“Lạ thật, tôi thấy nhiều sạp bán cá khô và mắm trong chợ tự phát (phường 2, quận 8, TP.HCM) không bóng dáng một con ruồi trong khi chỗ bán thịt, cá cách đó vài bước chân thì ruồi nhặng bu đầy. Tôi không biết cơ quan quản lý và chính quyền địa phương có biết chuyện này, có lấy mẫu xét nghiệm chưa?”. Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, thốt lên như vậy ngay tại buổi khảo sát thực tế công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn phường 2 (quận 8) mới đây.
Một thành viên trong đoàn giám sát HĐND TP.HCM cầm miếng khô cá tra lên, hỏi người bán: “Sao ruồi không đậu trên khô hả chị? Khô này chị mua ở đâu?”. Chị bán hàng trả lời: “Tôi cũng không biết vì sao ruồi “chê” khô, khô này người quen ở Bình Thuận bỏ mối, tôi mua sao bán vậy”.
Tương tự, tại một sạp bán mắm gần đó, một thành viên khác trong đoàn giám sát sau khi quan sát cũng thắc mắc: “Tôi thấy nhiều chị bán cá, thịt, đồ ăn quanh đây… quạt mỏi tay đuổi ruồi, sao ở đây không có một con ruồi nào bu thau mắm?”.
Hàng bán khô cá nhưng không có một bóng ruồi bén mảng. |
Sau khi rảo quanh vài sạp bán cá khô, mắm trên địa bàn TP, PV cũng ghi nhận tình trạng các hàng bán khô, mắm hiếm thấy bóng ruồi bén mảng. Trong vai một người đi chợ, PV bạo miệng hỏi một người bán khô, mắm tại một chợ quận 5: “Khô tra, lóc, sặc, mắm cá linh… có hóa chất gì hay sao mà ruồi không dám bu vậy chị?”, người bán lườm PV rồi trả lời thản nhiên: “Sao tôi biết được, khô mắm mua sao bán vậy chớ tôi đâu có biết thứ gì trong đó mà trả lời”.
Những thắc mắc này của ban giám sát HĐND và nhiều người tiêu dùng đã được làm rõ tại hội nghị “Đánh giá thực hiện chính sách pháp luật về ATVSTP giai đoạn 2011-2016 khu vực phía Nam” do Quốc hội tổ chức mới đây.
Tại hội nghị, TS Phùng Đức Nhật, Phó Viện trưởng Viện Y tế công cộng TP.HCM (Bộ Y tế), cho biết kết quả khảo sát trên địa bàn TP.HCM từ năm 2012 đến nay ghi nhận cá khô chứa trichlorfon và sorbitol, mắm có chứa Cd. “Điều đáng quan tâm là trichlorfon ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe”, TS Nhật nói.
TS Nguyễn Tuần, nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (Bộ NN&PTNT), cho biết trichlorfon là chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. “Người nuôi thủy sản sử dụng trichlorfon để diệt các loại ký sinh trùng trong nước, nhưng cá cũng rất dễ hấp thụ chất này. Khi ăn cá còn tồn dư trichlorfon, con người đã vô tình đưa chất này vào cơ thể”, ông Tuần giải thích.
Hàng bán các loại mắm lóc, mắm sặc, mắm cá cơm.. cũng không một bóng ruồi. |
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng mặc dù là chất cấm nhưng trichlorfon còn được dùng làm thuốc diệt côn trùng như gián, ruồi, rệp… “Do vậy, khi cho trichlorfon vào cá khô thì chẳng con ruồi nào dám bén mảng là đương nhiên rồi. Bằng mắt thường không thể xác định cá khô có hoặc không có trichlorfon”, ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, độc tính của trichlorfon rất cao. Khi hấp thụ vào cơ thể gây ra hiện tượng líu lưỡi, suy nhược, mất phản xạ… Nặng hơn có thể khiến nhịp tim bất thường, bất tỉnh, co giật, rối loạn tâm thần, thậm chí dẫn đến vong.
“Sorbitol thường được sử dụng trong chế biến cá khô để lớp da bên ngoài bắt mắt hơn, nhìn tươi ngon và mềm mại như cá vừa chế biến. Ngoài ra, sorbitol cũng được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm nhưng với hàm lượng nhất định. Nếu hóa chất này vượt ngưỡng cho phép, người sử dụng có nguy cơ bị đau dạ dày, chảy máu trực tràng…”, ông Thịnh khuyến cáo.
Đối với chất Cd trong các loại mắm, TS Phan Thế Đồng, Trưởng Dự án An toàn thực phẩm Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM), giải thích Cd (Cadmium) là kim loại nặng, rất độc. “Sở dĩ mắm chứa Cd là do các loại cá được nuôi hoặc sống trong môi trường nước có chứa Cd, mà khi Cd đã thấm vào cá thì không đào thải ra ngoài. Ngoài ra, muối dùng làm mắm được sản xuất lại vùng nước biển có chứa Cd nên mắm có Cd cũng là điều dễ hiểu. Con người ăn mắm có chứa Cd thì cũng sẽ hấp thụ chất này luôn. Cd vào cơ thể có thể gây buồn nôn, đau bụng, tổn thương gan và thận”, ông Đồng lưu ý.