Ngày 9/11, TNC tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 nhằm thông qua bổ sung thêm nội dung vào Đề án cơ cấu lại CTCP Cao su Thống Nhất giai đoạn 2021-2025 theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 22/08/2024.
Tại Đại hội, ông Nguyễn Hữu Mạnh Nhường trình bày văn bản số 11904/UBND-VP ngày 22/08/2024 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc ý kiến biểu quyết của Người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Cao su Thống Nhất.
Theo đó, cơ quan quản lý muốn TNC tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính và vì vậy sẽ thoái vốn đầu tư tại CTCP Dịch vụ XNK nông lâm sản và phân bón Bà Rịa (Baria Serece), đơn vị đang cung cấp dịch vụ cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, nằm ngoài hoạt động cốt lõi của TNC.
ĐHĐCĐ TNC đã thống nhất thoái vốn Baria Serece |
Đối lập ý kiến giữa 2 nhóm cổ đông nắm hơn 40% vốn
Với nội dung này, các cổ đông đã có ý kiến và đưa ra quan điểm trái chiều. Theo ý kiến của bà Dương Thị Kiều Anh cổ đông sở hữu và đại diện hơn 4 triệu cổ phiếu TNC (hơn 20% vốn), phần vốn đang đầu tư vào Baria Serece đang rất hiệu quả, nếu thoái sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của cổ đông. “Vì vậy, tôi không tán thành việc thoái vốn”, cổ đông này nói, đồng thời cho biết không tán thành việc bổ sung nội dung trên.
“Nếu Nhà nước thấy đầu tư ngoài ngành thì Công ty chúng ta nên bổ sung ngành nghề kinh doanh vào giấy phép đăng ký kinh doanh. Trong trường hợp đại hội biểu quyết thông qua thì ưu tiên cho chúng tôi được mua lại phần vốn”. - bà Kiều Anh cho hay.
Ngược lại, việc thoái vốn vẫn nhận được sự đồng thuận từ đại diện nhóm cổ đông khác - cũng nắm hơn 4,11 triệu cổ phiếu TNC (hơn 20% vốn) - bà Nguyễn Thị Minh Dung làm đại diện. Tuy vậy bà Dung yêu cầu “chia cổ tức toàn bộ đối với thu nhập từ việc thoái vốn nêu trên”.
Sau thảo luận, nội dung trình vẫn được thông qua với tỷ lệ tán thành tới 77,21% cổ phiếu biểu quyết dự họp.
Theo BCTC quý 3/2024 của TNC, doanh nghiệp này đang ghi nhận khoản đầu tư góp vốn vào Baria Serece với giá gốc là 26,81 tỷ đồng, theo thuyết minh TNC góp 12% vốn điều lệ tại Baria Serece giá trị ban đầu là 1.796.000 USD.
Baria Serece là công ty liên doanh có vốn nước ngoài, ra đời khoảng 30 năm trước. Doanh nghiệp có trụ sở tại thị xã Phú Mỹ, cung cấp dịch vụ khai thác cảng trên sông Thị Vải, được cho là đã sở hữu cảng nước sâu đầu tiên tại Việt Nam thời điểm đó.
Trong 3 năm gần đây, Baria Serece ghi nhận lợi nhuận lớn vài trăm tỷ đồng. Cụ thể, năm 2021 lãi 202 tỷ; năm 2022 lãi 205 tỷ; năm 2023 lãi 191,88 tỷ.
Từ năm 2022 đến năm 2025, Baria Serece sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô cảng, với chi phí đầu tư dự kiến 48 triệu USD, được tài trợ bằng nguồn cổ tức giữ lại và vay ngân hàng.
“Cổ tức được chia trong giai đoạn 2022-2025 sẽ giảm 40-60%”, theo báo cáo thường niên 2023 của TNC, nhưng điều quan trọng có lẽ là tiến độ dự án chậm do vướng mắc về thủ tục môi trường và quản lý hành chính, có thể là một trong những lý do dẫn đến quyết định thoái vốn của lãnh đạo tỉnh.