Người sưu tập những thứ đồ cổ ấy chính là Đại đức Thích Tâm Hiền, trụ trì chùa Đại Bi (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa).
Bảo vật của vua Gia Long tặng
Chúng tôi đến chùa Đại Bi vào cuối buổi chiều, tiếp chúng tôi là một sư thầy phúc hậu. Đại đức Thích Tâm Hiền cho biết, ngày nhỏ ông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ xuống tóc đi tu. Ông từng tốt nghiệp trường Đại học Công Đoàn Hà Nội, ra trường được phân công công tác tại Thành đoàn tỉnh Thanh Hóa. Công việc thuận lợi, là niềm ao ước của mọi người. Nhưng khi đó ông thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện của các nhà chùa, thích nghe sư thầy tụng kinh niệm Phật. Và một ngày đẹp trời ông đã nói với bố mẹ sẽ xin nghỉ việc để xuống tóc bước vào con đường tu hành.
Đại đức Thích Tâm Hiền bảo, khi ông xuống tóc nhiều người thân khóc thương. Có người bảo đầu óc ông không bình thường nên mới làm thế. Nhưng ông có lí lẽ riêng của mình. Ông không xuống tóc vì phẫn uất cuộc đời, rời xa thế sự. Ông bước vào con đường tu hành để có điều kiện giảng đạo Phật, hỗ trợ người nghèo nhiều hơn.
Rùa đá cũng được Đại đức Thích Tâm Hiền sưu tập. |
Thầy Hiền cho hay, gia đình ông cũng thuộc dòng dõi quan lại. Xưa kia gia đình ông từng được vua Gia Long về thăm và tặng một miếng ngọc bội. Giờ bảo vật vua ban cho gia đình ông vẫn còn. Theo quy định trong gia tộc ông, một năm chỉ được duy nhất lấy bảo vật đó ra một lần để lau chùi. Khi lấy ra xem phải được mọi người trong gia tộc chứng kiến. "Đây là báu vật vô giá mà gia đình tôi vẫn giữ được. Từ nhỏ tôi đã quý trọng những đồ vật cũ, vì thế nhiều năm qua tôi đã sưu tập những đồ cổ cho chùa".
Khi thầy Hiền về quản lý chùa Đại Bi, cơ sở vật chất hư hỏng nặng nề. Chiến tranh, cùng sự xuống cấp của chùa, đã phá vỡ cảnh quan trước đây. Đến những pho tượng đá của chùa cũng đã bị xâm hại. Vì thế, từ nhà cửa, đến các đồ vật trong chùa đều do sư Hiền gây dựng.
Những chiếc cối đá thầy Hiền sưu tập có niên đại lên đến 700 năm. |
Cối đá vứt chỏng chơ có niên đại 700 năm
Dẫn chúng tôi ra khu các cối đá trước sân chùa, Đại đức Hiền bảo đó là thành quả nhiều năm ông đi sưu tầm. Theo Đại đức Hiền, chiếc cối đá gắn liền với truyền thống làm nghề nông nghiệp của dân tộc. Xưa kia hầu như nhà nào cũng có chiếc cối đá trong nhà để giã gạo. Nhưng hiện nay, cuộc sống hiện đại, người ta đã không dùng đến vật dụng đó nữa. Những chiếc cối đá xưa kia giờ bị vứt bỏ, thậm chí là phá hủy. Nhìn thấy điều đó mà ông đau xót. Vì thế, ông đã đi khắp nơi sưu tập những chiếc cối đá mang về chùa để lưu giữ những giá trị xưa của cha ông.
Hàng trăm chiếc cối đá lớn nhỏ trong chùa đều gắn liền với câu chuyện riêng. Sư Hiền chỉ vào chiếc cối đá có đường kính chừng 50cm, trong lòng cối đá có hoa súng nở rất đẹp và kể: Chiếc cối đá này có niên đại chừng 700 năm. Cách đây khoảng mấy năm trước, khi ông đi công tác ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, thấy có một gia đình vứt chỏng chơ chiếc cối đá ở góc vườn. Họ bảo chiếc cối này trước đây 8 đời cha ông dùng để giã gạo, nhưng đến đời họ không dùng đến nữa. Biết đó là chiếc cối đá quý, vì thế Đại đức Hiền đã đặt vấn đề với chủ nhà muốn mua lại chiếc cối đó và nói rằng, ông không có ý định kinh doanh gì mà chỉ muốn mang về chùa làm vật lưu niệm thôi. Nói rồi ông đưa cho chủ nhà một số tiền và thuê người chở cối về nhà.
Một chiếc thùng làm bằng đá được thầy Hiền sưu tập. |
Biết Đại đức Hiền thích sưu tập cối đá, ai thấy người ta vứt cối đi, không dùng lại báo cho thầy đến mang về chùa. Thầy Hiền bảo: "Có đêm đang ngủ, nhận được thông tin có chiếc cối đá người ta nhặt được ngoài bờ sông tôi lại tức tốc tới để chở cối về. Những chiếc cối đá trong chùa nếu tính giá trị bằng tiền thì không nhiều, nhưng công sức tôi bỏ ra mang về chùa thì không tính được bằng tiền".
Xứ Thanh đệ nhất mõ
Thầy Hiền dẫn tôi đi vào khu vực nhà Tam Bảo, chỉ tay về phía những chiếc mõ và bảo đó là một trong những bộ sưu tập mà ông dụng công sưu tầm. Từ khi bước vào giới tu hành thầy Hiền đã nghiên cứu mõ. Đại đức Hiền cho hay: "Trong giáo lý nhà Phật, chiếc mõ là Pháp bảo, vật bất ly thân với người xuất gia, âm thanh của tiếng mõ giúp cho người tụng kinh được mạch lạc hơn. Người tụng kinh có thần thái hơn cũng nhờ vào tiếng mõ". Nhưng điều thầy Hiền thấy đáng buồn là hiện nay nhiều nhà sư đã bỏ chiếc mõ to xù xì và thay bằng chiếc mõ đánh véc ni bóng loáng nhìn rất bắt mắt.
Những chiếc mõ trong chùa Đại Bi được thầy Hiền giữ gìn rất cẩn thận. Trong số những chiếc mõ chùa đang sử dụng có chiếc có niên đại đến 700 năm. Đến giờ khi được sở hữu chiếc mõ đó, thầy Hiền cũng cho rằng, đó là cơ duyên hiếm có.
"Trước đó tôi đã sưu tập được nhiều loại mõ khác nhau, nhưng về niên đại cũng chưa hẳn đã lâu. Một lần xuống Hải Phòng công tác, tôi vào thăm một ngôi chùa cổ, nhưng người ta đã trùng tu, đồ đạc trong chùa đa số đều thay mới hết, chiếc mõ với màu sơn bóng loáng thay thế cho chiếc mõ cũ kỹ. Thấy vậy, tôi đã hỏi sư trụ trì sao những đồ vật cũ vẫn dùng được mà nhà chùa phải thay thế đồ mới. Người trụ trì đó bảo, Nhà nước đầu tư đồng bộ, phải thay thế đồng loạt. Thấy chiếc mõ cổ kính, tôi tiếc nó bỏ xó nên đã xin lại làm vật lưu niệm", thầy Hiền cho biết thêm.
Đại Đức Thích Tâm Hiền gõ chiếc mõ cổ có niên đại 700 năm. |
Thầy Hiền cho hay, hiện không chỉ ngôi chùa ở Hải Phòng đã không còn dùng đến mõ xưa, mà nhiều ngôi chùa khác cũng thế. "Nhiều các nhà sư ở các chùa, họ không chú ý đến giá trị của truyền thống lịch sử, văn hóa của chùa nữa. Chiếc mõ không chỉ đơn thuần để gõ cho kêu mà nó còn mang giá trị truyền thống. Những vật dụng của thế hệ trước, giờ đây chúng ta phải giữ gìn. Nhìn những vật dụng đó bỏ đi tôi tiếc lắm", Đại đức Thích Tâm Hiền cho biết.
"Chùa Đại Bi được xây dựng bằng đá dưới thời vua Lê Thần Tông rất nguy nga. Nhưng do chiến tranh và sự tàn phá của con người nên trước khi tôi về tiếp quản chùa chỉ bãi đất trống. Vì thế, tôi muốn tôn tạo lại chùa với những đồ vật cổ kính. Những đồ vật tôi sưu tập như cối đá, tượng đá, mõ cổ muốn lưu giữ cho thế hệ trẻ những giá trị truyền thống, lịch sử của cha ông xưa".
Đại đức Thích Tâm Hiền