Không đi khám bệnh vì quan niệm sinh ra sao thì để vậy
Từ khi chào đời, Dương Dung (23 tuổi, quê Đồng Tháp) đã xuất hiện những mảng lông đen ở vùng má phải, chân, tay, cổ và phần nửa người trên. Vì không có điều kiện, ba mẹ Dung không đưa con gái đi khám. Một phần, họ cho rằng, những vùng da mọc lông đen trên cơ thể con gái do bớt lành tính gây nên.
Những mảng lông, da trên người Dung càng ngày càng đen và lan rộng hơn, chiếm khoảng 40% cơ thể. Nhiều người nói với ba mẹ Dung nên đưa con đi khám xem bị bệnh gì để điều trị. Một bác sĩ làm trong ngành thẩm mỹ biết chuyện của Dung, đến nhà nói với ba mẹ cô nên để ông đưa Dung đi chữa trị. Tuy nhiên, ba Dung không đồng ý và nói: “Con người sinh ra như thế nào thì để vậy”.
Nửa mặt bên trái của Dung nhìn như "người sói". Ảnh: NVCC.
Vì có diện mạo lạ, từ ngày còn nhỏ Dung thường xuyên bị bạn học, những người xung quanh chọc ghẹo. Có người còn đặt cho cô cái tên là “bớt” hoặc là Dung “sói”. Điều này làm cô ban đầu thấy có chút buồn, mặc cảm, ngại tiếp xúc với người lạ.
Cho đến khi đi làm việc trong hội phụ nữ ở địa phương, Dung mới thấy tự tin hơn một chút, không còn sợ bị người khác chọc ghẹo vì khuôn mặt của mình. Khi lên mạng tìm hiểu, Dung biết những mảng da mọc lông đen trên cơ thể mình không phải là bớt lành tính mà do hội chứng hypertrichosis (hay còn gọi là hội chứng Ambras, bệnh "người sói") gây nên. Bệnh do sự phát triển bất thường của râu, tóc và các khu vực khác trên cơ thể. Chứng này xảy ra ở phụ nữ và nam giới, nhưng nó cực kỳ hiếm. Sự phát triển bất thường của lông có thể bao phủ khắp mặt và cơ thể hoặc thành từng mảng nhỏ.
“Bây giờ, nhiều người biết tôi bị như vậy là do bệnh nên ai cũng thông cảm”, Dung chia sẻ.
Bệnh "người sói" khá hiếm trên thế giới, khiến người mắc mọc lông khắp cơ thể. (Ảnh minh họa)
Y văn thế giới từng ghi nhận, bệnh “người sói” được xếp vào loại cực hiếm gặp với xác suất 1/1.000.000 người. Đến nay, thế giới mới chỉ ghi nhận khoảng hơn 50 người mắc tính từ thời trung cổ. Ca mắc bệnh đầu tiên phát hiện từ thế kỷ XVI.
Ở Việt Nam, ngoài Dung từng có 3 người mắc bệnh “người sói” là bé trai 12 tuổi ở Quảng Bình, bé trai 6 tuổi ở Quảng Nam và 1 bé gái 7 tuổi ở Cà Mau.
Sợ cạo lông sẽ bị bệnh
Từng tiếp nhận và điều trị cho bé gái 6 tuổi ở Cà Mau mắc bệnh “người sói", bác sĩ Đỗ Ngọc Ánh, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM, cho biết, đến nay y văn vẫn chưa khẳng định chắc chắn về nguyên nhân gây căn bệnh này. Tuy nhiên, giả thuyết được ngành y tế đặt ra là bẩm sinh, suy dinh dưỡng, phản ứng với thuốc mọc tóc, thuốc ức chế miễn dịch và steroid androgenic.
Năm 2019, tại Tây Ban Nha đã có 16 trẻ mắc bệnh “người sói” do nhiễm độc vì dùng thuốc có chứa chất kích thích mọc tóc. Vì vậy, để biết nguyên nhân tại sao bị bệnh, bác sĩ Ánh cho rằng, Dung cần đi khám, làm xét nghiệm mới có thể đưa ra kết luận.
Ước mơ của Dung là có thể loại bỏ được những phần lông đen trên cơ thể minh. Ảnh: NVCC.
Dung cho biết, ngày còn nhỏ, những tảng lông đen trên người cô nhỏ nhưng cô càng lớn, lượng lông càng dài và lan rộng thêm. Phần da ở các vị trí này cũng đen theo màu lông. Dù các bất thường này không gây đau đớn, khó chịu nhưng lại trông phản cảm, khiến việc tắm rửa cũng trở nên khó khăn hơn.
Khi tham khảo thông tin về căn bệnh “người sói”, Dung thấy các bác sĩ khuyên người bệnh nên thường xuyên tẩy, cạo lông vì y học chưa tìm ra cách chữa trị triệt để căn bệnh. Sau đó, Dung cũng muốn làm theo để mình có thể tự tin, một phẩn dễ tắm rửa hơn nhưng bị mẹ và bà ngoại can ngăn. “Mẹ và bà ngoại nói, cạo lông đi sẽ bị bệnh. Tôi sợ bị bệnh nên cũng không làm gì cả”, Dung chia sẻ.
Dung cho biết, điều ước bây giờ của cô là có thể loại bỏ những phần lông đang có trên cơ thể, tuy nhiên điều này là rất khó, cần nhiều thời gian, tiền bạc và vì điều kiện kinh tế hiện tại không cho phép. Cô dự định sẽ sống chung với căn bệnh, tuy nhiên chưa dám đồng ý yêu ai vì sợ bạn đời khó chấp nhận ngoại hình của mình.