Hết ca trực là ngủ, không đi chơi Tết được
Khái niệm niệm nghỉ Tết dường như quá xa vời đối với nhiều thầy thuốc ở Bệnh viện Bạch Mai. Trước giờ giao thừa, bệnh viện vẫn có hơn 800 bệnh nhân phải ở lại điều trị do bệnh nặng. Riêng khoa Thần kinh có tới hơn 100 bệnh nhân/175 giường thực kê.
Giáo sư Lê Văn Thính, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoa có 5 đơn nguyên: cấp cứu, đột quỵ não, động kinh, thần kinh trẻ em, nhiễm khuẩn thần kinh và đơn nguyên thần kinh chung. Khoa có hơn 100 cán bộ, nhân viên (kể cả nhân viên làm hợp đồng). Đây chuyên khoa tuyến cuối của cả nước nên ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện. Trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 20 đến 30 bệnh nhân, thậm chí cao điểm có ngày tiếp nhận hơn 50 bệnh nhân.
GS. Lê Văn Thính, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra bệnh nhân trước lúc giao thừa. |
Ngày Tết số bệnh nhân nhập viện tăng hơn ngày thường. Riêng phòng cấp cứu của Khoa, ngày 30 Tết luôn có gần 50 bệnh nhân trong trạng thái liệt nửa người, chảy máu trong não, nhồi máu trong não… Tỷ lệ bệnh nhân không qua khỏi ở đây khá nhiều nên trong ngày Tết, mặc dù không mong muốn, y bác sỹ ở đâu vẫn lặng lẽ tiễn đưa những bệnh nhân nặng, tử vong.
Bệnh nhân ở đây hầu hết đều trong tình trạng bệnh nặng, phải điều trị dài ngày như: tai biến mạch máu não (đột quỵ não), u não, nhiễm khuẩn thần kinh, bệnh về thần kinh ngoại vi và những bệnh khác liên quan đến hệ thần kinh trung ương. “Trong những ngày Tết, chúng tôi vẫn làm việc như ngày thường. Bệnh nhân nặng không thể điều trị nhanh khỏi được mà quan trọng là tập trung chẩn đoán chính xác, khi bệnh nhân ổn định thì chuyển về tuyến dưới để bệnh nhân đỡ vất vả và tránh quá tải không cần thiết”- GS Thính nói
Điều dưỡng Bùi Thị Liên, khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân ở đây rất đông, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng có lúc vẫn phải nằm ghép 2 bệnh nhân. Không chỉ bệnh nhân vất vả vì bệnh tật mà nhân viên y tế cũng làm việc căng thẳng. Mỗi tua trực có 4 nhân viên chính mà phải phụ trách tới gần 40 bệnh nhân.
“Ngày Tết, chúng tôi vẫn chăm sóc bệnh nhân như ngày thường, vệ sinh cá nhân và tiêm thuốc cho bệnh nhân ngày 2 lần. Mỗi tua trực 12 tiếng đồng hồ và lặp lại sau 4 ngày nên trong dịp nghỉ Tết 7 ngày này, mỗi nhân viên của khoa phải trực từ 2 đến 3 ngày. Làm việc hết công suất nên sau mỗi ca trực, về nhà là ngủ bù, không đi chơi Tết được”- Điều dưỡng Liên chia sẻ.
Anh Lê Hồng Linh ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa có bố là ông Lê Hồng Thuận 69 tuổi đang điều trị tại Khoa Thần kinh cho biết: “Bố tôi bị tai biến lần 2, vào viện từ ngày 9/1, bệnh quá nặng nên phải ở lại điều trị qua Tết. Anh em chúng tôi thay phiên nhau ở lại trông nom. Đây là năm đầu tiên tôi phải đón giao thừa ở bệnh viện cùng bố. Ở đây có nhiều hoàn cảnh giống tôi, nhưng dù gì cũng được sẻ chia sẻ phần nào vì các y, bác sỹ trong khoa chăm sóc, phục vụ bệnh nhân rất nhiệt tình, chu đáo...”
Còn tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, bác sỹ Nguyễn Hữu Dũng cho biết, với bệnh nhân suy thận mãn, việc lọc máu theo chu kỳ (chạy thận nhân tạo) được thực hiện 3 lần/1 tuần. Nếu ngày Tết mà y, bác sỹ nghỉ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Do vậy, khoa đã bố trí chạy thận như ngày bình thường, ngày 3 ca từ 6h30 đến 23h30.
“Năm nay, theo nguyện vọng của bệnh nhân, chúng tôi đã đẩy thời gian bắt đầu ca 1 của ngày 30 Tết sớm hơn, chạy thận từ 3 giờ sáng nên đến 3 giờ chiều đã giải quyết hết các ca bệnh để bệnh nhân được đón giao thừa ở nhà. Tuy nhiên, chúng tôi đã bố trí một kíp trực, sẵn sàng làm việc khi có bệnh nhân phát sinh. Ngày mùng 1 Tết vẫn chạy thận 3 ca như bình thường. Không có ngày nghỉ Tết” -Bác sỹ Dũng cho biết...
Ngày Tết làm việc “căng”hơn ngày thường
Ngày Tết làm việc với cường độ “căng” hơn ngày thường. Đó là những gì mà các y, bác sỹ Bệnh viện Việt Đức đang trải qua vì đây là Bệnh viện chuyên khoa đặc biệt, Trung tâm phẫu thuật lớn nhất cả nước. Ngày 30 Tết, không khí hối hả chạy đua, giành giật sự sống cho các bệnh nhân của các y, bác sỹ nơi đây cho thấy, không khí Tết dường như dừng lại ở cổng bệnh viện.
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức kiểm tra đột xuất các kịp trực cấp cứu |
Trong những ngày nghỉ Tết, Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh Việt Đức nhiều lần kiểm tra đột xuất các kíp trực, động viên tinh thần các y, bác sỹ đi làm trong những ngày Tết và đến từng giường bệnh để hỏi thăm các bệnh nhân. Ban Giám đốc bệnh viện đã giao cho từng khoa tặng quà bệnh nhân lúc giao thừa.
“Trong những ngày Tết, số lượng bệnh nhân bị tai nạn giao thông vào cấp cứu tại Khoa chấn thương sọ não tăng nhanh. Các khoa, phòng của bệnh viện gần như qua tải. Hôm nay (30 Tết), tất cả máy thở của bệnh viện đều đã được sử dụng hết. Riêng Khoa chấn thương sọ não, bệnh nhân nhập viện tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Dự báo đến ngày mùng 2, mùng 3 Tết sẽ quá tải bệnh nhân. Bệnh viện đã có phương án chuyển bớt bệnh nhân tim mạch về Bệnh viện E và bệnh nhân hồi sức về Bệnh viện Bạch Mai…”- GS Giang cho biết.
Theo thống kê, vào những ngày giáp Tết, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân bị tai nạn giao thông, tăng gấp rưỡi so với ngày thường. Theo đó, số trường hợp cần phẫu thuật cũng tăng lên. Từ ngày 28 Tết đến nay, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận gần 100 ca tai nạn giao thông, chủ yếu là bệnh nhân trong tình trạng chấn thương nặng, trong đó gần một nửa số trường hợp chấn thương sọ não.
Nếu như ngày thường, Bệnh viện chỉ có hơn 20 ca cần phẫu thuật, thì trong 3 ngày nghỉ Tết, mỗi ngày mổ hơn 40 ca. 5 bàn mổ của bệnh viện hoạt động hết công suất, liên tục cả ngày lẫn đêm trong những ngày Tết. Bên cạnh đó mỗi ngày cũng tiếp nhận gần 40 trường hợp bị tai nạn sinh hoạt, trong đó có 2 ca tai nạn do pháo nổ.
Theo bác sỹ Nguyễn Đức Minh, Khoa phẫu thuật tiết niệu, Bệnh viện Việt Đức cho biết, ngày Tết các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện phải làm việc “căng” hơn ngày thường để chăm sóc, điều trị bệnh nhân ở bệnh viện tuyến dưới chuyển lên. “Ở đây không có nghỉ Tết, lúc nào anh em cũng phải động viên nhau làm việc, vì đây là bệnh viện tuyến cuối, nhiều bệnh nhân nặng nên các bác sỹ không một phút lơ là” - Bác sĩ Minh tâm sự.
Cũng như vậy, bác sỹ Vũ Ngọc Tú, khoa Phẫu thuật Tim mạch cho biết, trong gần 10 năm làm việc tại Bệnh viện Việt Đức, đây là lần thứ 3 anh phải đón giao thừa tại bệnh viện. Mỗi ca trực kéo dài từ 8 giờ sáng hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau và 8 ngày lặp lại một lần. Tuy nhiên, dù không phải đến bệnh viện thì chúng tôi vẫn phải ứng trực, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được điều động.
Cùng với việc triển khai trực Tết theo 4 cấp: trực lãnh đạo, (xử lý thông tin đường dây nóng); trực chuyên môn; trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ, Bệnh viện Việt Đức còn bố trí nhiều kíp trực cơ động để chi viện cho các tuyến dưới khi cần thiết. Bệnh viện đã và đang duy trì 2 kíp trực, 1 kíp ở bệnh viện và một kíp ở nhà. Khi có tình huống phải cấp cứu ngoại viện thì kíp ở bệnh viện lên đường và kíp trực ở nhà đến thay thế để đảm bảo đáp ứng nhanh. Những thầy thuốc cao cấp, giỏi chuyên môn, kinh nghiệm lâu năm thì túc trực ở nhà, có việc cần tham vấn chuyên môn là gọi điện liên hệ được hoặc huy động được ngay.