở phải hết sức tích cực chung tay với địa phương trong việc lắp đặt camera giám sát tại các nhóm trẻ tư thục” ông Tĩnh đề nghị.
Chiều cùng ngày, Công an quận Thanh Khê cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án về dấu hiệu hành hạ người khác xảy ra tại nhóm trẻ Mẹ Mười ở địa chỉ 251/32 Thái Thị Bôi, phường Chính Gián (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) do bà Đinh Thị Hồng làm chủ.