Minh "Sâm" - Trùm xã hội đen núp bóng doanh nhân thành đạt
Thông tin về việc Nguyễn Ngọc Minh (sinh năm 1962, tự Minh "Sâm", Giám đốc Công ty Đại An có trụ sở tại Từ Sơn, Bắc Ninh) bị C47 Bộ Công an bắt giữ đêm 13/8 đã làm rúng động giới giang hồ và những người buôn bán gỗ khắp Đông Dương. Vậy ông trùm Minh “Sâm” là ai mà tiếng tăm và sức ảnh hưởng ghê gớm vậy, song mãi khi bị bắt thì báo chí mới nói đến?
Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh “Sâm”), Giám đốc Công ty TNHH Đại An, là người cầm đầu một băng nhóm xã hội đen ở Bắc Ninh có tiếng tăm không khác gì băng nhóm của trùm Năm Cam.
Trùm xã hội đen Minh "Sâm". |
Băng nhóm của Minh “Sâm” hoạt động chủ yếu ở địa bàn huyện Từ Sơn (Bắc Ninh). Bất kỳ xe gỗ nào khi vào chợ gỗ Phù Khê đều phải nộp cho băng nhóm của Minh “Sâm”, Hưng “Sóc” từ 1,2 - 2 triệu đồng/xe. Nếu ai không chịu, băng nhóm xã hội đen sẽ dùng vũ khí nóng để khống chế hoặc cấm cửa làm ăn. Không chỉ cưỡng đoạn tài sản, băng nhóm xã hội đen này còn tàng trữ vũ khí quân dụng, cố ý gây thương tích và có dấu hiệu phạm nhiều tội khác.
Năm 1982, Minh khi đó là trung úy quân đội đóng quân ở biên giới Lạng Sơn, làm đến chức trạm trưởng một trạm kiểm soát đường biên ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh lúc bấy giờ. Do bản chất liều lĩnh và ham tiền, Minh đã cầm đầu nhiều nhóm buôn lậu “đánh” các mặt hàng như đồng, Niken từ Việt Nam tuồn sang Trung Quốc, rồi tuồn hàng lậu như vải vóc, rượu bia từ bên kia về.
Trong một chuyến hàng, Minh "Sâm" đã bị lực lượng công an Lạng Sơn vây bắt. Không chịu bỏ hàng lại để chạy trốn, Minh "Sâm" đã rút súng tấn công lại lực lượng công an và phòng thuế. Trong cuộc đấu súng, Minh đã bắn chết một đại úy và làm bị thương 2 người khác. Tuy nhóm của Minh đã cướp được hàng để tẩu tán sang Trung Quốc, nhưng Minh "Sâm" vẫn bị bắt.
Do có nhân thân tốt, bố lại là một lãnh đạo hàng đầu của tỉnh Hà Bắc (cũ) nên Minh thoát án tử hình, chỉ bị tuyên 19 năm tù, thụ án ở trại giam Tân Lập, Phú Thọ.
Theo những đàn em ở cùng buồng giam với Minh “Sâm” hồi đó, Minh nhỏ con nhưng rất nhanh nhẹn và giỏi võ, cộng với bản tính phóng khoáng hay bênh vực kẻ yếu nên trong thời gian thụ án, Minh thu phục được rất nhiều đàn em, đệ tử giang hồ khắp trong Nam ngoài Bắc. Tháng 2/1995, Minh được ra tù sớm và bắt đầu lao vào kinh doanh nhờ những mối quan hệ giang hồ đã xây dựng được từ khi còn ở trong trại giam.
Với đầu óc của một đại ca, Minh “sâm” nhận định muốn giàu nhanh thì phải đánh chiếm các khu vực bến bãi. Chỉ sau khi ra tù chưa đến 1 tháng, Minh “Sâm” đã cầm đầu gần 40 đàn em tấn công Hùng Sàn, ông chủ của khu vực cảng Phà Đen, Hà Nội. Không chịu được sự hung hãn của Minh và đàn em, Hùng Sàn đã phải nộp Cảng Phà Đen và chạy bạt đi nơi khác. Từ phi vụ này Minh “Sâm” nhanh chóng phất lên. Chưa dừng lại ở đó, Minh “Sâm” cho rằng khu vực cảng Phà Đen mới chỉ như cái ao làng mà thôi.
Sống ở Từ Sơn, nơi tiêu thụ gỗ lớn của cả nước, Minh “Sâm” quyết định tiến quân sang Lào và Campuchia. Với sự liều lĩnh hơn người và đám chân tay đệ tử thuần thục, chỉ hơn một năm Minh đã vươn lên tầm cỡ của đại gia trong giới buôn gỗ lậu. Minh “Sâm” chỉ chơi hàng độc là gỗ quý hiếm như: Trắc, gõ đỏ, cẩm lai và gỗ sưa, còn các loại hàng tạp khác sẽ đẩy cho các đầu nậu khác.
Minh "Sâm" không đi mua từng cây gỗ mà đấu thầu luôn cả cánh rừng. Đến năm 2000 Minh "Sâm" chính thức thành lập Công ty Đại An. Tính từ năm 2000 tới nay, mỗi năm Minh Sâm đưa về Công ty Đại An từ 3.000 đến 7.000m3 trắc, còn các loại gỗ khác thì không tính. Để khỏi bị dòm ngó, Công ty Đại An đã tập kết gỗ từ Lào và Campuchia về khu vực biển Hà Tiên (Kiên Giang) vì tại đây, công ty đã đầu tư 1 cảng riêng, sau đó đưa lên tàu thủy đánh về cảng Hải Phòng, từ đó bốc hàng lên xe ô tô đưa về kho Công ty Đại An tại Từ Sơn.
Để dễ bề chi phối thị trường gỗ quý, Minh “Sâm” đã lập hẳn một khu chợ gỗ ở khu vực Phù Khê, rộng hơn 10.000m2 mà Minh “Sâm” mua và cho các hộ buôn bán gỗ thuê làm cơ sở giao dịch. Minh Sâm gần như độc quyền cả đầu vào lẫn đầu ra ở khu vực chợ gỗ này. Với phương thức “Buôn tận gốc bán tận ngọn” và cơ chế cạnh tranh cá lớn nuốt cá bé khiến nhiều chủ buôn gỗ ở Từ Sơn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” chịu sự điều khiển của Minh.
Minh “Sâm” nhiều lần được vinh danh là một trong 1.000 doanh nhân tiêu biểu, còn doanh nghiệp của y nhiều năm liền nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, được tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua. Nhưng thực ra doanh nhân chỉ là cái mác, còn trùm xã hội đen mới là cái thật nhất của con người Minh “Sâm”.
Nhờ có mác doanh nhân “thành đạt và hào phóng” mà ông trùm giang hồ này đã làm được nhiều việc “động trời” cho đến khi bị bắt. Thế lực nào đã chống lưng cho Minh “Sâm”, Hưng “Sóc”, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sẽ làm rõ, nhưng có một sự thật rất khó lý giải với nhân dân: Băng nhóm xã hội đen của Minh “Sâm”, Hưng “Sóc” có nhỏ bé bằng “con kiến” đâu mà cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương không biết để ra tay phá án; trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cấp ủy và chính quyền địa phương đến đâu?
Đại Cathay - "Bố già" một thời của Sài Gòn
Đại Cathay tên thật là Lê Văn Đại, trùm du đãng Sài Gòn thập niên 1960, là nhân vật số một trong "Tứ đại thiên vương" của giới tội phạm tại Sài Gòn trước năm 1975.
Lê Văn Đại sớm bỏ học, đánh giày, bán báo tự nuôi thân tại khu vực ngã tư Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) – Nguyễn Công Trứ. Tại đó có 1 rạp chiếu bóng tên là Cathay, nên gọi là Đại Cathay.
Đại Cathay - Trùm giang hồ khét tiếng Sài Gòn một thời và vợ trên đường phố Sài Gòn. |
Đầu những năm 1960, Đại Cathay mới 20 tuổi và đã trở thành một ông trùm khét tiếng. Đại nhận bảo kê hầu hết nhà hàng khách sạn, động mại dâm, tiệm hút chích, sàn nhảy ở khu vực quận 1. Cũng trong thời gian này Đại Cathay hợp tác với Bảy Si (anh rể ông trùm Năm Cam) mở nhiều sòng bài để thu tiền xâu.
Tín Mã Nàm, trùm giang hồ người Hoa nổi tiếng Sài Gòn - Chợ Lớn, vốn là người có thân hình hộ pháp, từng nhiều năm học Thiếu Lâm Hồng Gia và Thái Lý Phật... biệt hiệu Tín Mã Nàm có nghĩa là con ngựa điên. Là một bậc đàn anh lớn trong giới giang hồ Hoa Kiều, giữ vai trò Hồng Trượng trong Hội Tam Hoàng thuộc chi nhánh Sài Gòn - Chợ Lớn. Cuộc đụng độ giữa băng nhóm của Đại Cathay và Tín Mã Nàm diễn ra nhiều năm liền. Đầu năm 1964, Đại dẫn theo Ba Thế và Lâm "chín ngón" đem hai xe hơi du lịch và mấy chục xe gắn máy hiệu Goebel, Push, Brumi, Ishia chở đôi phóng như bay, bất ngờ đồng loạt mang đao, kiếm, côn, lưỡi lê đồng loạt tấn công vào các hàng quán bên đường trước khu Đại Thế Giới. Sau một lúc ngỡ ngàng, băng Tín Mã Nàm trấn tĩnh lại, hò hét lấy khí thế, chạy vô phía trong quán, cũng lấy dao, kiếm, côn nhị khúc…. cất giấu sẵn, đánh trả phản công. Băng của Đại Cathay bị đánh, chém tơi tả, phải mở đường máu tháo chạy thoát thân.
Tuy nhiên, cuộc tập kích quá liều lĩnh ấy khiến Tín Mã Nàm phải mời Đại Cathay đến gặp để điều đình. Tay không, một mình chui vào hang cọp, Đại khiến Tín Mã Nàm rất nể. Đại được Tín nhường cho một phần địa bàn và Đại cũng cam kết không xâm phạm vào những khu vực được coi là đặc quyền của Tín Mã Nàm.
Thuở ấy, ngoài Đại, Sài Gòn còn có ba ông trùm khác là Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Ba Thế. Ba ông trùm này không hài lòng với sự bành trướng của Đại Cathay nên quyết định hạ bệ Đại. Đại Cathay lọt vào ổ phục kích bị năm tên du đãng đồng loạt rút dao xông vào chém, nhưng Đại may mắn thoát chết. Chưa kịp lành vết thương, Đại một mình một dao, lần lượt tìm các tên đã chém mình để rửa hận. Tất cả đều bị chém trọng thương. Những tên đàn em khác đều bị chung cảnh ngộ, trốn đâu cũng bị Đại Cathay xách dao mò tới, lạnh lùng xử lý…
Sau các cuộc thanh toán đẫm máu này, Đại Cathay trở thành nhân vật số một trong "Tứ đại thiên vương" của giới tội phạm Sài Gòn: Đại - Tỳ - Cái - Thế.
Băng “Tam đầu chế 3 vua” hoảng sợ, biết gặp phải hổ dữ, tìm cách “cầu hòa”, thực ra là đầu hàng. Ban đầu Đại Cathay đang say máu, lắc đầu. “Tam đầu chế” phải cầu cạnh 2 tên giang hồ có máu mặt thế hệ trước là Ba Hội và Cảnh Tương bày tiệc khuyên giải và “xin” Đại Cathay tha mạng cho tội “dại dột”.
Nể tình 2 đàn anh, Đại Cathay tha cho đối thủ. “Tam đầu chế” ra mắt cúi đầu nhận tội. Đại Cathay yêu cầu “phải quy về một mối”. Thế là băng Aristo biến mất khỏi giang hồ, thay vào đó là cuộc hợp nhất lớn nhất trong thế giới giang hồ Sài Gòn những năm 1960, cho ra đời “Tứ đại giang hồ” (có báo gọi mỉa mai là “Tứ đại thiên vương”) Đại – Tỳ - Cái – Thế.
Tuy nhiên, thực chất 3 vua trong “tam đầu chế” phải nhường lại cho Đại Cathay những phần béo bở nhất để Đại “chia” cho đất sống.
Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan, giám đốc Nha cảnh sát Đô Thành là người quyết liệt trong việc bài trừ giang hồ, ông lập ra Trung tâm Bài trừ Du đãng, trụ sở đặt tại quận Thủ Đức, sát cầu Bình Triệu và Biệt đội Hình cảnh nhằm tiêu diệt tội phạm; cử người thân cận của mình là đại úy Trần Kim Chi làm đội trưởng. Trần Kim Chi bị tử nạn một cách bất ngờ, một chiếc xe tải chở gỗ đã tông thẳng vào xe của ông khiến thiệt mạng. Những lời đồn đại về một vụ mưu sát do Đại Cathay cầm đầu đã khiến tướng Nguyễn Ngọc Loan tức giận, ông ra lệnh bắt giam Đại Cathay với tội danh "du đãng đặc biệt".
Ngày 28/11/1966, Đại Cathay bị tống lên máy bay vận tải C47 đưa ra giam giữ tại đảo Phú Quốc. Là một tên tội phạm vốn quen tự do, Đại vạch ra kế hoạch vượt ngục. Tiền và vàng từ ngoài đất liền được vợ và đàn em chu cấp. Đại quyết định trốn trại với lời hứa giúp đỡ của một vài viên sĩ quan bảo an trong trại. Rạng sáng ngày 7/1/1967, Đại và các đàn em khác tiến hành trốn trại. Bị phát hiện, Đại Cathay và đàn em thân tín nhất của mình chạy ngược lên phía núi Tượng của đảo Phú Quốc. Kể từ đó, không ai còn thấy Đại Cathay.
Hiếu xì-po – trùm giang hồ khét tiếng ở miền Tây
Hiếu xì-po là biệt danh của Võ Hoàng Hiếu (SN 1970, ngụ ấp An Thái, xã Hòa Bình huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Xuất thân trong một gia đình lao động nghèo, đông con (Hiếu có bảy anh chị em). Vì thế, Hiếu không được học hành tới nơi tới chốn mà phải bỏ ngang để đi “ở đợ” cho hàng xóm và lớn lên với nghề chăn vịt chạy đồng.
Hiếu xì-po khi bị bắt. |
Ngày tháng trôi qua, Hiếu lớn lên rồi trở thành một thanh niên 20 tuổi lúc nào không hay. Thấy con trai đã lớn, không thể mãi là anh chăn vịt nghèo hèn, ông Võ Văn Dừa nghĩ cách cưới vợ cho Hiếu để hắn có trách nhiệm với gia đình, tập trung làm ăn thoát khỏi đời anh chăn vịt chạy đồng.
Những tưởng có vợ, Hiếu sẽ lo làm ăn gây dựng gia đình, chăm lo cho vợ con, nhưng trong đầu gã chăn vịt thì có nghĩ được nghề nghiệp nào cho ra hồn mà chỉ muốn kiếm tiền nhanh bằng… cờ bạc, mà cờ bạc gian lận mới mau phất.
Nhờ cờ gian bạc lận mà trong thời gian ngắn Hiếu có được một số vốn lận lưng nên rủ theo một số bạn bè ra Long Xuyên làm ăn. Chẳng biết Hiếu làm ăn gì mà ngày ngủ, đêm thức để “hành nghề”, thỉnh thoảng Hiếu còn phải chạy bán sống bán chết để trốn công an truy bắt.
Khi đã lận lưng được số vốn kha khá, Hiếu quyết định mở một quán cà phê cho vợ đứng ra trông coi, còn hắn sẽ dùng nơi này tập hợp đàn em tính chuyện “làm ăn lớn” sau này. Nghĩ là làm, Hiếu bung tiền ra thuê một miếng đất làm mặt bằng mở quán cà phê tại ấp An Thái (xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới). Đúng như kế hoạch, quán cà phê chỉ là bề nổi, thể hiện sự làm ăn chân chính.
Còn bên trong Hiếu bắt đầu quy tụ đàn em về dưới trướng, đó là những tay anh chị trong thế giới cờ bạc mà Hiếu đã quen biết như các tên: Giàu thẹo, Lành tiến sĩ, Hậu Tony, Tinh thái sư… cứ nghe hỗn danh những tên này đã đủ biết là thành phần có “số má” trong giang hồ. Do vẫn còn bơ vơ, chưa có một ông trùm để cai quản nên Hiếu là người được bọn chúng chọn để quy phục, đồng thời chính Hiếu cũng đang cần những tay sát thủ này về dưới trướng.
Thời gian này Hiếu mua chiếc xe gắn máy Sport để đưa đón con đi học nên có biệt danh là Hiếu xì-po. Quán cà phê khai trương chỉ ít lâu, một hôm trong lúc người đàn ông này đưa con đi học chưa về kịp thì có một đám dân chơi ở địa bàn khác ào tới gây sự đập phá quán tan tành. Lúc đó, Tuyết Nhung, vợ Hiếu trông coi quán chỉ biết ôm mặt khóc.
Về nhà, thấy cảnh quán điêu tàn còn vợ thì khóc tức tưởi tính chuyện đóng cửa quán cho yên thân, Hiếu đã triệu tập đàn em lên kế hoạch trả thù. Cuộc xuất quân của họ hoàn toàn thắng lợi.
Ngày hôm đó danh tiếng của Hiếu nổi lên ở khu vực Chợ Mới. Nhân cơ hội này Hiếu thành lập luôn băng nhóm đòi nợ thuê, chém mướn do hắn làm ông trùm với 39 tên đàn em có máu mặt, số má giang hồ. Để có tiền nuôi quân, tên này mở trường gà tại nhà.
Rồi những mánh khoé cờ gian, bạc lận cũng được ông trùm này dạy cho đàn em của mình.
Khi quân đông, Hiếu nghĩ ra các chức danh “tổ trưởng phụ trách địa bàn”, "tổ trường tổ răn đe" giao cho những đàn em thân tín đảm nhiệm.
Do có nhiều đàn em dưới trướng mà hầu hết trong số này là những tay giang hồ máu lạnh, giết người không run tay nên Hiếu xì-po tự coi mình như “ông trùm” Năm Cam ở vùng Chợ Mới-An Giang. Dưới con mắt của đám đàn em, Hiếu xì-po là một “ông trùm” giang hồ không chỉ có khối tài sản của nổi, của chìm rất lớn mà đằng sau Hiếu xì-po còn có người chống lưng nên chúng càng lộng hành. Suốt một thời gian dài, bị băng nhóm của Hiếu xì-po khống chế, ức hiếp, số nạn nhân ngày càng tăng nhưng không ai dám đứng ra tố cáo hắn.
Kể cả những người dân bị Hiếu xì-po ngang nhiên dẫn đàn em xông vào xét nhà, hăm dọa cũng không dám ra mặt chống đối hoặc thưa kiện vì sợ trả thù. Do đó, chính quyền và công an địa phương cũng không đủ căn cứ bắt Hiếu xì-po. Tuy nhiên, hoạt động xã hội đen của băng nhóm giang hồ này không nằm ngoài vòng kiểm soát của cơ quan điều tra. Các trinh sát hình sự ngày đêm vẫn bám sát hắn nắm thêm chứng cứ để củng cố hồ sơ chờ thời điểm thích hợp hốt một mẻ lưới lớn.
Tháng 2/2010, Hiếu đã bị công an tỉnh An Giang bắt giữ sau hàng loạt vụ đòi nợ thuê kiểu giang hồ. Biết có động, Hiếu cùng đàn em phóng xe ô tô chạy trốn. Nhưng khi chúng đến trạm kiểm soát cầu Mỹ Thuận thì bị mũi trinh sát của Phòng cảnh sát hình sự công an tỉnh An Giang đón chặn ở đây bắt giữ. Khám xét người Hiếu, trinh sát thu giữ nhiều tang vật là kim loại màu vàng. Khám nhà Hiếu, công an thu giữ khối tài sản lớn gồm vàng, tiền đồng và USD cũng nhiều hung khí như súng hơi, côn nhị khúc, kiếm… mà Hiếu xì-po và băng nhóm dùng để gây án.