Chủ tịch huyện tiết lộ nhà đại gia trên núi có 500 tỷ đồng

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My tiết lộ, hiện huyện có trên 50 hộ đồng bào dân tộc miền núi có tài sản từ 20 tỷ cho đến trên 500 tỷ nhờ trồng sâm Ngọc Linh.

Chia sẻ tại buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam mới đây, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam), cho biết, so với thế giới, sâm Ngọc Linh là một trong 5 loại sâm tốt nhất thế giới (sâm Mỹ, sâm Nga, sâm Canada, sâm Hàn Quốc và sâm Ngọc Linh). Tất cả các nước này đều có nền công nghiệp về sâm, nhưng riêng Việt Nam ta thì còn rất nhỏ bé.
Ông Bửu cho hay, một năm thị trường tiêu thụ tới 2.000 tỷ đồng vừa sâm củ và vừa sản phẩm sâm. Song, hiện nay sâm của chúng ta chưa đến mức đó.
Tuy nhiên, năm 2015, được Thủ tướng Chính phủ quan tâm đã ký quyết định phê duyệt sâm Ngọc Linh thành sản phẩm quốc gia nên ông hy vọng vào một ngày không xa, ở Việt Nam sẽ có một ngành công nghiệp sâm giống như các nước có sâm quý trên thế giới.
Sâm Ngọc Linh tươi có giá dao động trên thị trường từ 80-250 triệu đồng/kg.
 Sâm Ngọc Linh tươi có giá dao động trên thị trường từ 80-250 triệu đồng/kg.
Theo ông, hiện nay Chính phủ đã có những chính sách liên quan đến sâm Ngọc Linh, các bộ ban ngành cũng đã có chương trình rất cụ thể về phát triển cây sâm Ngọc Linh. Còn ở địa phương có quy hoạch 15.000 ha trồng sâm, có những cơ chế chính sách cụ thể cho doanh nghiệp và người dân phát triển cây sâm.
Cụ thể, hiện ở Quảng Nam có 6 doanh nghiệp đầu tư vào trồng sâm, có một tập đoàn vào đăng ký trồng sâm. Bên cạnh đó, có trên 1.200 hộ và diện tích trồng sâm khoảng 2.300 ha.
Sâm Ngọc Linh có giá trị rất lớn về kinh tế. Ông Bửu dẫn chứng, hiện sâm Ngọc Linh tươi giá dao động khoảng 80-250 triệu đồng/kg tùy loại. Có những củ sâm Ngọc Linh lớn giá đặc biệt hơn cho những người sưu tầm sâm. Theo đó, 1ha trồng sâm sau 5 năm có thể cho thu từ 70-75 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá trị trồng sâm lại nằm trong rừng nguyên sinh và đa số do đồng bàn dân tộc miền núi đặt trồng.
“Cách đây 3 năm, Thủ tướng có lên thăm huyện Nam Trà My và hỏi tôi thích gì, tôi trả lời thích có nhiều người thành tỷ phú trên rừng Nam Trà My. Hiện huyện có khoảng trên 50 hộ đồng bào dân tộc miền núi có tài sản từ 20 tỷ cho đến trên 500 tỷ nhờ trồng sâm Ngọc Linh”, ông tiết lộ.
Vị lãnh đạo huyện mong muốn các bộ ngành có những khảo sát để thấy được đồng bào dân tộc miền núi đã thay da đổi thịt như thế nào nhờ cây sâm Ngọc Linh.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc tiểu số đổi đời, có tài sản từ 20-500 tỷ đồng nhờ trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng Nam Trà My.
 Nhiều hộ đồng bào dân tộc tiểu số đổi đời, có tài sản từ 20-500 tỷ đồng nhờ trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng Nam Trà My.
Song, ông cho rằng, đó mới là trồng sâm củ, nếu các doanh nghiệp nhảy vào chế biến ra các sản phẩm như: mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng,... từ sâm nữa thì ông nghĩ giá trị còn cao hơn rất nhiều cho xã hội và cho con người.
Một điều nữa cần đề cập tới, cây sâm sống ở dưới tán rừng, có rừng thì mới có sâm được. Chính vì vậy, đây là giá trị bảo vệ môi trường rừng tốt nhất. Người dân khi trồng sâm không bao giờ phá rừng, họ sẽ bảo vệ rừng để bảo vệ sâm.
Theo đó, ông kiến nghị, mặc dù quy hoạch là 15.000ha trồng sâm, nhưng hiện nay còn 5.600ha diện tích trồng sâm mà người dân phải đi bộ 2 ngày rưỡi đường mới vào trồng được, do đó ông kiến nghị các cơ quan ban ngành có khảo sát cụ thể để mở một con đường nhỏ, thuận lợi cho người dân trồng sâm đi lại.
Ông cũng đề nghị Bộ NN-PTNT làm một dự án tương đối cụ thể về di thực sâm. Theo ông, đất nước chúng ta có 122 huyện trên 28 tỉnh có thể trồng sâm được, mà trồng sâm lại bảo vệ được rừng. Thế nên, nếu trồng trên 122 huyện tạo ra khối lượng lớn thì hàng hóa mới cạnh tranh với nước ngoài. Còn nếu chỉ Nam Trà My trồng thì cũng chỉ đủ dùng để tẩm bổ một số người. Ông mong muốn đưa quy hoạch du lịch vùng sâm vào du lịch quốc gia. An ninh sâm cũng cần được chú ý vì sâm giả rất nhiều.