Khuyến nghị mua VPB với giá mục tiêu 30.000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Ngày 11/11/2022, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) thông báo đã ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn từ các định chế tài chính quốc tế trị giá 500 triệu USD, trong đó 400 triệu USD có kỳ hạn 3 năm và 100 triệu USD kỳ hạn 5 năm.
Các định chế tài chính cho vay bao gồm Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities - thành viên của Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Maybank.
VPB sẽ sử dụng các khoản vay này để tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp do phụ nữ sở hữu và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vệ sinh, giao thông vận tải và xây dựng nhà ở xã hội.
Ngân hàng cho biết lãi suất của các khoản vay này dựa trên SOFR cộng với biên độ lãi suất; ngoài ra, chi phí vốn cũng ưu đãi hơn so với huy động trong nước. Đây là lần thứ 2 VPB huy động thành công khoản vay hợp vốn quốc tế trong năm 2022, tương đương 2,3% tài sản sinh lời hợp nhất của VPB tính đến quý 3/2022. VPB kỳ vọng khoản vay này sẽ được giải ngân trong quý 4/2022.
Ngoài ra, thông qua quan hệ đối tác trong Sáng kiến Tài chính Doanh nhân Nữ (We-Fi), ADB sẽ tài trợ 750.000 USD cho VPB và sẽ được giải ngân theo nhiều đợt dựa trên kết quả hoạt động thực tế.
Tính đến nay, VPB đã huy động thành công các khoản vay quốc tế trị giá khoảng 1,4 tỷ USD có sự tham gia của SMBC, thể hiện mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa VPB và SMBC. VCSC kỳ vọng khoản vay quốc tế này có thể hỗ trợ chi phí vốn của VPB bằng cách giảm áp lực thu hút nguồn huy động từ tiền gửi khách hàng dài hạn và phát hành giấy tờ có chi phí cao để hỗ trợ nguồn vốn trung và dài hạn của ngân hàng.
VCSC hiện có khuyến nghị MUA cho VPB với giá mục tiêu là 30.000 đồng/CP.
CTCK khuyến nghị cổ phiếu nào phiên 15/11? |
Khuyến nghị mua BMP với giá mục tiêu 70.000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Duy trì khuyến nghị MUA đối với CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) trong khi giảm giá mục tiêu 8% do chúng tôi tăng giả định WACC từ 12,2% lên 13,1% khi chúng tôi nâng giả định ERP thêm 1 điểm phần trăm và tăng giả định chi phí nợ vay thêm 50 điểm cơ bản.
Điều này được bù đắp một phần bởi việc cập nhật mô hình định giá đến cuối năm 2023. Trong khi đó, VCSC giữ nguyên dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2027.
VCSC tăng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 thêm 4% lên 567 tỷ đồng (+165% YoY) chủ yếu đến từ việc nâng giả định biên lợi nhuận gộp năm 2022 do giá nhựa nguyên liệu đầu vào tiếp tục giảm trong thời gian còn lại của năm 2022. Điều này bù đắp cho mức giảm đối với dự báo doanh thu năm 2022 vì chúng tôi dự kiến nhu cầu vật liệu xây dựng sẽ giảm trong quý 4/2022
Dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 đạt 575 tỷ đồng (+1% YoY), đến từ dự báo doanh thu tăng trưởng nhẹ 2% YoY và biên lợi nhuận gộp thấp hơn YoY do thận trọng trong việc giá hạt nhựa nguyên liệu đầu vào sẽ tiếp tục giảm từ mức cơ sở thấp trong năm 2022.
Định giá của BMP có vẻ hấp dẫn với P/E năm 2023 là 7,5 lần (dựa trên dự báo) so với trung vị P/E trượt trung bình 2 năm của các công ty cùng ngành trong khu vực là 12 lần.
Rủi ro: Biên lợi nhuận gộp thấp hơn dự kiến do chi phí nhựa đầu vào cao. Yếu tố hỗ trợ: Doanh thu cao hơn dự kiến vào năm 2023.
Khuyến nghị mua SBT
CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) là công ty dẫn đầu thị trường trong ngành mía đường Việt Nam với khoảng 46% thị phần. Đường và các phụ phẩm từ đường đóng góp doanh thu lớn nhất với 94,5%, tiếp theo là phân bón (1,1%), điện (0,7%) và các ngành khác (3,7%).
LNTT năm tài chính 2021/2022 đạt 1,0 nghìn tỷ đồng - cao nhất kể từ khi SBT thành lập. Bất chấp sự cạnh tranh gay gắt từ đường nhập khẩu, SBT ghi nhận sản lượng đường bán ra hơn 1 triệu tấn trong năm tài chính 2021/2022.
SBT đặt kế hoạch LNTT năm tài chính 2022/2023 giảm 19% YoY - tương đương 850 tỷ đồng. Theo SBT, kế hoạch khá thận trọng này được dự báo trên sự cạnh tranh gay gắt của thị trường đường Việt Nam hiện tại.
Trong năm tài chính 2022/2023, VCSC kỳ vọng SBT sẽ được hưởng lợi từ (1) các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan và một số nước ASEAN khác và (2) giá đường trong nước cao hơn trong năm 2022.
Trong dài hạn, ước tính biên LN gộp của SBT sẽ cải thiện nhờ (1) việc mở rộng mạnh mẽ diện tích nuôi trồng mía của công ty và (2) kế hoạch tập trung hơn vào các sản phẩm có biên lợi nhuận cao.
SBT hiện đang giao dịch với P/E trượt là 9,7 lần - cao hơn 15% so với nhóm công ty cùng ngành. VCSC tin rằng chỉ số này phản ánh kỳ vọng mạnh mẽ của nhà đầu tư đối với lợi nhuận trong tương lai của SBT.
SBT thông báo sẽ thanh toán cổ tức/CP (DPS) năm tài chính 2022/2023 là 400-600 đồng, dưới hình thức cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.
Rủi ro chính: (1) giá đường biến động; (2) nhu cầu đường thấp hơn dự kiến; (3) rủi ro pha loãng.