Có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch lưu vực sông
(Kiến Thức) - Quản lý lưu vực sông là vấn đề rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch lưu vực sông.
Đảm bảo quyền giám sát hoạt động quy hoạch của người dân
Liên quan đến dự thảo Luật Quy hoạch đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại phiên họp sáng nay 26/5, có ý kiến cho rằng Luật quy hoạch cần quy định tất cả các quy hoạch sau khi phê duyệt đều phải được công bố và cung cấp thông tin đầy đủ, đặc biệt là các quy hoạch đô thị, nông thôn vì đây là các quy hoạch có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: "Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu dự thảo Luật đã xác định tất cả các quy hoạch sau khi được phê duyệt đều phải được công bố và cung cấp thông tin đầy đủ tại Điều 38. Việc công bố quy hoạch ngoài việc tuân thủ theo pháp luật về quy hoạch, pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, còn phải thực hiện theo các quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và pháp luật có liên quan.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh quochoi.vn |
Dự thảo Luật cũng xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về quy hoạch. Đây chính là một trong những biện pháp đảm bảo quyền giám sát hoạt động quy hoạch của người dân để phát hiện kịp thời các hạn chế và hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch. Việc cung cấp thông tin phải đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn."
Có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch lưu vực sông
Có ý kiến đề nghị lập riêng quy hoạch lưu vực sông vì quản lý lưu vực sông là vấn đề rất quan trọng do việc quản lý tài nguyên nước không chỉ quan trọng đối với phát triển kinh tế mà còn gắn với việc giữ gìn bản sắc Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Hiện nay có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch lưu vực sông ví dụ: Bộ Tài nguyên môi trường lập quy hoạch tài nguyên nước tổng hợp lưu vực sông, trong khi đó Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cũng lập quy hoạch thuỷ lợi tổng hợp lưu vực sông.
Mặt khác, vấn đề quản lý lưu vực sông không chỉ đơn thuần là quản lý nước hay thuỷ lợi mà là phát triển kinh tế - xã hội liên quan tới lưu vực sông đó như phát triển sản xuất, hệ thống hạ tầng, đô thị.
Do đó, nội dung quy hoạch lưu vực sông phải được xem xét trong mối tương quan với quy hoạch các cấp tương ứng. Dự thảo Luật đã quy định các nội dung quy hoạch lưu vực sông liên vùng thuộc quy hoạch quốc gia, lưu vực sông liên tỉnh thuộc quy hoạch vùng, lưu vực sông liên huyện thuộc quy hoạch tỉnh tại các Điều 23, 27 và 28 của dự thảo Luật.
Minh bạch kinh phí thực hiện quy hoạch
Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định minh bạch về cơ chế sử dụng, cơ chế quản lý và các chính sách cụ thể; đề nghị quy định rõ kinh phí cho quy hoạch của các cấp; đề nghị quy định quy hoạch do nhà nước lập và do ngân sách nhà nước chi trả nên cân nhắc, tính toán đưa vào đầu tư công trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà soát lại quy định tại khoản 2 Điều 7 cũ về khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ kinh phí cho các hoạt động quy hoạch.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và thể hiện như trong Điều 9 (Điều 7 cũ) của dự thảo Luật, theo đó chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công, chi phí giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Việc quy định như vậy không trái với Điều 5 Luật đầu tư công quy định về lĩnh vực đầu tư công. Đồng thời, cần xem xét điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017 - 2020 cho phù hợp.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng xin tiếp thu và không quy định riêng về khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí cho hoạt động quy hoạch như tại khoản 2 Điều 7 (cũ) mà gộp vào khoản 3 Điều 10 về chính sách của nhà nước về hoạt động quy hoạch, theo đó Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động quy hoạch và vẫn đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch như nguyên tắc chung quy định tại Điều 4.
Luật Quy hoạch ra đời sẽ giảm số lượng từ 3.372 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm trong giai đoạn 2011-2020 xuống chỉ còn 38 quy hoạch ngành ở cấp quốc gia trong các ngành kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các quy hoạch như thương nhân xuất khẩu gạo, cơ sở kinh doanh thuốc lá, tổ chức hành nghề công chứng, làng nghề sản xuất rượu, mạng lưới buôn bán thuốc lá, cá rô phi, dưa hấu... sẽ bị loại bỏ.