Chu Nguyên Chương được coi là một trong những vị hoàng đế nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc với nhiều công trạng to lớn. Chu Nguyên Chương có xuất thân nghèo khó, sinh ra trong một gia đình bần nông, phải đi làm thuê cho người khác.
Đến năm 1344, khi Chu Nguyên Chương mới 16 tuổi, do dịch bệnh hoành hành nên những người thân trong gia đình ông đều lần lượt qua đời. Từ đó, Chu Nguyên Chương cũng lưu lạc khắp nơi, thậm chí còn tới chùa Hoàng Giác xin nương nhờ và từng đi khất thực trong 3 năm.
Sau đó, khi tham gia vào Hồng Cân quân (tức đội quân khăn đỏ), Chu Nguyên Chương từng bước lập được nhiều công trạng, trở thành thủ lĩnh và cuối cùng Bắc phạt thành công, lật đổ được nhà Nguyên, lên ngôi hoàng đế và lập ra triều đại nhà Minh.
Nhờ những công trạng to lớn của mình, Chu Nguyên Chương được xem là một trong những hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng là vị hoàng đế bị chê trách vì sự hà khắc và lạm sát nhiều công thần khai quốc trong thời gian trị vì đất nước.
Sau khi trở thành hoàng đế, Chu Nguyên Chương do trải qua những năm tháng gian khổ nên rất mất lòng tin vào những quan lại dưới quyền mình. Chính vì vậy, ông đã sát hại nhiều công thần trong thời gian nắm quyền.
Thế nhưng con trai trưởng của Chu Nguyên Chương là Chu Tiêu lại khác với ông. Chu Tiêu là người nhân nghĩa và đôn hậu. Vị thái tử này thậm chí còn nhiều mình liều mạng cầu xin Chu Nguyên Chương tha mạng cho những công thần, trong đó có Tống Liêm, thầy của thái tử. Do con trai có liên quan đến vụ mưu phản của Hồ Duy Dung nên Tống Liêm cũng bị Chu Nguyên Chương kết án. Thấy thầy sắp bị xử chém, thái tử Chu Tiêu đã ra sức cầu xin phụ hoàng tha cho thầy.
Tuy nhiên, Chu Tiêu lại không may mắn như vậy. Mặc dù là người sớm được Chu Nguyên Chương chọn làm người kế vị ngôi báu nhưng ông lại chết vì bệnh ở tuổi 38.
Sau khi Chu Tiêu mất, Chu Nguyên Chương đã lập con trưởng của Chu Tiêu là Chu Doãn Văn làm Hoàng Thái tôn. Dù có nhiều con trai nhưng hoàng đế Chu Nguyên Chương vẫn nhất quyết đặt ra nguyên tắc là lập con trưởng làm người kế vị với mục đích đảm bảo trật tự trong hoàng thất, đồng thời để những người con trai khác cắt đứt mộng tưởng với hoàng vị, ngăn chặn những cuộc đổ máu trong tương lai.
Chu Nguyên Chương đã tàn sát các công thần để dọn đường trở thành hoàng đế cho Chu Doãn Văn sau này. Đây cũng là việc mà trước đó ông làm vì Chu Tiêu do lo sợ các công thần sẽ cậy công làm càn.
Tuy nhiên, dẹp bỏ nỗi lo về công thần, Chu Nguyên Chương vẫn còn lo ngại về các phiên vương đang nắm giữ binh quyền tại đất phong. Trước đó, sau khi lên ngôi hoàng đế, nhằm củng cố hoàng thất, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đã phong cho các con cháu làm phiên vương, được cấp đất phong và có quân đội riêng để bảo vệ. Do đó, thế lực của các phiên vương đều rất lớn. Đương nhiên điều này cũng trở thành mối đe dọa đối với hoàng vị.
Chu Nguyên Chương chưa kịp giải quyết vấn đề này thì đã đổ bệnh. Ông cho gọi đích tôn Chu Doãn Văn đến và hỏi cháu trai của mình về cách giải quyết vấn đề của các phiên vương.
Chu Doãn Văn đã trả lời Chu Nguyên Chương rằng, nếu các chú (phiên vương) nổi dậy trong tương lai, thì trước tiên bản thân ông sẽ kiềm chế hành vi của họ bằng nghi lễ. Sau đó, ông sẽ gây ảnh hưởng với họ bằng tình cảm và cuối cùng mới dùng đến cách đối đầu trong trận chiến. Câu trả lời này có vẻ hoàn hảo nhưng dường như không phải là một giải pháp thiết thực cho vấn đề các phiên vương nổi loạn trong tương lai.
Tuy nhiên, sau khi nghe câu trả lời, Chu Nguyên Chương rất hài lòng. Sở dĩ Chu Nguyên Chương hỏi điều này vì lo ngại người con trai thứ của ông là Chu Đệ có thể nổi loạn trong tương lai. Tuy nhiên, Chu Đệ cũng là chú ruột của Chu Doãn Văn. Vì thế, khi xảy ra nổi loạn thì cũng không nỡ tàn sát lẫn nhau.
Hơn nữa, lúc bấy giờ, Chu Đệ tuy là một trong những phiên vương mạnh nhất, nhưng so với thế lực trong triều đình thì vẫn còn quá chênh lệch. Trong khi đó, Chu Nguyên Chương cũng nghe được câu trả lời khôn khéo của đích tôn Chu Doãn Văn nên ông cũng vơi bớt lo lắng của mình.
Tháng 5/1398, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương qua đời. Đích tôn là Chu Doãn Văn lên ngôi hoàng đế, hiệu là Minh Huệ Đế. Tuy nhiên, sau khi lên ngôi hoàng đế, Chu Doãn Văn dường như quên mất những gì mình từng nói với ông nội. Chu Doãn Văn thay đổi chính sách của ông nội, tuy giảm bớt các hình phạt hà khắc, tha cho nhiều tù nhân nhưng lại thẳng tay áp dụng chính sách triệt phiên để tập trung quyền lực.
Kết quả, năm 1399, chú ruột của Chu Doãn Văn là Chu Đệ đã khởi binh làm phản. Dù ban đầu quân triều đình chiếm ưu thế, nhưng do Chu Nguyên Chương trước đó từng lạm sát công thần nên bên cạnh Chu Doãn Văn không còn nhiều người có khả năng cầm quân.
Chính vì vậy, thế trận đối đầu nhanh chóng nghiêng về Chu Đệ, một người vốn dày dạn kinh nghiệm trên sa trường.
Cuối cùng, quân triều đình thua trận, Chu Doãn Văn cũng bị chú ruột của mình soán ngôi sau 4 năm làm hoàng đế.