Ngày 17/11, kết luận hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đầu nhiệm kỳ, công tác giám sát được xác định là nội dung trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. |
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hoạt động giám sát 2023 có nhiều điểm sáng. Trong giám sát chuyên đề, thay vì chọn những vấn đề mang tính chất "hậu kiểm" thì từ đầu nhiệm kỳ XV tới nay đã lựa chọn những vấn đề đang trong quá trình thực hiện, như công tác quy hoạch hay 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay: "Ban đầu có ý kiến cho rằng mới làm vài năm thì giám sát làm gì. Nhưng với quy hoạch, nhờ giám sát mà Quốc hội ban hành được nghị quyết tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng, xử lý khoảng trống pháp lý. Không có giám sát thì không biết giờ công tác quy hoạch thế nào và đến đâu".
Bên cạnh đó, "giám sát lại", tức giám sát vấn đề sau giám sát được quan tâm hơn, với mục đích đi đến cùng. "Đã làm và sẽ làm tiếp. Không phải ban hành nghị quyết là xong. Giám sát phải có hiệu lực. Tốt phải được biểu dương, nhưng sai phạm phải xem xét xử lý; vấn đề có khuyết điểm thì phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Không thể nói chung chung được", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động tái giám sát được quan tâm nhiều hơn, theo đến cùng các vấn đề. Ngoài việc yêu cầu tổ chức cá nhân thực hiện nghiêm nghị quyết giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc còn gửi báo cáo giám sát đến cơ quan chức năng. Đồng thời Đảng đoàn Quốc hội đã chắt lọc những nội dung, nhất là những kiến nghị về vấn đề giám sát để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan trong khối nội chính.
Đặc biệt, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt, không chỉ đại biểu Quốc hội mà còn của đông đảo cử tri và nhân dân đánh giá. Từ đầu nhiệm kỳ đã tổ chức một cách đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước để tiến hành cẩn trọng, chu đáo, kỹ lưỡng, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh trong giám sát. "Giám sát xuống dưới đơn vị thì phát biểu hùng hồn lắm, rất đâu vào đấy nhưng về đến nơi thì chả thấy, không biết là nó đi đâu hết. Cái này không phải phổ biến nhưng cũng không phải là ít", Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh, nếu có kiến nghị gì cũng chỉ để cho tốt hơn và cần cá thể hóa trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan có liên quan. Nhấn mạnh bối cảnh của năm 2024 là năm chuẩn bị cho đại hội các cấp, tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, do đó công tác phối hợp phải hết sức cân nhắc để vừa đạt được yêu cầu mục tiêu giám sát, vừa đỡ ảnh hưởng đến địa phương, cơ sở.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định tầm quan trọng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông nói, “qua các hoạt động giám sát đã phát hiện chấn chỉnh và có biện pháp kiến nghị xử lý những thiếu sót, hạn chế, vi phạm và hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước”. Lãnh đạo Chính phủ cho biết, trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan chuẩn bị đầy đủ, kịp thời nội dung báo cáo theo đề cương yêu cầu của các Đoàn giám sát của Quốc hội.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thực hiện đầy đủ nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát. Các báo cáo thực hiện của Chính phủ được đoàn giám sát ghi nhận, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, theo Phó Thủ tướng. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận, có lúc, tiến độ báo cáo của bộ, ngành, địa phương không đáp ứng được yêu cầu của Đoàn giám sát. Bên cạnh lý do chủ quan, có nguyên nhân là do một số vấn đề đoàn giám sát yêu cầu trong thời gian khá ngắn, trong khi các bộ, ngành, địa phương cần thời gian để rà soát.
Ngoài ra, một số nội dung yêu cầu trong báo cáo giám sát có lúc chưa cụ thể về phạm vi, không gian, thời gian, địa điểm dẫn đến báo cáo gặp khó khăn, lúng túng, khó xác định rõ người, rõ việc trong quá trình thực hiện. Phó Thủ tướng nhận định các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội có phạm vi rộng. Để đạt được hiệu quả cao thì cần định hướng gọn hơn về phạm vi, có trọng tâm, trọng điểm hơn.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm các kế hoạch, chương trình, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề trong năm 2024; đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong phần trách nhiệm của mình để việc giám sát ngày càng tốt hơn”, ông Trần Lưu Quang phát biểu.
>>> Xem thêm video: PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trao đổi bên hành lang Quốc hội, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về phim Đất rừng phương Nam