Cô gái Sài Gòn liên tục tìm bạn tình vì quan hệ với ai chỉ 1-2 lần là chán, biết lý do nhiều người thương hơn giận

Sau một năm chia tay bạn trai, cuộc sống và cảm xúc của Hương Khuê cũng dần ổn định và bình thường trở lại. Tuy nhiên, hiện cô không thể gắn kết cuộc đời mình với người đàn ông khác.

Tự tử khi chia tay bạn trai, giờ liên tục thay đổi bạn tình

Hương Khuê (26 tuổi, TP.HCM) là cô gái xinh đẹp, cao ráo, thu nhập tốt. Đến nay, cô đã chia tay bạn trai hơn 1 năm. Hương Khuê kể, cô và người bạn trai trước đây từng có hơn 3 năm yêu nhau. Là mối tình đầu nên Hương Khuê rất yêu, ngưỡng mộ bạn trai. Cả hai từng tính đến chuyện kết hôn, sinh con, được hai bên gia đình chấp thuận nên quyết định thuê một căn hộ chung cư sống thử.

Suốt hơn 2 năm sống chung, Hương Khuê nhiều lần phải bỏ thai vì cả hai chưa muốn có con, một phần muốn cùng nhau kiếm tiền mua được căn nhà thành phố trước. Đến khi phát hiện bạn trai ngoại tình rồi đòi chia tay, Hương Khuê sốc, mất niềm tin vào tình yêu và đã 2 lần tự tử không thành.

Hương Khuê từng đau khổ, tự tử sau khi chia tay bạn trai. Ảnh minh họa.

Tới khi cuộc sống và cảm xúc của Hương Khuê ổn định, cô cũng bắt đầu mở lòng để hướng đến mối quan hệ nghiêm túc, dài lâu. Trong khoảng 1 năm qua, cô từng quen rất nhiều người thông qua mạng xã hội, bạn bè giới thiệu hay gặp gỡ khi đi làm, đi chơi... Trong đó, có người yêu Hương Khuê thật lòng, có vài trường hợp tỏ ra nghiêm túc nhưng thực chất chỉ qua lại để được quan hệ tình dục. Dù biết mình bị lợi dụng, Hương Khuê vẫn không thấy buồn, hận hay có ý làm gì đó trả thù người kia.

Hương Khuê cho biết, việc quan hệ tình dục với bạn tình giúp cô đỡ căng thẳng, thấy vui hơn và dần quên đi được bạn trai cũ. Tuy nhiên, cô gặp tình trạng, tối hôm nay thích một người sáng ngày mai lại thấy không hợp, liền nhắn tin đòi chia tay. Cũng có vài người đang tìm hiểu, khi quan hệ xong là Hương Khuê bị tụt cảm xúc và thấy không thích bạn tình nữa.

“Hiện tại, tôi không biết mình muốn gì nữa, nó giống như một mớ hỗn độn. Có khi tôi nghĩ, bên cạnh mình có nhiều người tiềm năng và chẳng muốn mất ai cả. Có khi tôi lại muốn chính thức bước vào mối quan hệ với ai đó. Mỗi ngày, cảm xúc của tôi nó chỉ xoay quanh và lưỡng lự giữa hai điều đó mà thôi”, Hương Khuê kể.

Khi chia sẻ câu chuyện của mình lên một hội nhóm có nhiều phụ nữ tham gia, Hương Khuê nhận được lời khuyên nên đi khám, vì có khả năng cô bị trầm cảm sau khi chia tay bạn trai.

Tại một bệnh viện tư ở TP.HCM, sau khi nghe các dấu hiệu của Hương Khuê cùng kết quả một số xét nghiệm lâm sàng, các bác sĩ nhận định cô bị trầm cảm. Các bác sĩ khuyến cáo Hương Khuê cần ăn uống, vận động điều độ, nên có các mối quan hệ lành mạnh và hướng đến những điều tích cực hơn.

Bàn về việc Hương Khuê quan hệ với hết người này tới người khác để giúp bản thân đỡ căng thẳng hơn, bác sĩ phụ sản Lê Thị Kim Dung, nguyên Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Nông nghiệp cơ sở Thái Hà, cho biết, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, tình dục có thể thúc đẩy serotonin, hormone liên quan đến việc cải thiện tâm trạng. Các hormone và hóa chất tạo cảm giác dễ chịu được tiết ra trong quá trình quan hệ tình dục có thể làm giảm cảm giác lo lắng và trầm cảm bằng cách tăng thư giãn và cải thiện tâm trạng.

Tuy nhiên, để tránh lây bệnh xã hội từ bạn tình, bác sĩ Dung khuyến cáo, không chỉ Hương Khuê mà ai cũng nên có các biện pháp an toàn khi "yêu". Với bản thân Hương Khuê thì nên quan hệ chung thủy hơn và nên coi trọng sức khỏe của chính mình hơn là lao vào các mối quan hệ để giải khuây, sau đó lại càng thấy trống rỗng. 

Trầm cảm là căn bệnh nguy hiểm, đang phổ biến trong xã hội hiện nay. Ảnh minh họa.

Số người bị brầm cảm ngày một tăng

Theo PGS.TS Trần Văn Cường, Chủ tịch Hội tâm thần học Việt Nam, trầm cảm là một rối loạn phổ biến trên thế giới, không phân biệt giới tính hay độ tuổi, nhưng tỷ lệ mắc chứng trầm cảm ở phụ nữ gấp đôi nam giới.

Thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 20 người bình thường sẽ có 1 người từng có một giai đoạn mắc chứng trầm cảm. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 36.000 - 40.000 người bị trầm cảm, lứa tuổi phổ biến nhất là 18-45 tuổi, trong đó, không ít người bị trầm cảm sau khi trải qua các cú sốc lớn như: phá sản, ly thân, ly hôn, thất nghiệp và sau chia tay như trường hợp của Hương Khuê…

Theo các bác sĩ, trầm cảm sau chia tay là sự vỡ vụn, tổn thương quá lớn dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, tự hành hạ bản thân, thậm chí nảy sinh ý nghĩ làm hại mình và người kia. Theo thống kê, có đến hơn 75% người bị trầm cảm sau chia tay là giới nữ. 

TS.BS Nguyễn Doãn Phương, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết, nơi đây từng tiếp nhận và điều trị cho một cô gái 21 tuổi, đang học năm cuối đại học bị trầm cảm nặng, suốt một tháng mất ngủ, chán ăn, sút cân, hay cáu gắt và giận dữ.

Gia đình cho biết, cô vốn khỏe mạnh, vui vẻ hòa đồng nhưng bỗng "trở bệnh" sau khi chia tay người yêu. Từ đó, bệnh nhân thường xuyên thấy mệt mỏi, không muốn đi học, không muốn làm việc gì, hay ngồi khóc và thấy cuộc sống không còn có ý nghĩa. Nữ sinh viên nhiều lần nói với mẹ là không muốn sống để không phải đau khổ như hiện tại.

Theo bác sĩ Phương, các dấu hiệu của một người bị trầm cảm thường là:

+ Cảm giác buồn chán, trống rỗng;

+ Khó tập trung suy nghĩ, hay quên;

+ Luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì;

+ Cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng;

+ Mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều; 

+ Hay cáu gắt, giận dữ; 

+ Giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày; 

+ Giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều; 

+ Nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát; 

+ Nhiều người trầm cảm còn được biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa…

Bác sĩ Phương nhận định, trầm cảm là một rối loạn rất phổ biến trong dân số, nhưng chỉ có tỉ lệ thấp được phát hiện, điều trị theo đúng chuyên khoa. Vì vậy, bác sĩ  khuyến cáo, những người có các dấu hiệu trên, nhất là sau khi trải qua các cú sốc lớn trong cuộc sống cần đi khám để được điều trị sớm.

“Rối loạn tâm thần nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ, người bệnh hoàn toàn có thể khỏi bệnh, tái hòa nhập với gia đình và xã hội”, bác sĩ Phương nhấn mạnh. 

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Tin mới