Sáng 17-5, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã cùng lãnh đạo TP, sở, ngành có chuyến thị sát tình hình xây dựng không phép, sai phép tại ấp 4A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM.
Báo cáo trước lãnh đạo Thành ủy TP HCM, đại diện huyện Bình Chánh cho biết hiện trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A có 38 đầu nậu đất nông nghiệp đang ngang nhiên lộng hành, thậm chí khi nhà bị cưỡng chế, một số đối tượng còn tấn công lực lượng công vụ.
Theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM, vi phạm đất đai trên địa bàn huyện Bình Chánh nhìn chung không giảm, trong 4 tháng đầu năm 2020 xử lý 114 trường hợp, lập biên bản thì nhiều nhưng xử lý không bao nhiêu và thực hiện cưỡng chế chưa đạt.
"Những công trình tồn tại ngay mặt tiền đường thì tại sao không phát hiện? Nhà xây dựng trong một tháng, hàng tuần có giao ban trong hệ thống chính trị thì tại sao cán bộ ấp, công an không nắm được? Việc xử lý còn chồng chéo, đặt gạch xây nhà thì phải xác định là xây dựng, còn sai như thế nào thì sẽ xử lý tiếp tục; giữa các bộ phận sai phạm đất đai hay xây dựng rồi dùng dằng. Đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 10.000 công trình vi phạm không phép", đại diện Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.
Bảng nghiêm cấm san lấp, mua bán, phân lô bán nền trái phép tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. |
Ngoài ra, việc xử lý thông tin, khắc phục vi phạm còn chưa ổn. Có hiện tượng lực lượng chức năng bị đe dọa khi cưỡng chế công trình vi phạm. Việc này Ủy Ban kiểm tra Thành ủy đã yêu cầu Công an huyện Bình Chánh vào cuộc.
Đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP HCM, cho biết sau vụ Lê Hoài Bảo (nguyên cán bộ kinh tế phụ trách địa chính xã Vĩnh Lộc A) bị tuyên 2 năm tù thì việc vi phạm có lắng dịu nhưng sau đó lại rơi vào tình trạng như hiện nay. Tại xã Vĩnh Lộc A, hiện có 38 đầu nậu và Công an TP HCM đã chỉ đạo tập trung xử lý quyết liệt xử lý, kể cả cán bộ có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo ông Dương Ngọc Hải, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP HCM, chưa có đầu nậu nào bị xử lý hình sự thể hiện việc chấp hành quyết định chưa nghiêm; công tác lập biên bản xử lý còn lúng túng.
"Đối với 38 đầu nậu đất có danh sách cần phân loại xử lý: các đơn vị chức năng ở huyện Bình Chánh phải nhanh chóng vào cuộc, có thể xử lý hình sự tội lừa đảo, đưa hối lộ, vi phạm quy định về xây dựng, quản lý đất đai… Đối với 36 vụ đã chuyển cơ quan điều tra thì cần phân loại, rà soát và xử lý nghiêm. Đối với 157 trường hợp vi phạm vừa phát hiện thì phải phân loại xử lý đầu nậu hay người mua đất mắc vi phạm", ông Dương Ngọc Hải nhấn mạnh.