Định giá thị trường quốc tế
Từ năm 1919-2004, nhà Rothschild - gia tộc được cho là giàu nhất thế giới - đóng vai trò quan trọng trong việc định giá vàng thông qua ngân hàng đầu tư NM Rothschild & Sons ở Anh Quốc.
Một cách không chính thức, việc điều chỉnh giá vàng cung cấp một thước đo chuẩn mực để định giá phần lớn các sản phẩm làm bằng vàng và các mặt hàng liên quan tới vàng khắp các thị trường thế giới.
Tuy nhiên, từ năm 2004, ngân hàng nhà Rothschild đã rời bỏ khỏi thị trường kim loại quý này. Với nền tảng giao dịch trực tuyến ngày càng phổ biến, quy mô giao dịch khổng lồ của thị trường vàng tài khoản, các hợp đồng tương lai mới là yếu tố chính dẫn dắt giá cả của giao dịch vàng vật chất trong nhiều năm trở lại đây. Các nền tảng giao dịch này trải rộng khắp thế giới với số lượng nhà đầu tư rất lớn, đủ mọi thành phần, từ các ngân hàng, quỹ đầu tư, nhà đầu tư cá nhân, thậm chí các chính phủ, nên việc đủ sức thao túng thị trường là không dễ.
Dù vậy, ở góc độ “nhà cái”, những tổ chức cung cấp các nền tảng giao dịch có khả năng thống kê được các lệnh chờ cũng như khối lượng giao dịch của các nhà đầu tư. Nhiều công ty trong số này có các mối liên hệ về sở hữu hoặc quan hệ chặt chẽ với nhau, do đó không loại trừ khả năng các công ty đó có thể bắt tay nhau để dẫn dắt thị trường.
Ắt hẳn chúng ta còn nhớ vụ bê bối thao túng lãi suất Libor, chỉ số lãi suất chính và quan trọng nhất thế giới, đã bị phanh phui vào năm 2017. Không ai nghĩ rằng chỉ số lãi suất chuẩn và được sử dụng rộng rãi nhất này, vốn nằm dưới sự giám sát của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), lại có thể bị các định chế tài chính lớn nhất trải dài từ Mỹ, sang Anh, Thụy Sỹ, Đức... bắt tay nhau thao túng trong thời gian khá dài, làm tổn thất hàng ngàn tỉ đô la trên thị trường phái sinh và thị trường tín dụng thế giới.
Từ câu chuyện của Libor, có thể thấy bất kỳ thị trường nào cũng có thể bị những bàn tay nham nhúa thò vào can thiệp trong một lúc nào đó. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp hiện nay thường sử dụng các hệ thống giao dịch tự động, theo đó cho phép đặt trước các lệnh chờ mua, chờ bán tại những ngưỡng hỗ trợ, kháng cự theo các biểu đồ phân tích kỹ thuật nhằm giao dịch theo đà thị trường.
Nhưng cũng nhờ đó mà các nhà cái sẽ thống kê và phân tích được vùng giá nào đang được đặt lệnh chờ mua, chờ bán nhiều nhất, khối lượng bao nhiêu, để từ đó đẩy/đạp giá để các lệnh chờ chạm điểm khớp lệnh và đẩy thị trường đi theo xu hướng mong muốn.
Quá khứ thao túng hỗn loạn
Đối với thị trường vàng trong nước, từ trước đến nay vẫn đi theo diễn biến của giá vàng thế giới, tuy nhiên trong nhiều giai đoạn gần như cắt đứt sự liên thông với giá vàng thế giới, khi tăng giảm mạnh hơn nhiều kéo chênh lệch mở rộng so với giá thế giới quy đổi.
Như trong phiên giao dịch vào đầu tuần trước, giá vàng trong nước tăng thêm 3 triệu đồng chỉ trong một buổi sáng, lên mức kỷ lục gần 50 triệu đồng/lượng, kéo chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới quy đổi xấp xỉ 2 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, giá vàng sau đó nhanh chóng lao dốc, tương tự như những gì đã diễn ra cách đây chín năm, khiến câu hỏi về việc thị trường vàng trong nước có đang bị thao túng hay không quay trở lại.
Về cơ bản, quy mô giao dịch của thị trường vàng trong nước nhỏ hơn rất nhiều, đặc biệt là thị trường vàng vật chất với phần lớn nguồn vàng hiện đang nằm trong dân chúng dưới dạng tích lũy, nên khả năng thao túng không phải là không thể xảy ra.
Nhớ lại cách đây hơn 10 năm, thời điểm mà các sàn vàng trong nước còn đang hoạt động mạnh mẽ, trong đó nhiều sàn trực thuộc các ngân hàng, việc các sàn vàng thao túng giá cả gây ảnh hưởng lên giá vàng vật chất không phải là điều quá hiếm hoi, không chỉ bằng các lệnh mua bán lớn, mà còn bằng các thủ thuật can thiệp vào nền tảng giao dịch, với các vụ sập sàn kỹ thuật liên tiếp xảy ra.
Sau đó, hoạt động giao dịch vàng tài khoản chấm dứt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn là những tổ chức vừa có tiềm lực tài chính mạnh vừa nắm giữ một lượng vàng vật chất lớn do được phép huy động vốn, giữ hộ vàng cho khách hàng, trong đó một số ngân hàng còn phát triển, sở hữu những thương hiệu vàng miếng riêng, nên rõ ràng có đủ khả năng để thao túng thị trường.
Và thực tế khi đó, cũng chỉ có các ngân hàng mới đủ sức gây ảnh hưởng lên cung cầu để tác động đến giá cả.
Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời vào tháng 4-2012, không chỉ trao cho Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng mà còn thắt chặt hoạt động kinh doanh, mua bán, xuất nhập khẩu vàng, nhằm giảm mức độ vàng hóa trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc NHNN tiếp tục yêu cầu các ngân hàng phải chấm dứt hoạt động huy động, cho vay bằng vàng đã khiến giá vàng trong nước suốt một thời gian dài luôn chênh lệch cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 2-4 triệu đồng/lượng, thậm chí có lúc lên đến hơn 5 triệu đồng/lượng.
Để đảm bảo tất toán theo thời hạn yêu cầu, các ngân hàng đã bán vàng chuyển sang tiền đồng để cho vay trước đó buộc phải tìm mọi cách gom vàng lại trên thị trường để tất toán cho khách hàng gửi.
Ngoài ra, một số ngân hàng trong năm 2011 đã tham gia bán vàng bình ổn tại thời điểm giá lên hơn 49 triệu đồng/lượng cũng phải tìm cách mua lại, từ đó đẩy nhu cầu trên thị trường tăng đột biến.
Dù NHNN trong suốt năm 2013 đã tổ chức nhiều phiên đấu thầu bán vàng cho các tổ chức tín dụng, nhưng nguồn cung vẫn thiếu so với nhu cầu.
Làm giá ngắn ngủi?
Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn với hệ thống phân phối rộng khắp, được xem là những tổ chức có thể định giá vàng trong nước do sở hữu nguồn cung lớn, gồm Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn, tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji, tập đoàn Phú Quý, Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu.
Riêng việc nhập khẩu vàng và dập vàng miếng SJC vẫn thuộc độc quyền của NHNN.
Với nguồn cung hạn hẹp, năng lực sản xuất bị hạn chế, việc nhập khẩu vàng nếu được nối lại cũng mất nhiều thời gian, thì mỗi khi thị trường biến động mạnh với nhu cầu tăng đột biến, các doanh nghiệp trên thường phải mở rộng mức chênh lệch mua bán, không chỉ nhằm hạn chế nhu cầu mua tăng vọt từ khách, đồng thời tranh thủ làm giá, mà còn tự phòng vệ chính mình vì lo ngại xu hướng biến động mạnh của thị trường vàng thế giới trong thời gian ngắn.
Nhu cầu của những nhà đầu tư cá nhân, người mua bán nhỏ lẻ không đáng kể, thực tế nhiều người cũng có lựa chọn bán ra thay vì mua vào mỗi khi sốt giá, do đã rút kinh nghiệm trong quá khứ, nên có lẽ không đủ sức tác động để kéo giá, mở rộng chênh lệch như thế.
Tuy nhiên, nhu cầu từ các tiệm vàng tư nhân ở các địa phương, có thể chốt giao dịch lên đến hàng ngàn lượng chỉ qua một cú điện thoại với các doanh nghiệp lớn, chính là sức ép lên giá cả mỗi khi thị trường biến động.
Ngoài ra, chính những tiệm vàng này cũng có thể tranh thủ găm hàng, đầu cơ, tận dụng cơ hội đẩy giá để kiếm lời nhanh.
Cũng cần lưu ý rằng những giai đoạn thị trường vàng bị thao túng trước đây, giá đô la Mỹ tự do cũng thường tăng vọt do giới đầu cơ tìm cách kéo tỷ giá tăng, để gián tiếp đẩy giá vàng trong nước tăng do được tính theo tỷ giá tự do quy đổi.
Có thể thấy việc thao túng giá vàng lâu dài như giai đoạn trước là khó có thể, khi các doanh nghiệp lớn cũng chịu sự quản lý chặt chẽ từ nhà điều hành, trong đó có doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
Vì vậy, những bất hợp lý trong giá vàng như trước đây, nếu có, cũng chỉ mang tính thời điểm.