Chuyện những người cầm súng bảo vệ "cổng trời"

Cái lạnh thấu da nơi biên cương giữa trùng điệp đại ngàn, với biết bao khó khăn, vất vả và nỗi nhớ gia đình day dứt nhưng những cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Sông Thanh vẫn ngày, đêm vững tay súng canh gác trên “cổng trời” cho sự bình yên của Tổ quốc.

Gian truân đường lên “cổng trời”
Những ngày đầu của tháng cuối năm, chúng tôi vinh dự được Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh Kon Tum giới thiệu lên thăm và làm việc với các cán bộ, chiến sĩ của Đồn biên phòng Sông Thanh.
Do ảnh hưởng nghiêm trọng của cơn bão số 12 nên con đường từ xã Đăk Man vào xã Đăk Blô (huyện Đăk-Glei) bị chia cắt hoàn toàn, các phương tiện không thể lưu thông. Trưa hôm đó, chúng tôi phải đi vào xã Đăk Nhoong rồi theo con đường bê-tông liên xã dài 20km mới có thể vào được trung tâm xã Đăk Blô. Trớ trêu thay, con đường liên xã này cũng bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn bị đất, đá trên đồi trôi xuống vùi lấp. Để kịp vào ĐBP Sông Thanh trước tối, chúng tôi phải nhờ đến sự trợ giúp của Cty CP Tấn Phát.
Đường từ trung tâm xã Đăk Blô vào Trạm kiểm soát biên phòng Đăk Blô cũng xuất hiện nhiều đoạn sạt lở. Xe chúng tôi không thể đi tiếp và phải quay lại ĐBP Đăk Blô. Lúc đó, chúng tôi được một chiến sĩ của Trạm kiểm soát biên phòng Đăk Blô dùng xe máy chở lần lượt từng người vào trạm. Sau khoảng gần 2 tiếng vất vả, chúng tôi cũng đã đến được Trạm kiểm soát biên phòng Đăk Blô.
 
Một chiến sĩ biên phòng của Trạm lại tiếp tục chở lần lượt chúng tôi lên “cổng trời”. Sau khi ngồi xe máy đi được 7km, chúng tôi phải đi bộ khoảng hơn 5km nữa mới vào được đến ĐBP Sông Thanh.
Nỗi niềm nơi biên cương
ĐBP Sông Thanh (ĐBP 663) đóng tại xã Đăk Blô, huyện Đăk-Glei (tỉnh Kon Tum), giáp với tỉnh Sê-Kông (Lào) và tỉnh Quảng Nam. Hiện đơn vị quản lý 8 cột mốc (Cột mốc 736-743) với khoảng 16km đường biên, cột mốc xa nhất (cột mốc 736) đi bộ khoảng 6 giờ đồng hồ và đây là đồn biên phòng duy nhất của tỉnh chưa có đường tuần tra biên giới.
Bên bếp lửa cháy phập phù, anh Nghĩa (Cán bộ ĐBP Sông Thanh), kể: “Tôi lên đây nhận nhiệm vụ cũng được mấy tháng rồi, nhưng đây là đồn biên phòng xa nhất và đường đi khó khăn nhất. Thời tiết ở đây cũng rất khắc nghiệt, quanh năm hầu hết là mưa rét khiến cho cuộc sống sinh hoạt cũng gặp không ít khó khăn”. Rồi anh Nghĩa nói vui: Nơi đây “đặc sản” là “ruồi vàng, bọ chó, gió Đăk Glei” rồi kéo chiếc ống quần lên cho tôi xem đôi chân toàn những đốm đen do ruồi vàng cắn.
Thượng tá Võ Văn Sơn (Chính trị viên ĐBP Sông Thanh), nhớ lại: “Khi mới thành lập đồn nên chưa có đường đi. Chính vì vậy, cứ 2 ngày cán bộ, chiến sĩ của đơn vị phải thay nhau đi bộ hơn 12km để cõng gạo, thực phẩm và dầu vào đồn. Do đường xa và khó đi nên cán bộ, chiến sĩ phải đi từ tờ mờ sớm và đến chập choạng tối mới về đến nơi”
Trong 17 ĐBP thì ĐBP 663 là đơn vị có thời tiết đặc thù riêng, quanh năm có 9 tháng mưa dầm và chỉ có khoảng 3 tháng nắng. Oái oăm thay, khi mưa xuống thì vắt dày đặc như chông, còn khi nắng lên thì ruồi vàng phủ kín khắp trời. Cũng do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt nên quần áo giặt không khô, cơm nấu không chín.
Chiến sĩ A Ngủn (20 tuổi) từ xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông vào đơn vị ĐBP Sông Thanh từ năm 2015 và trước Tết này sẽ được xuất ngũ. A Ngủn, nhớ lại: “Lúc em mới nhập ngũ vào đơn vị, do Tết năm đầu em chưa quen cảnh xa nhà nên Tết năm đó gọi điện về cho bố mẹ, vì quá thương con nên bố mẹ khóc. Năm nay em được xuất ngũ trước Tết để về ăn Tết em nên đã thông báo cho gia đình rồi”.
Còn với Trung úy Hà Văn Lừng (Đội phòng chống ma túy và tội phạm), cho biết: “Em công tác tại đồn biên phòng Sông Thanh được 2 năm nay rồi. Năm ngoái em cũng lập gia đình, nhưng cưới xong thì phải tranh thủ lên đơn vị luôn. Tết vừa rồi em không được về ăn Tết cùng vợ nên chỉ biết động viên cho vợ đỡ tủi thân”.
Vững chắc tay súng trên “cổng trời”
Bỏ lại sau lưng những khó khăn, vất vả, nỗi nhớ vợ con, gia đình, những cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Sông Thanh luôn vững chắc tay súng trên “cổng trời” để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc.
Mặc dù ĐBP Sông Thanh đóng chân trên địa bàn không có dân cư nhưng đơn vị vẫn phối hợp với ĐBP Đăk Blô (ĐBP 665) để tuyên tuyền đến người dân trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc và an ninh biên giới. Trong đó, ĐBP Sông Thanh đã kí kết với 16 hộ dân thôn Đăk Bok để bảo vệ các cột mốc ở khu vực người dân có rừng chăm sóc.
Bên cạnh đó, ĐBP Sông Thanh còn có các công trình như: “Địa chỉ đỏ”, “hũ gạo tình quân dân”, “nâng bước em đến trường” bằng việc nhận đỡ đầu 2 em học sinh (hiện đã học đến lớp 10) với kinh phí 500.000 đồng/tháng; hỗ trợ 1000.000 đồng/em với công trình “địa chỉ đỏ”. Còn với công trình “Nâng bước em đến trường”, đơn vị còn hỗ trợ 1 em nước bạn Lào. Để tăng tình đoàn kết giữa 2 nước, ĐBP Sông Thanh còn thường xuyên qua bên nước bạn Lào để thăm khám và chữa bệnh miễn phí, thường xuyên duy trì hoạt động thăm hỏi giữa 2 địa phương của 2 nước Việt Nam-Lào.
Để các cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, lãnh đạo ĐBP luôn làm tròn công tác tư tưởng, luôn chăm lo và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các chiến sĩ vui chơi, giải trí và động viên tinh thần cho các chiến sĩ.
Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng-Đồn trưởng ĐBP Sông Thanh, kể lại: “Tôi nguyên là giáo viên của trường Biên phòng. Trong một lần được điều động đi tăng cường ở Kon Tum, do cảm mến vùng đất hoang sơ, yên bình và không khí trong lành nên đã xin lại công tác tại ĐBP Sông Thanh cho đến bây giờ”.
Với Thượng tá Sơn, Thượng tá Dũng và cho đến các chiến sĩ như A Ngủn, Hà Văn Lừng…đều luôn mang trong mình dòng máu yêu quê hương, đất nước và khát khao cống hiến để bảo vệ bình yên cho nhân dân. Nhưng sau lưng các anh luôn có vợ con, bố mẹ là hậu phương vững chắc để cho các anh yên tâm công tác, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Chia tay các anh trong những cái bắt tay thật chặt, một nụ cười với niềm tin mãnh liệt, những hành động đó của các anh như muốn nhắn nhủ với chúng tôi rằng: “Nơi biên cương giữa trùng điệp đại ngàn, những cán bộ, chiến sĩ biên phòng vẫn luôn vững vàng tay súng để bảo vệ bình yên cho nhân dân, cho Tổ quốc”.