VPBank (VPB) vừa quyết định mua lại tối đa 10% cổ phiếu quỹ nhằm mục đích ổn định giá cổ phiếu trong bối cảnh thị giá cổ phiếu này đã giảm phân nửa so mức đỉnh hồi tháng 4/2018.
Nhìn rộng ra thì không riêng VPB mà trong số 17 ngân hàng niêm yết, số lượng mã cổ phiếu giảm giá nhiều hơn cả tăng giá tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay.
Thị giá nhóm cổ phiếu ngân hàng chốt phiên 26/8 (đồng/cổ phiếu) |
ROE nhà băng nào tốt nhất?
Xét về hiệu quả kinh doanh trong quý 2/2019 của khối ngân hàng, mỗi đồng vốn bỏ ra được sinh lời (ROE) tốt nhất thuộc về Ngân hàng TMCP Quốc Việt Nam (VIB) với mức 7.07%. Tiếp theo là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tại 6.63%.
Cùng nhóm ghi nhận ROE trong khoảng 5% thuộc về Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, VCB), Ngân TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB).
Thấp nhất trong danh sách khả năng sinh lời từ mỗi đồng vốn trong quý 2/2019 chính là Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NVB) chỉ ở mức 0.15%.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã đạt đỉnh
Thông thường, cổ phiếu có chỉ số ROE cao thường được nhà đầu tư ưa chuộng, từ đó giá cổ phiếu cũng được đánh giá cao. Vậy liệu chỉ số ROE quý 2/2019 có tương thích với giá cổ phiếu thời gian qua hay không?
Tính theo giá chốt phiên ngày 26/8, có 9/11 cổ phiếu ngân hàng có mức giảm trong 8 tháng đầu năm.
Mức sụt giảm lớn nhất đến từ cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với gần 23%, về 22,500 đồng/cổ phiếu chốt phiên 26/08; dù vậy, đây là mức giá cao hơn giá trị sổ sách gần 14%.
ROE của các ngân hàng trong quý 2/2019 (%) |
Giảm gần 17% có cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), về mức 21,600 đồng/cổ phiếu; nhưng vẫn cao hơn giá trị sổ sách gần 32%.
Cùng góp mặt trong top giảm ở mức 2 con số (từ 12.5% đến 18%) còn có NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (7,100 đồng/cổ phiếu), LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (7,700 đồng/cổ phiếu) và SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (6,300 đồng/cổ phiếu). Thêm hai điểm trừ của bộ 3 này là thị giá cổ phiếu đều giao dịch dưới mệnh giá 10,000 đồng/cổ phiếu và đang thấp hơn giá trị sổ sách từ 32% đến 57%.
Góp mặt trong nhóm cổ phiếu giao dịch thấp hơn giá trị sổ sách còn có STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và KLB của Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank) lần lượt là 25% và 16%.
Ở chiều ngược lại, không chỉ dẫn đầu về thị giá cao nhất trong khối ngân hàng mà VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) còn đứng đầu về tốc độ tăng giá tới 45% khi đang giao dịch sát mốc 78,000 đồng/cp.
Ngoài ra, VCB cũng là gương mặt sáng giá nhất tính theo giá trị sổ sách (BVPS) quý 2/2019 với 20,852 đồng/cổ phiếu. Tất nhiên, ngưỡng này còn cách rất xa so với giá thị trường ngày 26/8.
Đáng chú ý, đây chính là mức đỉnh mà VCB đạt được từ trước đến nay tính theo giá điều chỉnh và hiện đà tăng của cổ phiếu này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cùng đồng "á quân" về tốc độ tăng giá so với đầu năm là MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội và EIB của Ngân hàng TMCP XNK Việt Nam (Eximbank) với mức tăng trên 20%, lần lượt giao dịch tại 23,300 đồng/cổ phiếu và 16,850 đồng/cổ phiếu. Đồng nghĩa với thị giá của EIB và MBB đang giao dịch cao hơn giá trị sổ sách từ 33% đến 38%.
Mức tăng giảm cổ phiếu ngân hàng trong 8 tháng đầu năm và so với giá trị sổ sách (%) |
Tuy lượng cổ phiếu giảm chiếm đa số, song ngoại trừ nhóm trên thì mức tăng cũng như sụt giảm của hầu hết các cổ phiếu còn lại khá thấp, từ 9% trở xuống.
Đây là một bất ngờ trong nhóm ngân hàng khi xét về yếu tố cơ bản nhất là ROE so với giá cổ phiếu thì vẫn có những nhân tố không đồng điệu.
Đơn cử như tại VIB, trong khi ROE ngất ngưởng trên 7% thì giá cổ phiếu lại giảm hơn 1% so với đầu năm; dù mức giảm không đáng kể nhưng cũng không thể hiện được tốc độ tăng trưởng khả quan về lợi nhuận của nhà băng này.
Hay ACB, chỉ số ROE cao nhì bảng nhưng cổ phiếu lại giảm gần 23% trong gần 8 tháng qua.
Ngược lại, bất chấp chỉ số ROE chỉ ở nhóm dưới 2% cùng những yếu tố bất lợi đến từ nội tại về biến động nhân sự cấp cao, nhưng cổ phiếu EIB vẫn liên tục tăng trong thời gian qua.
Nhận định về cổ phiếu ngân hàng, khá nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, cổ phiếu ngân hàng sẽ có đủ năng lực “dẫn sóng” cho cả thị trường chứng khoán, nhất là khi kết quả kinh doanh tích cực trong quý 2/2019 được công bố.
Tuy nhiên, các chuyên gia này cũng khuyên nhà đầu tư nên thận trọng với nhóm cổ phiếu ngân hàng bởi mức giá kỳ vọng dựa vào các yếu tố cơ bản cho thấy dấu hiệu tăng trưởng gần như đã đạt đỉnh trong ngắn hạn.