|
Một cây hồng cổ Sa Pa thuộc dạng "khủng", nở hoa rực rỡ trong vườn của Thiên Trang. Ảnh: T.L |
Điển hình như hồng bạch Văn Khôi, hồng cổ Sa Pa, hồng bạch cổ, hồng đào cổ, hồng điều cổ, hồng cổ Sơn La. Trong vườn còn có một số giống hồng cổ gần như bị tuyệt chủng khác như hồng Ngọc Lộ, hồng Son Môi...
Cận cảnh một bông hồng cổ Sa Pa có kích thước to gần bằng bát ăn cơm, tỏa hương thơm nức trong vườn của Phạm Thiên Trang. Ảnh: Minh Huệ |
Khu vườn của nữ chủ nhân 9X này đang có vô vàn gốc hồng cổ rất giá trị, tỏa hương thơm ngát cả một vùng. Mục sở thị một cây hồng Văn Khôi khoảng 35 năm tuổi, gốc to gần bằng cổ tay và mọc rêu xanh rì, tán lớn đang nở hoa rực rỡ, Thiên Trang cho biết giá bán những cây hồng như vậy dao động từ 30 - 50 triệu đồng.
Thậm chí, những cây hồng cổ có thân khủng, tán đều và dáng thế độc đắc, sai hoa giá bán có thể lên tới 80-100 triệu đồng/cây. Trang cũng cho biết, xu hướng của giới nhà giàu bây giờ là phải chơi hồng cổ, hoặc hồng ngoại khủng. Chính vì thế, ngoài việc bán cây giống cỡ nhỏ, giá từ 150.000 - 500.000 đồng/cây, Trang hiện đang nhận thiết kế vườn cho rất nhiều biệt thự, nhà hàng, nhà vườn trên khắp cả nước.
Giống hồng leo Red Eden xuất xứ từ Pháp đẹp mê mẩn. Ảnh: Trang Pansy |
Nữ chủ nhân vườn hồng xinh đẹp cho biết, các giống hồng cổ của Việt Nam không quá sặc sỡ, phô trương như hồng ngoại, nhưng giống nào cũng mang một vẻ đẹp thuần khiết, chân chất, đặc biệt là có sức sống mãnh liệt, có thể ra nụ đơm bông bất kể thời tiết khắc nghiệt đến đâu.
Cận cảnh một bông hồng The Wedgwood có xuất xứ từ nước Anh. Ảnh: Minh Huệ |
Tuy nhiên, muốn có một vườn hồng luôn nở bông đẹp và quanh năm ngát hương, người trồng cũng phải thật sự am hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc, đặc biệt là cách phòng trị một số bệnh thường gặp.
Điển hình như bệnh phấn trắng, các loại hồng dễ bị nhất là hồng đào, hồng bạch xếp, bạch ho, đặc biệt là hồng cổ Văn Khôi. Triệu chứng bệnh có dạng bột màu trắng xám, hình thái không nhất định. Bệnh thường hại trên ngọn non, chồi non, lá non, bệnh hại ở cả 2 mặt lá. Bệnh nặng hại cả thân, cành, nụ và hoa, làm biến dạng lá, thân khô, nụ ít, hoa không nở, cây còi cọc, xơ xác, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh trưởng, phát triển của cây.
Bệnh phấn trắng thường gây hại trên nhiều loại hoa hồng. Ảnh: I.T |
Để trị bệnh, Trang cho biết người trồng có thể dùng Microthiol Special 80WG phun cho hoa từ 3-4 lần, mỗi lần cách nhau 3-4 ngày. Trước khi phun cần bấm tỉa cành bệnh, cành khô, cành chết, lá vàng, lá bệnh, lá hỏng, cành non để chuẩn bị cho đợt phát mầm mới. Dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ chậu và khu vực để cây hoặc khu vực hạ thổ (cỏ,…).
"Việc tưới đủ nước, đảm bảo cây có đủ ánh sáng và thực hiện bấm tỉa, dọn vườn thường xuyên cực kỳ quan trọng - đây cũng là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Khi phun thuốc trừ bệnh, bà con nên phun vào sáng sớm hoặc chiều mát. Phun kỹ mặt trên và mặt dưới lá, mầm ngọn, nụ, hoa cũng như cả chậu cây" - Trang cho hay.
Ngoài ra, hoa hồng còn dễ bị nhiễm các bệnh như đốm đen, rỉ sắt, thán thư... Đây đều là các loại bệnh khó trị, do vi khuẩn hoặc nấm gây nên. Cũng như bệnh phấn trắng, để phòng trừ các bệnh này, bà con nên thường xuyên vệ sinh chậu hồng, cắt tỉa các cành lá bị vàng úa, tránh để đọng nước lại trên lá, nên tưới vào buổi sáng nắng.
Khi cây đã nhiễm bệnh, cần cắt tỉa hết cành lá có vết bệnh, phun một trong các loại thuốc như Anvil, Benomyl, Topsin M, Folpet, Maneb, Kasuran, Derosal, Ridomil... định kỳ 1 tuần/lần.