Vẫn đội nón
“Kể từ khi nhà chùa có đơn kêu cứu hồi tháng 5, BQL dự án của quận Ba Đình cử người xuống đảo ngói tạm thời 3, 4 lần. Công nhận lần đầu mới dọi lại ngói, hết dột, nhưng đó là mưa nhỏ. Mấy trận mưa gần đây khá lớn, dột vẫn hoàn dột”, Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì nói.
Tháng 9 tới sẽ trùng tu chùa Một Cột sau 3 năm chờ đợi dự án được phê duyệt. Ảnh: T.Toan. |
Trong cuộc họp 19/7 tại Sở VHTT&DL Hà Nội, Phó Giám đốc Trương Minh Tiến cho biết, Sở giao quận Ba Đình có phương án chống dột triệt để. Tuy nhiên sáng 23/7, theo quan sát của phóng viên, mái ngói nhà Mẫu- nhà Tổ vẫn bị dột, nước ướt ban thờ Phật, thấm cả xuống đất.
“Bây giờ tượng Phật không mặc áo mưa nữa, nhưng thi thoảng vẫn đội nón”, sư Thích Tâm Kiên khẳng định. Nhà chùa cho biết, ngói lợp chùa có tuổi thọ hơn 20 năm, khá giòn. Quá trình đảo ngói không hề đưa ngói mới vào, chỉ lấy chỗ nọ bù chỗ kia nên không thể hết dột được. Trong khi chờ hạ giải để trùng tu, BQL dự án vẫn theo đuổi phương án dột tới đâu, dọi ngói tới đó.
Còn hiện tượng ngập? “Ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận nói, sau khi cải tạo giai đoạn 1, chùa sẽ hết ngập. Thực tế, sau những trận mưa lớn gần đây, sân chùa vẫn ngập nặng. Dù UBND phường Đội Cấn và nhà chùa bỏ ra 22 triệu đồng, ký hợp đồng với bên thoát nước để nạo vét cống xung quanh chùa Một Cột. Hôm ngập nặng nhất - 16/5 âm lịch, chúng tôi có gọi điện cho lãnh đạo phường Đội Cấn, quận Ba Đình xuống”, sư trụ trì nói.
Chùa nằm ở vị trí lòng chảo, trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt. Do nền chùa thấp hơn nhiều so với Lăng Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh, nên mỗi trận mưa lớn, kéo dài đường cống thoát nước chảy ngược, gây ngập úng và đưa rác thải vào chùa.
Tháng 9 sẽ trùng tu
Sáng 23/7, Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết, sau cuộc họp bàn về phương án tu bổ chùa Diên Hựu - Một Cột, nhà chùa mới chỉ nhận được thông báo kết quả cuộc làm việc hôm 15/5 từ UBND quận Ba Đình. Nhà chùa chủ động liên hệ với phường thì được biết, UBND Thành phố Hà Nội, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL) có hồi âm về tờ trình của UBND quận Ba Đình, về phương án tu bổ chùa.
Đến chiều 23/7, sư trụ trì thông báo, nhà chùa vừa có cuộc trao đổi với ông Vũ Kim Khánh, Phó Giám đốc BQL Dự án quận Ba Đình. Theo đó, quận đang chuẩn bị xây sửa chùa vào tháng 9 này, dự kiến hoàn thành Quý 1 năm 2014.
“Quận chuẩn bị phương án trùng tu chùa Diên Hựu theo hướng hạ giải từng phần, xây nhà Tổ, nhà Tăng riêng ra. Như thế cũng tốt cho nhà chùa, tiện sinh hoạt”, sư trụ trì nói. Lâu nay, khi nhà Tổ bị dỡ bỏ, nhà chùa phải dời nơi thờ tự vào thờ chung với nhà Mẫu - rất hiếm thấy ở các ngôi chùa. Nơi tiếp khách cũng được đặt chung trong không gian này, chỉ xoay quanh bộ bàn ghế nhỏ, không thuận tiện cho khách vào lễ Phật.
“Theo phương án ban đầu, nguồn kinh phí từ nguồn ODA. Tuy nhiên, đại diện BQL dự án quận cho biết, kinh phí tu bổ chùa có thể sẽ xã hội hóa một nửa. Sau khi có quyết định chính thức, quận sẽ đứng ra thành lập Ban vận động quyên góp công đức để tu bổ chùa. Đợt tu bổ, tôn tạo chùa Một Cột - Diên Hựu lần này dự kiến hết khoảng 32 tỷ đồng.
Sở VHTT&DL Hà Nội hôm 15/7 có công văn gửi UBND quận Ba Đình, về việc thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Một Cột - Diên Hựu. Phó Giám đốc Sở Trương Minh Tiến đề nghị UBND quận chỉ đạo đơn vị lập Dự án bổ sung điều chỉnh chi tiết theo yêu cầu của Bộ VHTT&DL, cụ thể:
Tu bổ nguyên trạng hệ thống bậc cấp xây gạch của chùa Một Cột, không ốp mới bằng vật liệu đá xanh. Kiểm tra phần mái phụ tại vị trí trục 1/C-D của Nhà Mẫu - Nhà Tổ, trường hợp được xây dựng gần đây cần xem xét di dời để trả lại phần tường hồi xây bít đốc cho công trình. Bổ sung phương án đèn chiếu sáng sân vườn di tích theo nguyên tắc sử dụng đèn pha đặt tại các góc khuất để chiếu sáng. Am hóa vàng thiết kế một tầng mái, thấp hơn 3m.