Công chúa ngoại quốc duy nhất được lập đền thờ ở Việt Nam là ai?
Đây là công chúa ngoại quốc duy nhất được lập đền thờ, sau khi bà có những đóng góp cho Đại Việt.
Theo Hà Sơn/Zing
Xem toàn bộ ảnh
Theo Cổng thông tin Du lịch Ninh Bình, Nhồi Hoa công chúa được lập đền thờ ở Việt Nam. Hiện nay, đền thờ bà tọa lạc tại xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Theo "Địa chí Ninh Bình", Nhồi Hoa công chúa là người Ai Lao trong quá khứ, tức nước Lào hiện nay. Dưới thời Hậu Lê, bà có công giúp người Việt nên được nhân dân tôn thờ.
Dưới thời nhà Hậu Lê, Nhồi Hoa công chúa được vua cha giao trách nhiệm đưa cống nộp và huấn luyện một đàn voi cho Đại Việt. Khi trở về nước, đến địa phận huyện Gia Viễn ngày nay, bà lâm bệnh và qua đời. Sau đó, nhân dân lập đền thờ công chúa tại khu vực xã Sơn Lai hiện nay.
Theo Cổng thông tin Du lịch Tràng An (Ninh Bình), Nhồi Hoa công chúa được thờ tại đền Thượng Thái Sơn. Đền nằm trên đỉnh đồi thuộc địa bàn thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, giữa không gian làng quê yên bình với núi đồi: Phía Tây là lăng mộ công chúa, phía Nam là núi Hóe Vụng, phía Đông là núi Mỏ Phượng, phía Bắc là núi Chon Gà.
Sau khi huấn luyện xong đàn voi, giao lại cho Đại Việt, trên đường trở về, công chúa bị lâm bệnh, qua đời tại đồi Đền (Thái Sơn, Nho Quan). Biết tin, vua Lê Thánh Tông cho quân thần về làm lễ, an táng, xây khu lăng mộ và cho lập đền thờ công chúa ngay tại đó. Sau này, nhà vua cho người sang Ai Lao báo tin, triều đình Ai Lao chạm ảnh công chúa trên gỗ và đưa đến nơi bà mất làm lễ viếng.
Di tích còn lưu giữ ban thờ có ảnh công chúa chạm trên gỗ cùng nhiều đồ thờ tự có giá trị, đặc biệt là 4 sắc phong triều Nguyễn, trong đó có sắc phong vào ngày 12/1 năm Tự Đức thứ 6 (1852) phong cho bà mỹ tự “Linh Quang Huyền Cảm Diễm Quyên Nhàn Uyển chi thần”. Sắc phong ngày 25/7 năm Khải Định thứ 9 (1924), bà được phong là Thượng đẳng thần.
Di tích đền Thượng Thái Sơn cùng đền Chàng, thôn Chàng, xã Sơn Lai cũng thờ Nhồi Hoa công Chúa, được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2007. Di tích được chính quyền, nhân dân trong vùng trông coi, trùng tu tôn tạo. Hiện nay, đền Thượng Thái Sơn nằm trong khu vực Quần thể danh thắng Tràng An - di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Vào tháng 3 Âm lịch hàng năm, nhân dân nơi đây lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ bà.