Đánh vào tâm lý lo ngại về chất lượng thực phẩm hiện nay, nhiều loại máy báo thực phẩm bẩn cũng được rao bán với giá lên đến tiền triệu. Vì tin tưởng vào những lời quảng cáo như: “thiết bị đo thông minh giúp giúp xác định được hàm lượng độc tố tồn dư trong các loại thực phẩm…”, nhiều bà nội trợ đã không ngại chi tiền triệu để sở hữu loại máy này mà chưa biết nó có thực sự công dụng hay không?
Theo tìm hiểu trên các trang bán hàng qua mạng, loại máy đo thực phẩm này được giới thiệu là có tác dụng kiểm tra nhanh chóng dư lượng nitrate trong thực phẩm (một trong 4 độc tố để đánh giá thực phẩm có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không) và có xuất xứ từ Nga. Bên cạnh đó, chỉ sau 20 giây sẽ có kết quả chính xác. Loại máy này có hình dáng như một chiếc điều khiển tivi và có một nhánh kim loại để cắm thực phẩm vào đó, sau đó chờ kết quả phân tích từ máy.
Ảnh minh họa. |
Từng mua sản phẩm này về sử dụng, chị Mai (38 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Mình cũng mua một chiếc máy đo thực phẩm bẩn về để dùng với giá gần 5 triệu đồng. Tuy dùng thường xuyên nhưng thú thực tôi cũng không thể biết được nó có công dụng như họ quảng cáo không. Vì tôi và nhiều người cũng không thể biết được hàm lượng nitrate chứa trong thực phẩm bao nhiều thì là vượt mức cho phép”.
Không chỉ người tiêu dùng phàn nàn về loại máy này, anh Phạm, chủ một cửa hàng rau sạch tại khu đô thị Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội cũng cho biết: ‘Việc sử dụng máy thì khách hàng sẽ an tâm hơn. Tuy nhiên, máy đo nitrat chỉ đo được chỉ số phân bón hóa học trong thực phẩm và cũng không chắc chắn, còn các độc chất khác thì không biết được. Trong khi đó, nỗi lo lắng của người tiêu dùng còn là về dư lượng thuốc trừ sâu, sản phẩm nhiễm vi sinh... Đó là chưa kể loại máy này chỉ áp dụng được với một số thực phẩm rau củ nhất định thôi”.
Liên quan đến vấn đề này, từng trả lời báo chí, ông Đỗ Hữu Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: “Bộ kiểm tra nhanh thực phẩm này chỉ mang ý nghĩa sàng lọc ban đầu, giúp định hướng cho các thử nghiệm khẳng định tiếp theo trong phòng thí nghiệm. Thông số thể hiện trên máy sẽ có mức dao động và người dùng cần thực hành đúng hướng dẫn sử dụng. Ví dụ như giữa 2 lần đo thực phẩm cần có khoảng cách thời gian nhất định, sau lần đo thứ nhất cần phải vệ sinh đầu dò thiết bị... Trên một số website quảng cáo sản phẩm đã nói quá khi dùng cụm từ “máy đo an toàn thực phẩm” bởi bản chất thiết bị này chỉ giúp cảnh báo hàm lượng Nitrat trên rau, quả chứ không phải tất cả các chất độc hại và trên cả thịt. Như vậy, quảng cáo nói rằng máy còn kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là không chuẩn".
"Người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ sản phẩm, dùng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thông tin nhà nhập khẩu đầy đủ, trên bao bì phải có nhãn phụ, tên nhà sản xuất, công dụng, phạm vi áp dụng và đặc biệt phải có số đăng ký lưu hành", ông Tuấn tư vấn thêm.