CIA và kế hoạch của Ukraine chấm dứt xung đột vũ trang với Nga
Giám đốc CIA William Burns đã được thông báo về kế hoạch đầy tham vọng của Ukraine muốn tái chiếm lãnh thổ và ép Nga ngồi vào bàn đàm phán vào cuối năm 2023 này, tiến tới chấm dứt xung đột vũ trang đẫm máu giữa đôi bên.
Theo Trung Hiếu/VOV
Kế hoạch tham vọng về lãnh thổ và đình chiến
Trong chuyến thăm bí mật của Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns tới Ukraine trong tháng 6/2023, các quan chức Ukraine đã tiết lộ một chiến lược đầy tham vọng để tái chiếm lãnh thổ do Nga kiểm soát và mở các cuộc đàm phán về ngừng bắn với Moscow vào cuối năm nay (2023), theo các quan chức nắm thông tin về chuyến thăm này.
Lính Ukraine nã pháo về phía công sự Nga. Ảnh: Nytimes.
Chuyến thăm của ông Burns đã không được đưa tin trước đó. Nội dung chuyến thăm bao gồm các cuộc gặp gỡ với Tổng thống Ukraine Zelensky và giới chức tình báo cấp cao của Kiev. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine mới chỉ thu được chút ít lợi thế trong chiến dịch phản công của mình và vẫn chưa triển khai hầu hết các lữ đoàn tấn công được phương Tây huấn luyện và trang bị.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho hay: "Giám đốc Burns mới đây đã tới Ukraine như ông vẫn thường làm vậy kể từ khi Nga phát động tấn công Ukraine cách đây hơn một năm".
Quan chức này cho biết, mục đích chuyến thăm là tái khẳng định cam kết của chính quyền Tổng thống Mỹ Bush về chia sẻ thông tin tình báo nhằm giúp Ukraine tự vệ.
Về mặt công khai, giới chức Ukraine bày tỏ sự không hài lòng với các chỉ trích nhằm vào tiến độ của chiến dịch phản công do họ tiến hành. Nhưng mặt khác, theo 3 người quen thuộc với kế hoạch này, giới hoạch định quân sự Kiev đã bí mật thể hiện với ông Burns và các quan chức Mỹ khác rằng họ tin tưởng và lạc quan về mục tiêu tái chiếm đáng kể lãnh thổ vào mùa thu năm nay, đưa pháo và hệ thống tên lửa tới gần ranh giới với bán đảo Crimea do Nga kiểm soát, tiến xa hơn về phía Đông, và mở các cuộc đàm phán với Moscow lần đầu tiên kể từ khi hòa đàm tan vỡ vào tháng 3/2022.
Một quan chức cấp cao của Ukraine nói: "Nga sẽ chỉ đàm phán khi họ cảm thấy bị đe dọa".
Thái độ lạc quan của giới chức Ukraine
Hiện chưa rõ, Ukraine có thực hiện được các kế hoạch đó trong một thời gian ngắn như vậy hay không. Tuy nhiên, CIA từ chối bình luận về đánh giá của Giám đốc Burns đối với triển vọng của cuộc phản công do Ukraine thực hiện.
Tổng thống Zelensky và các chỉ huy quân sự của mình đang chịu áp lực lớn từ các nước phương Tây cung cấp cho Kiev hàng tỷ USD dưới hình thức vũ khí hiện đại và các khóa huấn luyện trước cuộc phản công.
Ukraine đã hứng chịu tổn thất lớn về nhân sự và xe thiết giáp khi cố vượt qua các bãi mìn dày đặc và chiến hào vững chắc của Nga trên địa hình trống trải ở miền Đông và Nam của Ukraine. Thách thức từ địa hình thiếu che chắn và từ các bãi mìn đã khiến các binh sĩ Ukraine càng dễ bị Nga tấn công bằng máy bay và tên lửa.
Tổng thống Zelensky thừa nhận rằng cuộc phản công đang diễn ra "chậm hơn mong muốn", các quan chức Ukraine cũng xác nhận việc Nga đã phá hủy được một số xe tăng Leopard 2 và xe chiến đấu Bradley mà phương Tây viện trợ cho Ukraine.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã bác bỏ các hoài nghi và tuyên bố "màn chính vẫn chưa tới". Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, tướng Valery Zaluzhny, thì kêu gọi kiên nhẫn và khẳng định chiến dịch phản công vẫn đang được tích cực tiến hành.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng mục tiêu của Ukraine ép Nga ngồi vào bàn đàm phán là một điều tham vọng nếu tính đến hệ thống phòng ngự kiên cố và kéo dài của Nga.
Rob Lee - nhà phân tích quân sự tại Viện nghiên cứu Chính sách đối ngoại, nhận định: "Có thể họ cắt đứt được cầu đất nối với Crimea, bằng cách chiếm lãnh thổ đó hoặc đặt nó trong tầm bắn của tên lửa HIMARS và các loại pháo nhưng điều này tùy thuộc vào mức độ tiêu hao... Nếu Ukraine hứng chịu quá nhiều tổn thất, cuộc tiến công của họ có thể kết thúc sớm. Nhưng nếu Ukraine gây đủ tổn thất cho lực lượng và thiết bị Nga cũng như ngăn chặn được dòng tiếp viện, Ukraine có thể sẽ làm suy yếu được phòng tuyến Nga đến mức độ tạo được một đột phá".
Điều khoản "chấp nhận được" với đôi bên
Khi chuẩn bị cho các mục tiêu vào mùa thu tới, ông Zelensky và đội ngũ trợ lý đã bắt đầu nghĩ tới cách chấm dứt chiến sự bằng các điều khoản chấp nhận được với cả Nga lẫn Ukraine. Về phía người dân Ukraine, họ cũng đã rất mệt mỏi sau một năm rưỡi chiến sự.
Trong trường hợp xảy ra kịch bản có lợi cho Kiev, quân đội Ukraine phải đưa được quân và vũ khí tới sát ranh giới giữa Ukraine hiện nay và bán đảo Crimea, nơi đặt đại bản doanh Hạm đội Biển Đen của Nga, biến bán đảo này thành "con tin" để Ukraine mặc cả trên bàn đàm phán.
Nhà phân tích Lee cho biết, "nếu Ukraine có năng lực nhắm tới các mục tiêu như các sân bay, cầu, tuyến đường sắt và trung tâm hậu cần quan trọng, họ có thể gây thêm khó khăn cho Nga trong duy trì cuộc xung đột vũ trang này".
Theo các quan chức Ukraine, khi nhất trí không chiếm Crimea bằng vũ lực, Kiev có thể yêu cầu Moscow chấp nhận các bảo đảm an ninh mà Ukraine có thể nhận từ phương Tây. Tuy nhiên, phương Tây hiện đang khá thờ ơ với ý tưởng kết nạp Ukraine vào NATO do lo sợ rủi ro phải đối đấu trực tiếp với Nga. Thay vào đó, phương Tây đang tập trung vào viện trợ quân sự dài hạn cho Ukraine.
Một quan chức cấp cao của Ukraine nói: "Mỹ đồng ý rằng Ukraine sẽ bước vào đàm phán trên tư thế mạnh. Mỹ hài lòng với việc bộ chỉ huy của chúng tôi không làm điều gì ngớ ngẩn và vẫn giữ được phần lớn binh sĩ và thiết bị. Sự ủng hộ là mạnh mẽ và điều đó tạo thêm động lực lớn cho chúng tôi".
Một chương trình nghiên cứu vũ khí bí mật của quân đội Mỹ được triển khai từ những năm 80 của thế kỉ trước, đến nay vẫn là một bí ẩn khiến nhiều người tò mò.
Trong những năm gần đây, vô số người báo cáo đã nhìn thấy các vật thể bay có hình dạng kỳ lạ (bao gồm cả hình tam giác) và quỹ đạo bay phức tạp. Nhiều người cho rằng đó là sự tồn tại của UFO, nhưng cũng có nguồn tin khẳng định rằng đó là những vũ khí bí mật của quân đội Mỹ. Nhiều nguồn tin xuất phát từ lời kể của một số chuyên gia Mỹ làm việc tại một căn cứ quân sự bí mật gần thành phố Groom Lake, về một công nghệ hàng không ngoài sức tưởng tượng mà người Mỹ đã có. Đó là chiếc máy bay TR-3B trong Căn cứ Papoose, trông giống hệt con tàu của người ngoài hành tinh.
Tình báo trung ương Mỹ (CIA) bắt đầu tiến hành một dự án được xếp vào hàng tối mật với tên gọi MK-Ultra nhằm phát triển những phương pháp có thể sử dụng trong các cuộc thẩm vấn để buộc người bị bắt phải khai ra những bí mật.
Sự ra đời của MK-Ultra
Ngày 14/3/1953, sau nhiều lần thảo luận, giám đốc CIA lúc ấy là Allen Dulles đã chỉ thị cho nhà hóa học Sidney Gottlieb thành lập một nhóm nghiên cứu với mục đích phát triển những loại thuốc kiểm soát tâm trí, có thể khiến tù nhân tự khai ra những bí mật mà người ấy muốn giấu, nhất là với những điệp viên làm việc cho Liên Xô và một số nước Đông Âu cũng như Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên. Nhóm nghiên cứu ấy được gọi là MK-Ultra.