Tính từ sau Tết Nguyên Đán (phiên 30/1 đến phiên 7/2), VN-Index mất gần 51 điểm từ mức 991,46 điểm về còn 940,75 điểm. HNX-Index chỉ giảm nhẹ hơn 1 điểm từ mức 106,28 điểm về còn 104,92 điểm.
Tính trên cả 2 sàn HoSE và HNX, 5 mã giảm giá nhiều nhất có thể kể đến là SAB, VJC, SCS, VNM, BHN.
Trong số đó có 2 mã thuộc đại diện của ngành bia rượu (SAB và BHN), 2 mã đại diện cho ngành hàng không, vận tải (VJC, SCS) và đại diện còn lại thuộc về ngành sữa (VNM).
Nguyên nhân gì khiến những mã này giảm điểm nhiều đến vậy?
Top 5 cổ phiếu giảm sâu nhất sau Tết Nguyên Đán 2020 |
SAB và BHN bị siết bởi Nghị định 100 và dịch bệnh corona
Cổ phiếu ngành bia được xem như nhóm cổ phiếu thiệt thòi nhất trong thời gian hiện nay khi Nghị định 100 về siết chặt bia rượu vừa mới có hiệu lực. Bên cạnh đó thì dịch bệnh corona hoành hành khiến người tiêu dùng có xu hướng tránh tụ tập nơi công cộng và chi tiêu bên ngoài.
Với những điều kiện như vậy, trong báo cáo đánh giá tác động của dịch virus corona (nCoV), SSI Research đã đưa ra nhận định kém khả quan đối với cổ phiếu SAB của Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Kể từ sau phiên đầu sau Tết Nguyên Đán, cổ phiếu SAB đã rớt khỏi mốc giá 232.500 đồng/cp về còn 195.000 đồng/cp, tương ứng với mất hơn 16% thị giá trong 7 phiên giao dịch bất chấp việc Công ty thu về doanh thu và lợi nhuận kỷ lục trong năm 2019.
Được biết, doanh thu Sabeco năm 2019 đạt 37.899 tỷ đồng, tăng 5% và lợi nhuận sau thuế đạt mức kỷ lục 5.370 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2018 và vượt 14% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Ngoài ra, hãng bia lớn ở miền Bắc là Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HoSE: BHN) cũng có cổ phiếu sụt giảm đến 15% kể từ khi thị trường chứng khoán mở cửa trở lại (30/01) sau Tết Nguyên Đán, vốn hoá bốc hơi gần 2.550 tỷ đồng.
Habeco vốn đã phải lo lắng về việc mất thị phần vào tay Sabeco và Heineken, thì nay lại phải đối diện nhu cầu tiêu thụ suy giảm vì người tiêu dùng lo ngại dịch bệnh.
SSI Research từng đánh giá hiệu quả hoạt động của Habeco trong thời gian gần đây là khá mờ nhạt, dù rằng hãng này cũng vừa thay đổi thương hiệu sản phẩm và thực hiện các chương trình quảng bá đa dạng.
Điểm tích cực của Habeco là hoạt động trong năm 2019 đã tăng trưởng sau 4 năm khó khăn, Công ty có doanh thu tăng 4% lên mức 9.439 tỷ đồng, lãi ròng cũng tăng trưởng 11% so năm 2018 lên mức 540 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra, Công ty vượt đến 74% chỉ tiêu lợi nhuận.
Nghị định 100 và corona khiến cổ phiếu ngành bia hứng chịu nhiều tiêu cực. |
Cổ phiếu VJC và SCS tiêu cực do ảnh hưởng corona
Dễ thở hơn so với cổ phiếu ngành bia khi chỉ bị ảnh hưởng từ dịch bệnh corona nhưng cổ phiếu VJC của Hàng không Vietjet và cổ phiếu SCS của Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn cũng đứng đầu trong top 5 cổ phiếu giảm mạnh sau Tết Nguyên Đán.
Với nhóm ngành hàng không, SSI Resreach đưa ra quan điểm kém tích cực cho cổ phiếu ngành này trong năm 2020 chủ yếu do những lo ngại về tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt.
SSI Research cũng cho biết tất cả các hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự cố virus corona, vì nhu cầu đi du lịch có thể giảm, đặc biệt là hoạt động du lịch liên quan đến Trung Quốc (điểm đến tại Trung Quốc và du khách từ nước này).
Cổ phiếu VJC của Vietjet Air, hãng bay tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, giảm đến 15.300 đồng/cp, tương ứng giảm hơn 10% tính từ phiên 30/1 đến hết phiên 7/2. Với gần 524 triệu cổ phiếu đang niêm yết, hãng bay này đã mất đi hơn 8.015 tỷ đồng vốn hóa.
Song song việc vốn hoá bay hơi không phanh, Vietjet Air còn phải đối mặt với tình hình làm ăn sa sút trong quý 4/2019 khi báo lãi ròng giảm đến 65%, chỉ ghi nhận hơn 537 tỷ đồng. Còn trong cả năm 2019, doanh thu thuần của Công ty ghi nhận gần 52.060 tỷ đồng, giảm 3%, lãi ròng giảm đến 21% về mức 4.219 tỷ đồng.
Hoạt động trong lĩnh vực kho bãi, hỗ trợ vẫn tải hàng không, Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn cũng nhận về cái kết khá đắng khi cổ phiếu SCS nhanh chóng đổ đèo hơn 9% chỉ trong 7 phiên giao dịch từ sau Tết Nguyên Đán, tương đương mỗi cổ phiếu mất đến 12.000 đồng.
CTCP Gemadept (HoSE: GMD) chính là cổ đông lớn của SCS khi nắm đến 36,89% vốn, Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) cũng nắm đến 15% vốn. Như vậy, hai cổ đông này đã nhận cái kết đắng khi mất 221 tỷ đồng và 90 tỷ đồng vỏn vẹn trong 7 phiên giao dịch.
Cổ phiếu nào làm cổ đông 'phiền lòng' nhất sau Tết Nguyên Đán 2020? |
Tin đồn thất thiệt và kinh doanh chững lại khiến thị giá VNM giảm?
Được xem là nhóm ngành không hưởng lợi cũng không bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch corona đang hoành hành thế nhưng cổ phiếu VNM của Sữa Việt Nam (Vinamilk) lại sụt giảm hơn 9% từ sau Tết Nguyên Đán, tương ứng với giảm 11.100 đồng/cp.
Đà giảm của cổ phiếu VNM được bắt đầu từ tháng 12/2019 khi Công ty này vướng vào thông tin bất lợi về hoạt động nhập khẩu nguyên liệu và lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội những ngày qua. Tuy nhiên, về phía Vinamilk, doanh nghiệp này cũng đã có phản hồi kịp thời, khẳng định những thông tin trôi nổi này là “không chính xác”, “thất thiệt”.
Chỉ trong phiên giao dịch đầu tiên khi tin đồn xuất hiện, cổ phiếu VNM nhanh chóng giảm giá và có ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến thị trường. Riêng vốn hoá Vinamilk chỉ trong một buổi sáng bị thiệt hại khoảng 2.787 tỷ đồng.
Bên cạnh đó thì tình hình kinh doanh trong quý 4/2019 của Vinamilk cũng không mấy khả quan vì đã giảm nhẹ 4% so cùng kỳ khi báo lãi ròng gần 2.202 tỷ đồng trong khi doanh thu thuần báo tăng 9% ở mức 14.239 tỷ đồng.
Còn trong cả năm 2019, doanh thu thuần cùng lãi ròng của Công ty dường như tăng trưởng chững lại so với mức tăng của các năm trước đó. Cụ thể, doanh thu tăng 7% đạt 56.318 tỷ đồng, lãi ròng tăng 3% đạt 10.581 tỷ đồng.