Theo đó, HĐQT CII đã thông qua phương án phát hành 1.600 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền ra công chúng, số trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm và lãi suất dự kiến 11% mỗi năm.
Mới đây nhất, ngày 28/12/2020, CII đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 42 tháng, trả lãi 3 tháng 1 lần, lãi suất 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 10,3%/năm. Mục đích đợt phát hành dùng để thanh toán 300 tỷ đồng trái phiếu được phát hành năm 2017; góp thêm vốn vào công ty con 200 tỷ đồng.
Kể từ đầu năm 2020 tới nay, CII là doanh nghiệp liên tục tìm mọi cách phát hành trái phiếu để vay vốn, trong đó ngoài phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư, còn phát hành quyền mua trái phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Tính trong năm 2020, CII đã phát hành 2.540 tỷ đồng trái phiếu thông qua 6 đợt phát hành.
CII muốn huy động vốn. |
Tính đến cuối ngày 28/12/2020, tổng nợ của CII là 13.326 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 6.137 tỷ đồng và nợ dài hạn 7.189 tỷ đồng. Riêng nợ từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp đạt 7.517 tỷ đồng. Nếu lần huy động này thành công, tổng nợ từ trái phiếu của CII dự kiến vượt 9.100 tỷ đồng.
Điểm đáng lo ngại đó là dòng tiền của doanh nghiệp khi liên tục huy động vốn. Dòng tiền hoạt động kinh doanh chính trong 9 tháng đầu năm âm kỷ lục 1.485 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 524 tỷ đồng.
Được biết, trong vòng 4 năm trở lại đây, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp âm và dương không đáng kể, trong đó âm lớn nhất là 608 tỷ đồng trong năm 2017. Như vậy, chỉ mới 9 tháng qua đi mà doanh nghiệp đã âm kỷ lục dòng tiền.
Ngoài ra, dòng tiền đầu tư cũng âm 767 tỷ đồng, để bù đắp dòng tiền hoạt động kinh doanh chính thâm hụt vốn và hoạt động đầu tư âm, doanh nghiệp đã phải huy động dòng tiền tài chính dương kỷ lục lên tới 2.157 tỷ đồng, đây chủ yếu là vay nợ tăng thêm.