Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Pháo đài không phải biệt lập để ngăn sông, cấm chợ”

“Pháo đài chống dịch không phải là biệt lập để ngăn sông, cấm chợ, ngăn lưu thông hàng hóa, dịch chuyển lao động. Nếu không làm tốt thì mỗi nơi một kiểu, gây ách tắc cho doanh nghiệp lưu thông, đứt gãy chuỗi cung ứng" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Sáng 11/10/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổ đại biểu Quốc hội TPHCM (đơn vị số 10) dự Hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi trước Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV được tổ chức trực tuyến tới các điểm cầu trong huyện.
Bên cạnh Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tổ đại biểu đơn vị số 10 (huyện Hóc Môn - Củ Chi) còn có bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; thiếu tướng Phan Văn Xựng, Thành ủy viên, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự TP, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM.
Đây là buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi trực tiếp đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và tổ đại biểu Quốc hội sau khi được bầu làm đại biểu Quốc hội.
Chu tich nuoc Nguyen Xuan Phuc: “Phao dai khong phai biet lap de ngan song, cam cho”
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: TTXVN
Pháo đài chống dịch không phải là biệt lập để ngăn sông, cấm chợ
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương những kết quả quan trọng trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế, xã hội của huyện Củ Chi.
Chủ tịch nước đánh giá đây là cố gắng rất lớn, trong đó có ý thức trách nhiệm của người dân và sự đoàn, kết đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền huyện. Đồng thời nhấn mạnh, sự điều chuyển chiến lược từ Zero COVID-19 sang thích ứng an toàn với dịch bệnh là phù hợp.
Nhấn mạnh đây là điều đáng mừng, Chủ tịch nước yêu cầu huyện Củ Chi cần phối hợp chặt chẽ với địa phương xung quanh để đảm bảo an toàn trong cả y tế và phát triển, sản xuất.
“Hiện TPHCM có tỷ lệ tiêm chủng cao nên cần đẩy mạnh mục tiêu kép, vừa chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, không để thành phố rơi vào khủng hoảng sâu về kinh tế, việc làm. Nhắc kinh nghiệm của thế giới và Việt Nam đều cho thấy thích ứng an toàn với COVID-19 vẫn là vắc xin và 5K mà trước hết là đeo khẩu trang và 5K. Trong năm 2022, có thể phải tiêm mũi tăng cường bởi nếu kháng thể suy giảm thì nguy cơ dịch trở lại sẽ rất cao”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói và đề nghị cử tri đề cao cảnh giác, không được chủ quan, Khi có vắc xin về huyện, người dân cần đi tiêm ngay để cơ bản phủ vắc xin.
Về tiêm vắc xin cho trẻ em, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh an toàn cho trẻ em đến trường là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hiện Bộ Y tế đã có khuyến cáo tiêm vắc xin cho trẻ em, dự kiến cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021 bắt đầu tiêm.
Chủ tịch nước cho biết Pfizer đã cam kết cung ứng 20 triệu liều vắc xin cho Việt Nam để tiêm cho trẻ em. Đây là kết quả từ chuyến làm việc của đoàn công tác Chủ tịch nước tại Mỹ và Cuba vào tháng 9 vừa qua. Nếu vắc xin về sớm, cuối tháng 10 có thể tiêm vắc xin cho trẻ, đẩy quá trình để trẻ em sớm được đến trường.
Nêu ý kiến về việc một số địa phương đưa ra các quy định kiểm soát giao thông trái với quy định trung ương, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại và phân tích khái niệm "pháo đài chống dịch".
“Pháo đài chống dịch không phải là biệt lập để ngăn sông, cấm chợ, ngăn lưu thông hàng hóa, dịch chuyển lao động. Nếu không làm tốt thì mỗi nơi một kiểu, gây ách tắc cho doanh nghiệp lưu thông, đứt gãy chuỗi cung ứng", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch nước, báo chí những ngày gần đây nói rất nhiều việc chúng ta cắt khúc địa phương này, địa phương khác. “Nhân đây tôi nói lại chuyện pháo đài này để mọi tỉnh, mọi huyện, mọi xã, mọi cơ sở hiểu được chuyện này, không để tình trạng ngăn sông cấm chợ xảy ra” - Chủ tịch nước nói.
Người đứng đầu Nhà nước đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phải nhận thức rõ điều này và không để xảy ra trên địa bàn quản lý.
Cử tri kiến nghị tiếp tục tổ chức đưa đón công nhân có nguyện vọng về quê
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã góp ý về công tác phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế cũng như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị tác động của dịch COVID-19.
Cử tri Lê Minh Sương (trú tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi) kiến nghị các Đại biểu Quốc hội có ý kiến với Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức đưa đón, tổ chức cho công nhân có nguyện vọng về quê một cách chu đáo, đảm bảo an toàn cho công nhân và đảm bảo an ninh trật tự, tạo sự an tâm cho người lao động tạm về quê, sau đó quay lại TPHCM làm việc.
Cử tri Lê Thị Ánh Tuyết nêu hàng loạt băn khoăn trong hướng dẫn thủ tục thực hiện các gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp.
Cụ thể, theo cử tri Tuyết phản ánh, quá trình triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Song, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn và cơ sở pháp lý để giải quyết.
Dẫn số liệu huyện Củ Chi có số lượng người lao động bị ảnh hưởng dự kiến hơn 40.000 người với kinh phí dự kiến hỗ trợ hơn 150 tỷ đồng. Đây là những người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Tuy nhiên, để được hưởng thì tại khoản 1, Điều 13 Quyết định số 23 có quy định các cơ sở “… phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19”.
Cử tri băn khoăn, văn bản của cơ quan chức năng cấp nào yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động thì phù hợp với quy định trên. Trường hợp doanh nghiệp chỉ dừng một hoặc một số bộ phận/lĩnh vực hoạt động (các bộ phận/lĩnh vực khác vẫn hoạt động bình thường), có được hỗ trợ theo chính sách tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hay không, hay bắt buộc doanh nghiệp phải tạm dừng toàn bộ hoạt động?
Dẫn Quyết định số 23: “Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục gửi hồ sơ theo Điều 15 Quyết định này đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính ...”, bà Tuyết cho biết, theo quy định, doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn TPHCM, nhưng có nhiều chi nhánh đặt ở các tỉnh khác thì doanh nghiệp có trách nhiệm gửi hồ sơ bao gồm của tất cả các chi nhánh đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính để được hỗ trợ.
Đồng thời đặt câu hỏi: “Nếu thực hiện theo cách thức nêu trên, UBND huyện căn cứ văn bản nào của các tỉnh, thành phố khác để làm căn cứ “phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19”? và kiến nghị có hướng dẫn cụ thể về căn cứ, hồ sơ để giải quyết hỗ trợ cho người lao động kịp thời.

>>> Mời độc giả xem thêm video Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin phòng COVID-19:

Nguồn: VTV 4

Hải Phòng dừng tiếp nhận hàng hóa từ Hải Dương: Tránh “ngăn sông cấm chợ”

Hải Dương và Hải Phòng cần phải có những thông tin kịp thời, cần có sự phối hợp trong phòng chống dịch COVID-19 sao cho đảm bảo hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra đối với người dân và doanh nghiệp.

Chiều 16/2, kết luận tại buổi làm việc với 5 huyện giáp ranh với tỉnh Hải Dương về công tác phòng chống dịch, bệnh COVID-19, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu dừng tiếp nhận tất cả công dân và hàng hóa từ tỉnh Hải Dương về Hải Phòng.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái có công văn gửi Bộ Công Thương, UBND TP Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND các tỉnh, thành phố có cửa khẩu.

Dịch COVID-19: Hải Phòng không “ngăn sông cấm chợ”

Theo lãnh đạo TP Hải Phòng, việc dừng tiếp nhận tất cả công dân, hàng hóa từ Hải Dương là để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Không có chuyện Hải Phòng “ngăn sông, cấm chợ” như một số ý kiến phản ánh.

Liên quan đến việc, Hải Phòng dừng tiếp nhận tất cả hàng hóa từ tỉnh Hải Dương, nhiều ý kiến cho rằng Hải Phòng “ngăn sông, cấm chợ”.

Tin mới