Cô giáo “quyền lực” không giảng bài: Cần loại những giáo viên “cá biệt” khỏi ngành

Chuyện một học sinh khóc khi gặp lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM, phản ánh về việc cô giáo dạy Toán THPT suốt một học kỳ không giảng bài, không giao tiếp với học sinh có lẽ là chuyện kỳ lạ và gây sốc nhất từ trước đến nay.

Nữ sinh khóc, kể về câu chuyện của lớp mình và giáo viên dạy Toán. Ảnh: Minh Nhật.
 Nữ sinh khóc, kể về câu chuyện của lớp mình và giáo viên dạy Toán. Ảnh: Minh Nhật.
Ngày 23/3, tại chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM với học sinh tiêu biểu năm 2018, em Phạm Song Toàn (THPT Long Thới, Nhà Bè) đã bật khóc tức tưởi.
Em kể về nhà giáo quyền lực không giảng bài, cô giáo dạy Toán, khi lên bục giảng "không nói gì với chúng con cả, cô không dạy, cô chỉ viết bài lên bảng và cả lớp chép, làm bài tập". Tình trạng này đã diễn ra hơn một học kỳ, không học sinh nào dám phản ánh. Cô giáo chủ nhiệm cũng cố gắng giải quyết nhưng không thành công, vì cô giáo đó “khá quyền lực”.
Chuyện nói trên, kỳ lạ đến mức không thể tin nổi, có lẽ chưa từng xảy ra trong lịch sử giáo dục Việt Nam cũng như thế giới. Nhưng chúng ta vẫn phải tin, tin vào sự trung thực của em HS tiêu biểu tại một diễn đàn quan trọng, tin vào những giọt nước mắt tức tưởi của em.
Sự việc càng nghiêm trọng hơn, khi qua tìm hiểu cho biết, cô giáo “cá biệt” nói trên đã từng có “tỳ vết” vi phạm kỷ luật, xúc phạm HS, bị kỷ luật cảnh cáo, cho chuyển trường.
Nếu thực sự tôn trọng, thương yêu HS, vì thế hệ trẻ, thì cần phải kỷ luật “ngay và luôn” những GV trên ở mức cao nhất là chấm dứt hợp đồng, cho ra khỏi ngành giáo dục. Bởi những “con sâu” như vậy, không chỉ làm ảnh hưởng uy tín đội ngũ nhà giáo, mà quan trọng hơn là làm hỏng thế hệ tương lai.
Mục đích của giáo dục, chung quy cũng chỉ vì thế hệ trẻ. Vì vậy chúng ta cần phải kiên quyết loại bỏ những yếu tố, kể cả GV, nếu tác hại đến trẻ.
Hiện tượng GV “cá biệt” như trên cũng là “sản phẩm” của kiểu ứng xử du di, bao che của cán bộ quản lý giáo dục. Đúng ra với những vi phạm trước đây, GV đó đã bị kỷ luật buộc thôi việc, hoặc không cho trực tiếp đứng lớp. Nhưng vì “nể nang”, nương nhẹ, duy tình…nên chỉ xử lý cảnh cáo, rồi cho chuyển trường, tiếp tục đưa những HS khác ra làm “nạn nhân”.
Làm vậy là “thương” GV nhưng lại làm hại HS, nghĩa là đi ngược lại nguyên lý giáo dục, để lại những hệ lụy vô cùng lớn.
Đối với Ban giám hiệu trường THPT Long Thới, Nhà Bè, cũng cần phải xem xét kỷ luật, vì đã thiếu sâu sát, buông lỏng quản lý trước vi phạm nghiêm trọng của GV.
Cần xác định rõ nguyên nhân vụ việc, và cách chức những cán bộ quản lý vô trách nhiệm.

Tin mới