Nhưng ít ai biết được nơi đây vẫn có những gam màu đẹp, sáng trong nhẹ nhàng và tràn ngập yêu thương!
Một bệnh viện tâm thần. |
Vô thế giới “người điên”…
31 ngày ở Bệnh viện Tâm thần Quy Nhơn (Bình Định) là 31 ngày bước ra từ “cõi điên” trở về… đầy ắp kỷ niệm buồn vui và chứa chan tình người của tôi!
Không chịu nổi trước cú sốc tinh thần bị mất con, tôi rơi vào trạng thái bi quan, bấn loạn, chỉ muốn tìm đến cái chết. Tiếp đến là những chuỗi ngày “chìm trong nước mắt” vì nỗi nhớ con da diết, sự giằn vặt bản thân; những cơn ác mộng thỉnh thoảng ùa về, sợ hãi, im lặng, khép mình, không muốn gặp gỡ, chuyện trò cùng ai. Cuộc sống của tôi dường như rơi vào bế tắc, tuyệt vọng…
Bản thân tôi cũng không nghĩ mình bị chứng “trầm cảm sau sinh” – một hội chứng của bệnh tâm thần khá phổ biến, nhất là trong nhịp sống hiện đại ngày nay.
Sau nhiều lần cố gắng thuyết phục, cuối cùng gia đình cũng đưa tôi vào Bệnh viện Tâm thần để chẩn đoán, khám và điều trị.
Cảm giác đầu tiên của tôi là sợ hãi – sợ cả “người điên” lẫn “người tỉnh”. Sợ “người điên” thì ít mà sợ “người tỉnh” thì nhiều. Bởi quan niệm kỳ thị người bị bệnh tâm thần vẫn ăn sâu cố hữu vào tâm thức của xã hội, nhất là ở những vùng thôn quê thì việc kỳ thị “người điên” là một điều không thể tránh khỏi.
Nhưng vào viện rồi tôi mới biết thì ra Bệnh viện Tâm thần cũng chia ra nhiều cấp độ: Bình thường, điên nhẹ và điên nặng. Cụ thể, lần lượt phân theo 3 khoa, gồm: Khoa 3 (dành cho những người mắc chứng mất ngủ, suy nhược thần kinh, rối loạn cảm xúc, trầm cảm nhưng vẫn còn đủ khả năng làm chủ, kiểm soát được suy nghĩ và hành vi của mình); Khoa 2 (dành cho những đối tượng bị bệnh tâm thần nhẹ, hoang tưởng…); Khoa 1 (đặc trị những đối tượng bị bệnh tâm thần phân liệt, mất kiểm soát về suy nghĩ và hành vi).
Sau khi khám, chẩn đoán, trả lời câu hỏi trắc nghiệm tâm lý và điện não, bác sỹ kết luận tôi bị bệnh trầm cảm sau sinh và cử một nhân viên y tế dẫn tôi về khu đặc trị chuyên Khoa 3, do bác sỹ Nam làm Trưởng khoa.
Cuộc sống sau cánh cổng bệnh viện
Tại đây, tôi đã chứng kiến bao mảnh đời éo le, dở khóc dở cười. Hầu hết những bệnh nhân ở đây đều trải qua những sang chấn, cú sốc tinh thần hoặc do áp lực cuộc sống, công việc, học hành hoặc bị tai nạn chấn thương ở đầu… trước khi bước vào “thế giới người điên”.
Ấn tượng nhất đó là cô bé Phượng (Khoa 3, vừa tròn 19 tuổi). Em được mệnh danh là “thiên sứ bệnh viện”. Nhìn dáng người nhỏ nhắn, linh hoạt, ít ai nghĩ một sinh viên Khoa Giáo dục Mầm non như em lại mắc chứng mất ngủ, đau đầu và bị mờ mắt trái, sau một lần tai nạn cầu thang.
Dường như trong ý thức của em, việc giúp đỡ mọi người là niềm vui, là lý tưởng sống của em. Em có thể giúp đỡ mọi người mà không biết mệt mỏi, không phân biệt lạ quen, tuổi tác và không biết là người ấy có cần sự giúp đỡ của mình hay không? Em thường chia sẻ với tôi: “Có lẽ vì em tốt quá nên nhiều người thường hay lợi dụng lòng tốt của em, chị à! Trong số ấy, có cả bạn bè của em. Biết thế nhưng em vẫn không thể thôi làm người tốt được”.
Điều đặc biệt là đôi chân em lúc nào cũng tung tăng và gặp ai, ở đâu, em cũng có thể kết bạn được, thậm chí là rất thân. Dường như cả bệnh viện - từ bác sỹ, y tá, nhân viên căng tin, bảo vệ, bác giữ xe, bệnh nhân cả 3 khoa 1, 2, 3 và kể cả người nhà bệnh nhân, ai cũng biết em, quen em và ấn tượng về cái tên Phượng. May mắn cho chúng tôi vì được xếp chung phòng với Phượng. Thấy ai rửa chén, lấy cháo, lấy nước từ thiện, em đều xung phong làm thay.
Bên cạnh đó, em Huệ (Khoa 2)- một học sinh THCS, rất giỏi Tiếng Anh. Những lúc em “lên cơn”, em thường hay hát múa trong tiếng vỗ tay tán thưởng của mọi người hoặc nói Tiếng Anh như gió những từ đại loại như: Hello, good afternoon, doctor, teacher, I like math... Trông em thánh thiện, hồn nhiên, trong sáng biết bao!
Em thường qua Khoa 3 chúng tôi để rủ tôi và Phượng đi dạo khuôn viên Bệnh viện hoặc tập thể dục mỗi buổi sáng sớm. Những lúc như thế, trông em chẳng khác nào một học sinh ngoan, chăm chú thực hiện theo từng khẩu hiệu, nhịp điệu, động tác của “cô giáo” thể dục là tôi.
Hoặc những khi có cái bánh, cái kẹo là chúng tôi đều dành phần cho bé Huệ - “đứa em gái út”, nhỏ tuổi nhất mà chúng tôi quen và cũng là trong cả đợt nhập viện đó. Mỗi lần thấy ai mặc đồ sang trọng hoặc áo bờ - lu trắng là Huệ lại vẫy tay, miệng cười tươi rói: “Hello doctor!”, khiến mọi người ngạc nhiên (không ngờ một cô bé bị bệnh tâm thần như thế mà giỏi Tiếng Anh và tỉnh táo, khéo miệng hơn cả người thường).
Hay đó là cô bé Thảo (Khoa 2, 18 tuổi) – một cô bé đa phong cách. Bình thường, em hiền lành, dễ thương, lanh lợi biết bao! Em thường chạy qua Khoa 3 chúng tôi để kết bạn, nói chuyện, hát hò. Nhưng khi “lên cơn”, em dường như trở thành một con người khác hẳn. Em cáu gắt, nóng tính, ném đồ đạc lung tung, trong ánh mắt toát lên sự giận dữ vô thức.
Những lúc ấy, một mình mẹ em không đủ sức để ôm, canh giữ em; mà phải nhờ đến một nam cán bộ y tế trong ca trực ngày hôm đó vừa nhẹ nhàng khuyên nhủ em giữ yên lặng, vừa phải khóa em ở một phòng riêng, vì sợ em lên cơn sẽ đi gây chuyện, đánh đập mọi người (kể cả chúng tôi – những người bạn thân thiết – mà thường ngày em vẫn gọi là chị chị, em em).
Em càng vùng vẫy, la hét bao nhiêu thì tôi nhận thấy ánh mắt bất lực, sụt sùi tuyệt vọng của mẹ em bấy nhiêu. Đã bao lần vào viện, ra viện nhưng trường hợp của em khá hiếm gặp.
Đợt vào viện năm ngoái, Thảo được xếp vô Khoa 3 nhưng vì chưa hết đợt điều trị, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình em nằng nặc xin ra viện tự điều trị ở nhà. Qua thời gian, tình trạng bệnh bỗng nhiên trở lại và có nguy cơ nặng hơn thì mẹ em mới hốt hoảng, đưa em nhập viện lại và được xếp vào Khoa 2 – dành cho bệnh nhân mắc chứng hoang tưởng và tâm thần nhẹ.
Chuyện tình giữa “tỉnh” và “điên”
Những hôm vắng Huệ và Thảo, tôi thường hay rủ Phượng và một số “bạn” cùng Khoa 3 ở tầng trên qua Khoa 2 để thăm. Khác với Khoa 3 chúng tôi được thoải mái tự do đi lại, ngoại trừ những giờ nhận thuốc do bác sỹ cấp phát lần lượt theo tên gọi và trực tiếp bệnh nhân nhận, không cho nhận thay (đó được xem là lệ bất thành văn, bất di bất dịch); Khoa 1, 2 có vẻ được canh phòng nghiêm ngặt, có cán bộ y tế trực 24/24, khóa cổng hẳn hoi, chỉ mở khi có người nhà đi cùng bệnh nhân (ở một số giờ quy định) hoặc có người đến thăm.
Ánh mắt sâu hóm, thâm quầng, đượm nỗi buồn miên man của bác Tư khi một mình đưa con trai tận Phú Yên ra Quy Nhơn (Bình Định) chữa bệnh trầm cảm. Thoạt nhìn cậu con trai cao ráo, da dẻ trắng hồng, có vẻ thư sinh, môi mỉm cười im lặng, không ai nghĩ em mắc bệnh.
Bác Tư chia sẻ: “Tui buồn nẫu ruột cô à! Trước đây, thằng bé cũng thông minh, lanh lợi, học giỏi; nhưng chẳng hiểu lý do vì sao khoảng độ một tháng trở lại đây, thằng bé bỗng dưng ít nói hẳn đi, suốt ngày nhốt mình trong buồng, chẳng chịu tắm giặt gì cả, có khi một tuần mặc chỉ đúng nguyên một bộ đồ; đợi tui nhắc nhở thì cháu mới chịu tắm giặt…”.
Song có lẽ kỷ niệm khó phai nhất là những lần “trốn trại” của những “người điên” như tôi. Chiều tối là lúc dễ ra ngoài vi vu nhất! Khoa 2, khoa 3 chúng tôi, tất cả gần chục người cứ ngang nhiên mặc áo bệnh nhân Bệnh viện Tâm thần đi tản bộ ở công viên Long Vân (gần ngã 3 Phú Tài, TP. Quy Nhơn), mặc những ánh nhìn soi mói, những cử chỉ dòm ngó, bàn tán của “người ngoài”.
Bé Phượng thì thầm vào tai tôi: “Chị ơi! Em thấy ngại quá! Sao họ cứ nhìn chằm chằm vào mình như nhìn sinh vật lạ vậy?”. Tôi cười thản nhiên: “Thì họ thấy mình mặc áo bệnh nhân Bệnh viện Tâm thần nên nghĩ mình là những kẻ điên, bị “xổng chuồng” chứ sao?”.
Em Thắng – cùng khoa 3, chen vào: “Hay là mình cởi áo khoác bệnh nhân bên ngoài ra để họ khỏi dòm ngó đi mọi người? Chừng nào đi dạo xong, vào viện mình mặc lại cũng được; chứ họ cứ nhìn mình vầy khó chịu quá! Đâu phải ai vào Bệnh viện Tâm thần cũng đều bị điên, bị khùng cả đâu?”. Tôi gạt đi: “Kệ họ! Mình khoa 3 đàng hoàng nên mới được tự do như vầy chứ có phải khoa 1 đâu mà sợ?”.
Khoa 3 chúng tôi ở đầy ắp những kỷ niệm và sự sẻ chia của tình người. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của chị Hương (trạc 27, 28 tuổi, quê ở Hoài Nhơn), với đôi mắt lờ đờ vì mất ngủ, dáng người mảnh mai, dong dỏng cao, bản chất lương thiện nhưng lại quá “sùng đạo”. Nét nổi bật ở chị là thích ăn chay và sợ ăn mặn; chị không chịu ăn cơm hộp mà lại ăn món ăn do tự tay mình nấu hoặc tận mắt chứng kiến người nhà nấu thì chị mới an tâm.
Bà dì ruột của chị Hương cũng chịu khó “chiều lòng” chị. Bà xin phép bác sỹ, mày mò tìm những cành cây khô làm củi và mua một chiếc lò than nhỏ để tận tay nấu nướng những món ăn chay dân dã. Chồng chị Hương đi biển xa, đôi ba lần mới vào thăm nhưng gần đây dường như “vắng bóng”, ba mẹ bệnh tật liên miên, tất cả trông cậy vào một tay chăm sóc của bà dì ruột. Nhìn hình ảnh dì chăm sóc cháu như chính con ruột của mình, ai cũng cảm động và ngưỡng mộ.
Những lúc “lên đồng”, chị Hương vừa lẩm nhẩm đọc kinh, cầu nguyện, khấn vái, vừa quỳ lạy trời đất, khiến ai “yếu vía” cũng phải phát hoảng! Nhưng sau, nhờ sự tận tình chăm sóc, điều trị của bác sỹ, bệnh tình chị có phần thuyên giảm.
Một hôm, chị cười nhẹ nhàng, gãi đầu mượn tiền tôi và Phượng nói đi chợ, lát về bà dì trả. Nhưng 2 tiếng, rồi 3 tiếng sau, đến giờ thăm khám vẫn không thấy chị Hương đâu, bà dì hốt hoảng đi tìm thì vừa lúc nhận được cuộc điện thoại ở đầu dây bên kia: “Con đã về đến Phù Cát rồi nhé dì”.
Thì ra, chị Hương nhớ con, muốn về thăm con nên đã trốn viện, mượn tiền đón xe buýt về Hoài Nhơn thăm con. Nhưng sao người điên cũng biết nói dối và có lúc cũng tỉnh đến thế? Bà dì vừa khóc, vừa giận vừa thương, lo gói ghém đồ đạc, thanh toán viện phí rồi tất tả bắt xe về quê tìm cháu. Đúng là câu chuyện “cười ra nước mắt”!
Và đâu đó vẫn có những “chuyện tình đẹp” giữa “người điên” và “người tỉnh”. Đó là mối tình trong sáng, xuất phát từ sự đồng cảm, mến thương của cậu sinh viên ngành Công nghệ thông tin ở Đà Nẵng – tên Hoài – anh trai của bé Huệ và Phượng – sinh viên ngành Giáo dục Mầm non ở Bình Dương – bệnh nhân Khoa 3.
Nhà neo người, Hoài phải xin phép nghỉ học để vào viện chăm em. Tình cờ nhiều lần bắt gặp hình ảnh thánh thiện của Phượng khi nhiệt tình giúp đỡ mọi người, trong đó có em gái của mình, Hoài đã nảy sinh tình cảm với Phượng, “thầm thương trộm nhớ” lúc nào không hay. Tình cảm ấy ngày một gắn kết, đẹp đẽ mãi đến bây giờ - khi Phượng khỏi bệnh, ra viện và trở lại công việc học tập, tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.
Tuy nhiên, việc “yêu đương” trong Bệnh viện tâm thần không được khuyến khích, bởi để kiểm soát, quản lý, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, những nguy cơ rình rập thì đòi hỏi đội ngũ cán bộ y tế bệnh viện phải tăng cường công tác tuyên truyền đến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Đồng thời, tách biệt khu dành cho bệnh nhân nam và bệnh nhân nữ, quy định giờ giấc nghiêm ngặt, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra…
Nơi đây được xem như “ngôi nhà chung” ấm áp tình thương mà những “người điên” chúng tôi luôn muốn trở về để ghé thăm và san sẻ khi đã may mắn khỏi bệnh... Đó là sự tận tâm phục vụ chu đáo của đội ngũ y, bác sỹ bệnh viện. Là sự “sẻ cơm, nhường áo”, giãi bày, động viên an ủi giữa những bệnh nhân “điên” với nhau. Là những tấm lòng hảo tâm của những cá nhân, tập thể làm công việc thiện nguyện như: Bữa cơm, bữa cháo chay từ thiện, những ổ bánh mì, gói xôi, gói quà thăm hỏi, động viên…
Cảm động hơn cả là hình ảnh cụ già bên mái nhà xập xệ, liêu xiêu cũ nát ở phía đối diện ngay trước cổng bệnh viện nhưng vẫn ngày ngày nấu nước sôi và cháo đậu đen từ thiện cho bệnh nhân Bệnh viện Tâm thần. Ông chia sẻ: “Việc làm của tôi tuy vẫn còn nhỏ bé nhưng phần nào giúp đỡ, an ủi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Đây cũng là niềm vui bình dị ở tuổi xế chiều như tôi”.
Mạnh mẽ như cây xương rồng…
“Đừng chán nhé, Dấu Yêu ơi, đừng chán/ Đừng cho đời là nhạt nhẽo buông xuôi/ Ngước nhìn quanh còn đâu đó nụ cười/ Còn những nụ vui tươi trong đời sống…”.
Những ai đã từng là bệnh nhân của Bệnh viện Tâm thần đều phải trải qua một quá trình trị liệu kiên trì và lâu dài. Bởi khác với những loại bệnh khác, bệnh lý tâm thần thường khởi nguyên từ vấn đề tâm lý và yếu tố di truyền.
Thuốc chỉ mang tính chất hỗ trợ, bổ trợ cho quá trình điều trị; yếu tố mang tính chất quyết định và quan trọng hơn cả là nghị lực, ý chí chiến thắng bản thân và thái độ ân cần chăm sóc, động viên tư tưởng, tinh thần của người thân dành cho bệnh nhân. Chỉ cần có thái độ sống tích cực, lạc quan, tuân thủ đúng quá trình và thời gian trị liệu thì bệnh tình sẽ thuyên giảm hoặc khỏi hẳn.
Và tôi cũng là một trong số ít những bệnh nhân may mắn ấy! Sau 31 ngày điều trị tại bệnh viện, bệnh tình có chiều hướng thuyên giảm, giấc ngủ của tôi cũng sâu hơn, bắt đầu mở lòng, nói chuyện với mọi người xung quanh nhiều hơn, có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống này. Bác sỹ Nam đồng ý cho tôi xuất viện và cấp thuốc về nhà uống trong vòng một tháng sau xuống tái khám. Đ
Được sự giúp đỡ và tư vấn tận tình của bác sỹ tâm lý, bạn bè và người thân cùng với sự nỗ lực của bản thân, tôi đã vượt qua bệnh tật và tìm lại chính mình. Song có lẽ người có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đó chính là ông bà nội và mẹ tôi.
Ông bà nội đã nhắc mẹ dọn dẹp hết tất cả những gì liên quan hoặc gợi nhớ đến đứa con trai bé bỏng của tôi, không cho tôi ở nhà một mình mà thường xuyên xuống bầu bạn, tâm sự cùng tôi, dẫn tôi lên nhà nội để phụ bà trồng rau, đọc kinh, xem ti vi, nghe nhạc… và tìm mọi lời lẽ nhẹ nhàng, sâu sắc để động viên, an ủi tôi; hãy xem đó là số phận, đừng nên tự giằn vặt mình, rồi bệnh tình nặng, trở nên điên loạn sẽ làm khổ cha mẹ và người thân.
Dần dà, tư tưởng tôi cũng đã lạc quan, thông thoáng hơn, không còn chìm đắm trong nỗi đau mà gắng gượng vươn lên. Kết quả tái khám âm tính, bác sỹ dặn dò: “Bệnh tình của cháu đã khỏi hẳn. Giờ chỉ cần cháu sống lạc quan, cố quên đi nỗi đau kia và tìm lại được công việc yêu thích của mình thì cháu không cần thuốc men gì cả.
Liều thuốc tốt nhất chính là nụ cười và niềm vui do chính cháu tạo ra, cha mẹ, người thân chỉ giúp cháu 1, 2 ngày hoặc 1, 2 tháng chứ chẳng ai có thể giúp cháu cả đời được. Bác tin rằng cháu sẽ làm được!”. Sau đó, tôi đã hoàn toàn bình phục và tiếp tục công việc viết lách yêu thích của mình.
Mạnh mẽ như cây xương rồng bé nhỏ, oằn mình chống chọi với những thương đau, sóng gió của cuộc đời. Và rồi hạnh phúc nở hoa! Khi những con người bước ra từ thế giới “người điên” trở về; bước qua những mặc cảm, kỳ thị của xã hội để khẳng định sự tồn tại của mình, tái hòa nhập cộng đồng, tiếp tục cuộc sống giàu ý nghĩa của mình, sống hết mình với những đam mê, khát khao và niềm tin yêu cuộc sống.