Bà con nông dân làm ruộng trên chính những cánh đồng cây thuốc phiện ở xã Mường É năm xưa. (Ảnh: K.T) |
“Ở thập kỷ 90, tôi là một trưởng công an xã năng động, có nhiều thành tích, được đi báo cáo điển hình toàn quốc. Nhưng chính lúc ấy, tôi đã thành một con nghiện nặng” – ông Khổ thật thà kể.
Ngày ấy Mường É là một vùng có diện tích canh tác cây thuốc phiện rất lớn và tất nhiên là số người nghiện hút thuốc phiện cũng... nhiều như cây thuốc phiện.
“Hút thuốc phiện ở vùng cao ngày xưa không đơn giản chỉ là thói quen, vì sẵn có mà đó còn là sự khẳng định đẳng cấp. Nhiều dòng họ đã quy định chỉ có người làm cán bộ, làm quan chức hoặc ít nhất thì cũng phải có cháu, chắt, tức là đã có lao động thay thế trong nhà thì mới được hút thuốc phiện” – ông Khổ kể lại.
Chuyện ông Khổ mắc nghiện thuốc phiện thì ở Mường É ngày ấy ai cũng biết, nhưng ngày ấy chuyện hút thuốc phiện của ông nó chỉ đơn giản như “chuyện thường ngày ở huyện”. Với lại, ai cũng biết ông Khổ là người năng động, là cán bộ sống vì dân, bởi thế ngay sau khi ông Khổ thôi giữ chức trưởng công an xã, ông đã được bầu làm Chủ tịch UBND xã với số phiếu tín nhiệm tuyệt đối.
Trên chính những cánh đồng cây thuốc phiện ở xã Mường É năm xưa, giờ là những ruộng lúa, nương ngô xanh tốt. (Ảnh: K.T) |
“Quyết định đầu tiên sau khi nhận chức chủ tịch xã là tôi xin thôi giữ chức chủ tịch xã để đi cai nghiện ma túy. Ngày ấy, cai nghiện khó khăn lắm và cũng ít người tự giác cai nghiện. Nhưng tôi tự thấy, nếu mình không cai nghiện được thì không chỉ mình chết mà hàng ngàn cư dân Mường É này sẽ là nạn nhân của ma túy, đói nghèo và lạc hậu. Vì thế, không ít người bảo tôi “hâm”, “điên”… nhưng tôi vẫn cương quyết trả chức và tự đi cai nghiện.
Cai nghiện thành công thì mất tới hơn 2 năm. Khi ông Khổ trở về thì uy tín càng tăng lên và ông tiếp tục nhận lại chức Chủ tịch UBND xã Mường É.
Nhiều người đánh giá, mấy năm làm Chủ tịch xã, việc ông làm được thành công nhất là chuyển hướng sản xuất - xóa bỏ cây thuốc phiện. Nói thì đơn giản, nhưng không dễ chút nào vì khi ấy hầu như nhà ai cũng có người nghiện ma túy, thuốc phiện; ngay cả trong cán bộ xã cũng mắc nghiện rất nhiều; mà đã nghiện hút thì tái trồng cây thuốc phiện là đương nhiên.
"Bởi thế đối đầu với ma túy là đối đầu với đồng chí, với anh em ruột thịt, họ hàng… Nhưng tôi vẫn quyết tâm, vừa làm vừa giải thích và tôi đã có những thành công không nhỏ. Bây giờ ở Mường É không còn ai tái trồng cây thuốc phiện nữa và tất nhiên là người nghiện hút thuốc phiện cũng không còn” – ông Khổ tươi cười bảo vậy.