Chủ tịch Phan Xuân Dũng: Nhiều góp ý giá trị của nhà khoa học cho Luật Dược
Chủ tịch Phan Xuân Dũng cho hay, các nhà khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam đã góp nhiều ý kiến giá trị về việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Mai Loan (thực hiện)
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Ngay sau đó, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) cũng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về việc sửa đổi Luật. PV Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc phỏng vấn hành lang với Đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam về vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV về Luật Dược (sửa đổi). Ảnh: Mai Loan.
Việc sửa luật xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn
Mới đây, Quốc hội đã thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Ông đánh giá thế nào về việc cần thiết phải sửa đổi Luật này, thưa đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng?
Luật Dược được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 06/4/2016, thay thế cho Luật Dược năm 2005, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược tại Việt Nam. Trải qua 8 năm thực thi Luật, Luật cơ bản phù hợp với sự phát triển của ngành Dược trong xu thế hội nhập quốc tế và có những đóng góp quan trọng trong phát triển ngành Dược nước ta trong gần 10 năm qua.
Luật Dược 2016 đã điều chỉnh các vấn đề liên quan đến lĩnh vực dược như: Chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; hành nghề dược; kinh doanh dược; về quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược; đã góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, cơ bản đã được đảm bảo cung ứng đủ thuốc có chất lượng với giá cả hợp lý, ngành công nghiệp dược trong nước. Sau hơn 08 năm triển khai thi hành Luật, thông qua các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về dược đã được ban hành, ngành dược Việt Nam đã góp phần vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, từ đó đặt ra vấn đề phải sửa luật.
Những bất cập, hạn chế đó là gì, thưa ông?
Tờ trình của Chính phủ đã chỉ ra rất rõ đó là: Một số quy định liên quan về đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa phù hợp chủ trương cải cách hành chính. Một số quy định về quản lý chất lượng thuốc chưa phù hợp chủ trương phân cấp quản lý;
Một số quy định về quản lý giá thuốc chưa phù hợp thực tiễn cũng như pháp luật về giá mới được ban hành; Một số quy định về kinh doanh, loại hình kinh doanh dược cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển và xu thế hội nhập;
Một số quy định liên quan đến thông tin, quảng cáo thuốc tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, chưa phù hợp với chủ trương cải cách hành chính; Một số quy định về đăng ký, sản xuất, xuất, nhập khẩu và cung ứng thuốc không phù hợp hoặc chưa được quy định để thực hiện trong trường hợp khẩn cấp đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh, an ninh, quốc phòng.
Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; phủ hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, đặc biệt là vị thế tiềm lực của một đất nước hơn 100 triệu dân, có quy mô kinh tế đứng thứ 35 thế giới thì việc khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là cần thiết, cấp thiết.
Trước yêu cầu đó, Quốc hội khóa XV đã đưa vào Chương trình xây dựng Luật, trong đó có việc sửa đổi Luật Dược.
Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 05 chính sách đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 để cho ý kiến, và tại Kỳ họp Quốc hội thứ 8 này, Quốc hội sẽ tiếp tục hoàn thiện, thảo luận và thông qua.
Ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học rất tâm huyết, có giá trị.
Được biết, Liên hiệp Hội Việt Nam vừa phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Hội Dược học Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Các chuyên gia đã góp ý về những vấn đề gì, thưa ông?
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng tại Hội thảo Góp ý sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược. Ảnh: Mai Loan.
Tại Hội thảo, ý kiến các chuyên gia đã tập trung vào nhiều nhóm quy định, chính sách. Đó là việc cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của người dân; cung ứng đủ, kịp thời thuốc đáp ứng yêu cầu an ninh, quốc phòng, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới.
Nâng cao hiệu quả quản lý xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thông lệ quốc tế.
Phát triển công nghiệp dược, ưu tiên nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất thuốc theo công nghệ cao; phát triển thuốc, nguyên liệu thuốc, dược liệu từ nguồn dược liệu sẵn có trong nước.
Cùng với đó là hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực Dược. Ảnh: Mai Loan.
Những góp ý này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
Các ý kiến của các chuyên gia nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn phòng, chống đại dịch (nhất là đại dịch Covid-19 vừa qua) và các vấn đề cấp bách cần tháo gỡ ngay để bảo đảm cung ứng đủ thuốc khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân; đổi mới mạnh mẽ quy trình, thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm tối đa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng thuốc; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường trách nhiệm các cấp, các ngành.
Liên hiệp Hội Việt Nam có những chuyên gia đã từng làm việc trong ngành Dược từ rất lâu. Có những người đã từng là Thứ trưởng, Cục trưởng, là những chuyên gia lớn, họ đã nghiên cứu suốt cả cuộc đời của lĩnh vực Dược. Những ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học rất tâm huyết, có giá trị. Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tập hợp, báo cáo để gửi đến Quốc hội nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Trân trọng cảm ơn đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng!
Ngày 27/9/2024, Chính phủ đã có Báo cáo số 529 về việc tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ 7 về dự thảo luật Dược cùng với một số tài liệu bổ sung. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, đến nay dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 3 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi 50 điều, bãi bỏ 2 điểm, 1 khoản và 1 điều của Luật hiện hành và bổ sung 3 điều mới. Phần lớn các nội dung của dự thảo Luật sau chỉnh lý đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các cơ quan. UBTVQH đã có Báo cáo số 982 dài 70 trang trình Quốc hội phản ánh đầy đủ các nội dung tiếp thu, giải trình theo từng nhóm vấn đề”.
Mời quý độc giả xem video Đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam trao đổi bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 8 về Dự án Luật Dược (sửa đổi):
Trí thức KHCN góp ý kiến gửi Kỳ họp thứ 8, QH khóa XV
Sáng 17/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Một số ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho hay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có Công văn số 8830/MTTW-BTT ngày 26/8/2024 về việc báo cáo phản ánh, kiến nghị của Nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV gửi Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Sáng nay (21/10), khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Hôm nay, ngày 21/10/2024, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV được khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Ngày 21/10/2024, thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV sẽ khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.