Quan chức chỉ giàu nhờ tham nhũng?
Theo ông thì ở Việt Nam, quan chức có dễ giàu?
Khó đấy. Vì với một đồng lương rất ít ỏi như thế, nhiều lúc chưa đủ ăn, thậm chí có người chỉ trang trải được hai phần ba chi tiêu của một tháng mà tự nhiên giàu lên thì chắc chắn là có dấu hiệu tham nhũng rồi.
Như vậy có nghĩa là ở Việt Nam, quan chức chỉ giàu được là nhờ tham nhũng; còn trong sạch, thanh liêm thì mới nghèo?
Nói thế thì không hoàn toàn chính xác. Bởi cũng có người giàu bằng sức lực, mồ hôi, trí tuệ của họ đấy chứ. Song việc người ta quan niệm như thế cũng có cái lý của nó như tôi vừa nói. Phải phân biệt được sự giàu có của quan chức chứ không thể vơ đũa cả nắm, oan cho người ta. Nhìn chung, quan chức ở Việt Nam mà giàu lên đột xuất thì chắc chắn là tham nhũng!
Dù ông có cho rằng quan chức ở Việt Nam khó giàu bởi lương ít ỏi, thế nhưng số quan chức giàu kiểu có nhiều nhà, nhiều đất, có tiền cho con cái đi du học... không phải là ít?
Đúng. Vậy nên, cái cần làm là phải xác minh được nguồn gốc tài sản của họ. Nếu họ giàu thật thì biểu dương và ngược lại.
GS.TS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lập pháp. |
“Lạy ông tôi ở bụi này”
Với cá nhân ông, ông có ủng hộ quan chức làm giàu?
Tôi cho rằng việc quan chức giàu có là điều đáng khuyến khích, phải lấy làm mừng chứ. Vì dân giàu thì nước mới mạnh. Thế nhưng, sự giàu có của quan chức thì phải phân loại ra xem sự giàu có ấy từ đâu ra, có phải là trên mồ hôi công sức của nhân dân do tham nhũng mà có không, hay là do họ có sự giúp đỡ từ gia đình, người thân, họ hàng hoặc bằng chính tài năng của họ.
Làm sao có thể phân biệt được sự giàu có của quan chức, thưa ông?
Việc này có khó gì đâu. Chính cơ quan chủ quản phải tiến hành kê khai, điều tra, xác minh. Cứ dựa vào lời khai của họ là tìm ra được ngay thôi, vấn đề là người ta có chịu làm nghiêm túc không.
Theo ông thì điều gì chi phối việc người ta có chịu làm nghiêm túc hay không?
Có nhiều nguyên nhân lắm. Thứ nhất là do nhận thức rằng ông cán bộ đó về hưu rồi thì thôi, bới móc ra làm gì lại ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người ta. Vả lại, có làm cho ra ngô ra khoai thì có khi cũng chẳng ích gì, vì người ta “về vườn” rồi. Thứ hai, theo tôi cũng có một phần nguyên nhân từ luật pháp khi thiếu những quy định cụ thể với người đã về hưu mà có tài sản lớn thì làm rõ vấn đề ra sao, xử lý thế nào, thành ra không có cơ quan nào chịu trách nhiệm rồi đùn đẩy nhau. Đó là khe hở cần sớm được khắc phục. Tất nhiên, cũng không loại trừ cả trường hợp những người làm công tác điều tra, xác minh cũng có tham nhũng nên mới không dám làm căng, vì chả khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”.
Dân không phản đối nếu...
Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thị xã Hội An (Quảng Nam) từng trả lời báo chí rằng: “Khi nói bản thân một quan chức không giàu có, nhiều người sẽ không tin, coi đó là chuyện bất thường”. Rõ ràng, quan chức bây giờ không giàu thì... không là quan chức?
Không thể kết luận như thế được. Nhưng đúng là với nhiều người, chức vụ là bệ đỡ để họ có cơ hội trở nên giàu có.
Thông thường, trước mỗi thông tin quan chức nào đó (kể cả đã về hưu) mà có tài sản lớn như biệt thự, có nhiều nhà, trong nhà có nhiều ô tô... sẽ nhận được những phản hồi tiêu cực, mang tính hồ nghi trong nhân dân. Dường như, thật khó để dân mình chấp nhận quan chức giàu có?
Không phải. Nếu quan chức giàu có chính đáng, có những nguồn gốc tài sản hợp pháp thì tôi chắc chắn rằng người dân không những không phản đối mà còn ủng hộ nữa. Đằng này, khi mà thông tin về những tài sản của quan chức còn tù mù thì người dân thắc mắc, hồ nghi là điều đương nhiên.
Theo ông thì làm sao để sự giàu có của quan chức bớt đi hồ nghi trong nhân dân?
Có nhiều cách lắm. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng đã nói nhiều rồi. Nhưng theo tôi, phải có “bàn tay sắt”, tức là phải mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, phải dân chủ hóa hơn nữa, minh bạch hóa hơn nữa hoạt động của các cơ quan nhà nước và cán bộ, kể cả việc họ đi công tác nước ngoài thế nào, chi bao nhiêu tiền cho chuyến đi... như nhiều nước đang làm. Chứ giờ cứ tù mù thì không ai hiểu gì cả, người ta hồ nghi cũng là chuyện bình thường.
Khôn ngoan đã về phố...
Có người bảo, việc những quan chức bị phát giác có nhiều tài sản lớn cũng chỉ là phần nổi của tảng băng, là do họ dại mà không biết giấu mình như những người khác?
Đúng đấy. Nếu như ông cán bộ nọ mua biệt thự ở trung tâm TPHCM mà xem, sẽ rất khó bị phát hiện. Đằng này, giữa vùng nông thôn nhà tranh lúp xúp mọc lên biệt thự nguy nga thì bị phát giác là đương nhiên. Khôn ngoan thì họ đã về thành phố rồi.
Khi đó, họ vẫn mang tiếng là quan thanh liêm?
Chứ sao nữa.
Ông đang vẽ đường cho hươu chạy?
Đâu cần đến lượt tôi mới nói thế. Người ta biết cả đấy. Họ cũng nói nhan nhản ra.
Nhưng chẳng gì qua được tai mắt nhân dân!
Đúng. Song vì cơ quan có thẩm quyền không điều tra, xác minh thì họ vẫn chẳng sao cả, rồi để lâu cũng nguội đi thôi.
Chúng ta cứ chịu để quan chức đánh lừa như thế mãi ư?
Vậy nên, căn bản nhất bây giờ là phải công khai, minh bạch, dân chủ hơn nữa. Đó là giá trị của nhân loại rồi.
Nhưng để có được giá trị ấy thì cần có sự trả giá, buộc người ta phải hy sinh đi nhiều thứ?
Đúng. Có khi công khai, minh bạch, dân chủ hóa hơn nữa thì nhiều người sẽ bị lộ. Nhưng đó là điều cần thiết và cần phải làm.
Trân trọng cảm ơn ông! Kính chúc ông sức khoẻ.
“Tôi thấy rất buồn khi gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng phát giác nhiều vụ việc cụ thể mà không thấy một người nào có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước lên tiếng, cứ để ai hiểu thế nào thì hiểu. Đáng ra, trước những thông tin như thế thì người/cơ quan có trách nhiệm cần phải lên tiếng để định hướng dư luận xã hội, để người dân có nhận thức đúng chứ không thể ỉm đi, làm ngơ sẽ càng làm người dân ngày càng mất lòng tin”.