Chuyện cổ tích của hai người phụ nữ chung chồng suốt nửa thế kỷ

Không đành để chồng không có người nối dõi, bà Tuyết đành gạt nước mắt, mang trầu cau đi hỏi vợ lẽ cho chồng và chấp nhận cảnh chung chồng. 

Ở đời, người ta có thể sẻ chia miếng cơm, manh áo chứ ai đời lại đi chia sẻ vị hôn phu của mình nhưng tại huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An) suốt hơn 30 năm qua, một người phụ nữ đã viết nên câu chuyện cổ tích ấy khi chung chồng nhưng vẫn hòa thuận, đầm ấm. 
Chuyen co tich cua hai nguoi phu nu chung chong suot nua the ky
 Suốt nửa thế kỷ qua, bà Tuyết (phải) cùng người vợ lẽ vẫn sống với nhau yên ấm khiến nhiều người nể phục. Ảnh Tuệ Minh  
Đó là cụ bà Nguyễn Thị Tuyết (năm nay 77 tuổi) ở xóm Tân Hồng, xã Nghĩa Phúc (huyện Tân Kỳ, Nghệ An). Bỏ ngoài tai điều tiếng, thị phi bà đã chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng để mang cau đi hỏi vợ cho chồng.
Hạnh phúc chẳng tày gang
Cũng như những cặp trai gái khác, khi đến tuổi mười tám, đôi mươi, ông Dương Đình Thắng và bà Nguyễn Thị Tuyết (quê ở huyện Nam Đàn, Nghệ An) đã tìm hiểu nhau và nên vợ, nên chồng. Cẩn thận lật xem từng tấm hình lưu niệm với người chồng “quá cố” (đã mất hơn 4 năm về trước), bà Tuyết bồi hồi nhớ lại: Cách đây hơn 50 năm, tôi cùng chồng rời nhà quê ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) lên vùng đất này lập nghiệp với bao khát vọng của tuổi trẻ. Vất vả mưu sinh nơi vùng đất mới, nhưng cuộc sống của vợ chồng bà Tuyết vẫn luôn tràn ngập tình yêu và hạnh phúc.
Chuyen co tich cua hai nguoi phu nu chung chong suot nua the ky-Hinh-2

 Bà Tuyết chia sẻ về những tháng ngày đi hỏi vợ lẽ cho chồng.

Ảnh Tuệ Minh

Nhưng rồi, những ngày vui ấy chẳng kéo dài được bao lâu. Sống với nhau nhiều năm, trong khi những gia đình xung quanh con cái đuề huề thì vợ chồng bà Tuyết vẫn chỉ là một cặp vợ chồng son, chẳng hề có tiếng khóc, cười đùa của con trẻ. Đi khám, bác sỹ chẩn đoán bà bị vô sinh. “Nghe tin ấy, tôi rã rời, chán chường. Suốt 15 năm trời, hai vợ chồng tôi đi khắp nơi chạy chữa những mong có được đứa con nối dõi tông đường nhưng bao nhiêu cố gắng cũng chỉ là con số 0”, bà Tuyết ngậm ngùi nhớ lại.
May sao, khi ấy ông Dương Đình Thắng (chồng bà Tuyết) không một lời than phiền, oán trách. Biết vợ cũng khổ tâm, ông càng thêm yêu thương, quan tâm và động viên vợ nhiều hơn.
Thương chồng, thêm vào đó là những áp lực tâm lý từ những lời bàn tán, dèm pha của dân làng, bà Tuyết quyết định ly hôn. “Thời đó không sinh được con là bị kỵ lắm, cứ như phạm một lỗi lớn lắm vậy. Dù ông nhà tôi không một lời than phiền nhưng bị làng xóm dị nghị, dèm pha khiến ông ấy bị áp lực quá lớn. Hơn nữa, tôi cũng muốn có người lo hương khói cho nhà chồng nên quyết định ly dị để ông ấy đi bước nữa. Nhưng quyết định của tôi đã bị ông ấy một mực từ chối”, bà Tuyết nghẹn ngào nhớ lại.
Mang cau hỏi vợ cho chồng
Ly dị không được, và vì khao khát kiếm con cho chồng để làm tròn bổn phận của một người vợ, bà Tuyết đành gạt nước mắt, mang trầu cau đi hỏi vợ lẽ cho chồng. Tiêu chí “tuyển” người vợ hai cho chồng là người phụ nữ hiền lành, tuổi tương đồng. Bởi bà nghĩ rằng sau này bà sẽ coi đứa trẻ như con ruột của mình nên cũng muốn con được sinh ra từ một người mẹ tốt. Sau bao ngày vất vả, cuối cùng bà cũng tìm được người hợp lý.
Khi đó, tại vùng kinh tế mới ở xóm Hồng Phúc, xã Tân Hồng (huyện Tân Kỳ) của vợ chồng bà Tuyết có một cô giáo tên Hợi (khi ấy ngoài 30 tuổi) quê ở huyện Nam Đàn lên đây dạy học. Được biết, trước đó cô Hợi từng có một đứa con riêng. Thấy cô giáo Hợi hiền lành, lại cảnh “mẹ góa con côi” nên bà Tuyết đã qua và đặt thẳng vấn đề.
Thấy bà Tuyết sang nhà chơi, lúc đầu cô Hợi cũng có phần bất ngờ. “Ngồi nói chuyện một hồi thì bà Tuyết trình bày, đặt vấn đề mong muốn tôi về làm vợ lẽ để sinh con cho ông Thắng. Mới đầu tôi cũng giận lắm, nghĩ rằng bà Tuyết cố tình đem chuyện “không chồng mà có con riêng” của mình ra làm trò đùa nhưng sau khi nghe bà Tuyết giãi bày, tâm sự tận đáy lòng nỗi khổ tâm của mình, tôi mới biết đó là nguyện vọng thực sự và càng thương cảm với hoàn cảnh của bà người phụ nữ chưa một ngày có được diễm phúc làm mẹ”, bà Hợi nhớ lại.
Sau ít ngày suy nghĩ, cô giáo viên tiểu học đã đồng ý về làm vợ lẽ ông Thắng mặc mọi lời bàn tán, can ngăn của họ hàng, chòm xóm.
Vui mừng khi nhận được cái gật đầu đồng ý của bà Hợi, thế nhưng những cảm giác như sắp mất đi một thứ quý giá khiến những giọt nước mắt tủi hờn không ngừng rơi khi bà về nhà thông báo và chuẩn bị đám cưới cho chính người “vai kề, má ấp” với mình. “Ngày đó, sợ ông Thắng lại không đồng ý nên khi đã chắc chắn mọi thứ rồi thì tôi mới về bàn bạc với chồng. Nói thật, sau khi nói chuyện với ông nhà tôi xong tôi cũng rất hụt hẫng vì từ ngày đó, ông Thắng không còn là của riêng tôi nữa”, bà Tuyết kể.
Những ngày đầu trong cảnh chung chồng cũng có chút ngượng ngùng, có điều ra tiếng vào, nhiều người còn có ý tò mò, soi xét “để xem bà đối xử thế nào với vợ lẽ của chồng” nhưng bà Tuyết gạt ngoài tai tất cả. Khi bà Hợi ốm nghén, bà Tuyết mừng rơi nước mắt khi đã hoàn thành tâm nguyện. Nhưng rồi, “trông người mà ngẫm đến ta”, bà Tuyết vẫn không khỏi chạnh lòng. Nhiều đêm, nước mắt bà lại tuôn rơi. Nhưng rồi bà tự nhủ, chỉ cần chồng mình được hạnh phúc và có được người nối dõi tông đường thế là đủ. Và bà tự tay chăm bẵm cho bà Hợi khi bà trở dạ, tắm rửa bế ẵm đứa con bà mới sinh khiến nhiều người không khỏi cảm động, thán phục.
Niềm vui của “cuộc tình tay 3” này liên tiếp đến khi bà Hợi sinh cho ông Thắng người con thứ 2, thứ 3 đến đứa con thứ 6.
Vì phải đi dạy xa nhà, mỗi tuần bà Hợi chỉ về thăm gia đình hai ngày cuối tuần nên mọi việc từ chăm sóc, nuôi dạy con cái do một tay bà Tuyết đảm nhận. Nhắc lại chuyện xưa, bà Tuyết cho biết: “Hồi xưa kinh tế khó khăn lắm nhưng chúng tôi luôn cố gắng hòa thuận cùng làm ăn xây dựng cơ ngơi, nguôi dạy con cái nên người. Dù các con không phải do chính mình sinh ra nhưng tôi chỉ biết cố gắng làm sao để chúng được hạnh phúc nhất. Được chăm sóc và nuôi dạy các con của bà ấy, tôi cũng thấy an ủi và đỡ chạnh lòng với số phận của mình”.
Đến bây giờ, 6 người con của họ đều đã trưởng thành, xây dựng gia đình và có hiếu nghĩa, nhưng tất cả đều không phân biệt ai là mẹ thật, ai là mẹ “hờ”. Bà Tuyết không giấu được niềm hạnh phúc khi nói về những đứa con: “Cuộc sống thế này với tôi là viên mãn lắm rồi, không ước mơ gì hơn. Tôi không đẻ được con, nhưng luôn coi 6 đứa như con mình và chúng cũng hiếu thảo với tôi không khác gì mẹ đẻ”,
Xóa bỏ định kiến
Hồi đó, nghe chuyện bà Tuyết đi hỏi vợ cho chồng nhiều người tỏ ra đồng cảm, nhưng cũng không ít người phản đối kịch liệt cho đó là việc làm trái pháp luật, đi ngược với luân thường đạo lý. Nhưng cho đến hôm nay, chứng kiến sự yêu thương, đùm bọc nhau của hai bà, mọi người phần nào thông cảm, thấu hiểu suy nghĩ lúc bấy giờ của bà Tuyết. Bà đã dẹp tự ái cá nhân sang một bên, tự mình mang trầu cau đi hỏi vợ cho chồng để ông được hưởng hạnh phúc làm cha, và suốt mấy chục năm qua, gia đình “một ông, hai bà” ấy dù trải qua muôn vàn khó khăn nhưng hiếm khi nghe tiếng cãi vã.
Theo bà Hợi, sau nhiều năm chung sống, bà và ông Thắng quyết định ra ở riêng. Từ đó, bà Tuyết ngày ngày vẫn lui tới chăm lo cho ông Thắng và các con. “Cho đến tận bây giờ, chưa có điều gì khiến tôi phải để bụng hay không hài lòng về bà ấy cả. Ngược lại, vợ chồng tôi và các con của mình cũng chịu ơn bà ấy nhiều. Không có bàn tay và sự dưỡng dục của bà ấy, các con tôi khó có được ngày hôm nay”, bà Hợi khẳng định.
Chuyen co tich cua hai nguoi phu nu chung chong suot nua the ky-Hinh-3
 Từ ngày chồng mất, hai người đàn bà ấy vẫn sống hòa thuận với cháu con và yêu thương, đùm bọc nhau. Ảnh Tuệ Minh
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc cho biết, việc bà Tuyết hỏi vợ cho chồng là vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình và thời điểm đó chính quyền đã xử phạt hành chính những người liên quan.
Theo ông Trung, dù sống chung dưới một mái nhà nhưng hai người vợ của ông Thắng vẫn sống hòa thuận. Dù hạnh phúc của họ phải san sẻ cho nhau, nhưng suốt mấy chục năm qua, họ luôn nhường nhịn, cư xử có trên, có dưới, cùng nhau chăm lo cho sáu đứa con, coi đó đều là con chung chứ không của riêng ai. Khi chuyển ra sống riêng, giữa hai người vẫn thường xuyên đi lại, chu toàn bổn phận và cùng lo toan mọi việc chung cũng như việc riêng khiến nhiều người nể phục. Do đó, chúng tôi cũng không đem chuyện này ra mổ xẻ. Và với người dân ở đây, ai cũng chúc phúc cho gia đình họ.
Nửa thế kỷ đã qua – đó là quảng thời gian bằng cả đời người và đó là minh chứng xác thực nhất để đem đến câu trả lời xác đáng cho câu chuyện “cổ tích” về hai người đàn bà sống chung một nhà gia đình ấy.