Thực tế các cổ phiếu đầu ngành như MWG, DGW, PET đều chiết khấu phân nửa so với đỉnh. MWG của Thế giới Di động chỉ ở mức 38.250 đồng/cp, giảm 44% trong vòng 1 năm. DGW của Digiworld chỉ quanh mốc 33.700 đồng/cp, mất 50% giá trị.
Còn PET của Petrosetco gần như đi ngang từ đầu tháng 2/2023, còn PSD của Dịch vụ phân phối tổng hợp dầu khí đang có xu hướng tìm về vùng đáy.
Cổ phiếu FRT của FPT Retail cũng đang giằng co kể từ cuối tháng 1 đến nay và giảm 38% so với đỉnh. Còn cổ phiếu PNJ sau sóng hồi về gần đỉnh nhờ hiệu ứng ngày vía thần tài cũng đã quay đầu giảm mạnh và so với đỉnh đã để mất 16%.
Nguyên nhân khiến các cổ phiếu này lao dốc do áp lực lạm phát, biến động tỷ giá, lãi suất tăng và vấn đề nguồn cung đã tác động tiêu cực lên sức mua người tiêu dùng. Theo đó, nhóm cổ phiếu bán lẻ kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Bên cạnh thị giá cổ phiếu liên tục suy giảm thì triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ cũng không mấy sáng sủa.
Với MWG, quý 4 năm ngoái là khoảng thời gian rất khó khăn khi lợi nhuận sau thuế giảm mạnh đến 60% so với cùng kỳ, xuống còn 619 tỷ đồng, mức thấp trong nhiều năm. Tính chung cả năm 2022, lãi ròng của doanh nghiệp bán lẻ này giảm 16% xuống mức 4.102 tỷ đồng.
Năm 2023 MWG lên kế hoạch tăng trưởng chỉ 1 chữ số so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ tiêu doanh thu thuần đạt 135.000 tỷ đồng, tăng 1% và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 2% so với năm trước.
Trong khi đó, PNJ cũng mới công bố kết quả kinh doanh lũy kế 2 tháng đầu năm 2023 với doanh thu thuần đạt 6.976 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 556 tỷ đồng, lần lượt giảm 1,3% và tăng 6,4% so với cùng kỳ.
Theo PNJ, nguyên nhân cho sự giảm nhiệt tăng trưởng là do sức mua trầm lắng trước những biến động vĩ mô thời gian gần đây. Ngoài ra, mức nền so sánh 2 tháng đầu năm ngoái khá cao, dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận trong kỳ thấp.
Cổ phiếu bán lẻ không được săn đón. |
Những thách thức gặp phải...
Các chuyên gia dự báo khả năng phục hồi của hoạt động xuất khẩu sẽ thúc đẩy nhu cầu trên thị trường lao động và tiêu dùng trong nước từ quý 2/2023. Dù vậy, tốc độ phục hồi lợi nhuận của các công ty bán lẻ sẽ chậm hơn so với tốc độ phục hồi của nền kinh tế, vì người tiêu dùng sẽ cần thời gian để tích lũy lại khoản tiết kiệm và lấy lại niềm tin vào sức mua của mình.
SSI Research nhận định, tiêu dùng cho các sản phẩm không thiết yếu sẽ vẫn ảm đạm, ít nhất là cho đến nửa đầu năm 2023. Trong nửa đầu năm 2023, dự kiến giá điện, chi phí y tế và học phí sẽ tăng. Bên cạnh đó, thuế giá trị gia tăng cũng đã tăng lên mức 10% kể từ ngày 1/1/2023. Những yếu tố trên sẽ cùng cộng hưởng, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ cũng theo đó gặp nhiều thách thức.
Ngoài ra, một xu hướng đáng chú ý là việc hợp nhất thị trường có thể sẽ rõ ràng hơn trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Các nền tảng thương mại điện tử thường giảm giá sâu, tạo ra tỷ suất lợi nhuận thấp.
Trong bối cảnh chi phí tăng, nhu cầu yếu, việc tiếp cận tín dụng ngân hàng khó khăn, các nhà bán lẻ trực tuyến và các nhà bán lẻ quy mô nhỏ sẽ đứng trước nguy cơ mất thị phần. Ở chiều ngược lại, những nhà bán lẻ có dòng tiền ổn định sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc giành thị phần.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong bối cảnh kinh tế suy thoái và chính sách tiền tệ thắt chặt, ngân sách hộ gia đình bị thu hẹp có thể gây áp lực lên nhu cầu tiêu dùng. Hơn nữa, làn sóng cắt giảm việc làm trong các ngành thâm dụng lao động sẽ tiếp tục diễn ra cho đến ít nhất là quý 2/2023.VDSC cho rằng, cùng với sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng sẽ có tác động không đồng nhất đến từng nhà bán lẻ Việt Nam. Các mặt hàng thiết yếu: ngành hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm... và những mặt hàng không thiết yếu đắt tiền vẫn sẽ bán tốt, ngược lại các sản phẩm không thiết yếu ở phân khúc trung cấp, đặc biệt là các thiết bị công nghệ vốn được hưởng lợi từ nhu cầu bị dồn nén, có thể bị suy giảm tiêu thụ nặng nề nhất năm 2023.
Vẫn còn cơ hội để hy vọng
Tuy nhiên, cơ hội vẫn còn đó với các doanh nghiệp ngành bán lẻ. Thứ nhất, việc Trung Quốc mở cửa và Việt Nam tích cực thúc đẩy lĩnh vực du lịch có thể giúp ngành bán lẻ vẫn tăng trưởng trong năm 2023.
Thứ hai, đồng USD đã giảm từ cuối quý 4/2022 khiến giá tiêu dùng trở nên hấp dẫn hơn, nhất là với hàng điện tử, hàng nhập khẩu, từ đó có thể kích thích một phần nào đó chi tiêu.
Thứ ba, xu hướng mua sắm hiện đại dần thay thế chợ truyền thống và đang chuyển dịch khá mạnh, đặc biệt trong giới trẻ, tầng lớp mới - tầng lớp tiêu dùng chính của xã hội.
Thứ tư, định giá các cổ phiếu của doanh nghiệp bán lẻ trở nên hấp dẫn hơn sau giai đoạn vừa qua khi thị trường chứng khoán suy giảm khá mạnh.